Có lẽ trẻ em mong đợi Tết hơn ai hết. Và cũng có lẽ trẻ em hưởng thụ tết đầy đủ hơn cả người lớn. Như thể mùa xuân về là dành riêng cho lứa tuổi bình minh của một đời.
Vừa bước sang tháng Chạp, trẻ con đã nôn nao ngóng Tết. Trong giờ học, không ít cô cậu nhóc thả hồn lãng đãng ngoài khung cửa lớp. Những cây bàng trong sân trường bắt đầu thay áo mới, nhắc nhớ trời đất sắp chuyển mùa. Đông sắp tàn và xuân lại đến.
Học kỳ I vừa kết thúc, kỳ nghỉ Tết đã cận kề. Kỳ nghỉ kéo dài hơn hai tuần lễ. Nghỉ hè để trốn nắng nóng nhưng đôi khi còn bị ba mẹ bắt đi học thêm còn nghỉ tết thì tha hồ tung tăng chơi đùa trong tiết trời mát mẻ, dễ chịu. Ngoài ra, trẻ còn được ăn những món ngon, được tiền mừng tuổi. Sách vở được xếp lại, nằm ngoan trong góc tủ. Dù thấy cô có cho một lô bài tập về nhà làm khi nghỉ tết nhưng chẳng có mấy trẻ chịu hoàn thành ngay. Chúng hẹn lần lữa qua Tết hẵng hay. Chẳng còn nỗi sợ thấy cô, việc chúng hăm hở nhất lúc này là chơi đùa.
Ảnh minh họa
Do người lớn thường tin rằng nếu đầu năm mọi sự tốt lành, vui vẻ, nhẹ nhàng thì suốt năm mọi việc sẽ hanh thông, sẽ tránh được xui xẻo nên cha mẹ cũng ít khi la mắng con cái. Người ta tin rằng không khí hoà thuận trong gia đình đầu năm là một điều thiêng liêng cần phải giữ. Vì vậy, trẻ được dịp chơi đùa thả ga. Nghĩ cho cùng nếu không cho trẻ chơi đùa thì bảo chúng làm gì đây?
Ngày xưa, cứ vào dịp Tết, những trò chơi dân gian lại lên ngôi. Đủ loại trò chơi. Từ trong nhà ra ngõ. Từ góc phố đến cánh đồng mênh mông, lông gió. Sau khi cùng ba mẹ đi lên lễ chùa, thăm viếng họ hàng, trẻ bắt đầu được… tự do. Chỉ cần vài đứa bạn tụ lại là có thể bắt đầu cuộc chơi. Tôi còn nhớ như in, Năm nào ngày Tết các bạn láng giềng cũng hay kéo đến nhà tôi để…vừa kiếm lì xì vừa được mẹ tôi đãi bánh mứt lại vừa chơi các loại cờ như cờ cá ngựa, cờ domino, cờ gánh, lô tô…Có khi bọn trẻ chúng tôi tụ họp ngoài sân chơi đá cầu, nhảy lò cò, chơi ô quan hay trốn tìm. Có cả những trò chơi dùng tay như bắn bi, đánh đóa, kéo co, thả diều, vớt cá lia thia…
Ảnh minh họa
Ngày nay, các trò chơi dân gian không còn được trẻ ưa chuộng. Chỉ có trẻ ở vùng nông thôn một số nơi còn giữ được niềm vui qua những trò chơi mộc mạc mà đậm nét văn hóa. Còn đa phần ở thành phố và những vùng nông thôn phát triển, nơi trẻ con đựơc dịp tiếp xúc với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, với công nghệ thông tin, bọn trẻ laị say mê một loạt trò chơi mới. Các loại hình game đã khiến trẻ mê mệt “cắm mặt” vào máy tính bảng hoặc điện thoại. mấy ngày Tết qua nhanh như cái chớp mắt. Bởi tâm lý “Tết mà…”, nhiều bậc cha mẹ đã lơ là hoặc dễ dãi bỏ qua mà quên mất rằng điều này sẽ xáo trộn nhịp sinh họat của con mình suốt một thời gian dài sau Tết.
Trẻ con vốn hồn nhiên như cây như cỏ. Thế nên, đừng vội trách trẻ ham chơi mà hãy dặn mình thương con cũng phải đúng cách. Mà thật ra yêu thương cũng cần phải học để cùng con đi trọn cuộc đời.