Không hiếm trẻ em bị sỏi thận từ những thói quen tưởng chừng như vô hại mà nhiều bậc cha mẹ vẫn đang làm cho con.
Vài tuổi đã mang cả đống sỏi thận
Trường hợp cậu bé Tiểu Hiên, 9 tuổi ở Trung Quốc phẫu thuật lấy ra 56 viên sỏi, một trong số đó có kích cỡ của một quả trứng cút được chia sẻ trên các trang mạng những ngày gần đây khiến nhiều bậc cha mẹ lo ngại. Nhiều người vẫn nghĩ chỉ người lớn mới bị sỏi thận, chứ chẳng ai nghĩ một cậu bé nhỏ tuổi vậy đã mang một khối lượng lớn sỏi thận trong mình.
Theo chia sẻ của gia đình, ban đầu cậu bé bị đau bụng. Nhưng vì những cơn đau đến nhẹ nhàng theo từng cơn ngắn rồi khỏi nên gia đình không để ý. Sau đó, cậu bé có biểu hiện đau thắt vùng lưng dữ dội và tiểu ra máu nên gia đình vội đưa vào viện. Qua các xét nghiệm, bác sĩ kết luận cậu bé đã bị sỏi thận.
Trẻ nhỏ bị sỏi thận có nhiều nguyên nhân. ảnh minh họa
Theo các chuyên gia y tế, tại nước ta tỷ lệ trẻ nhỏ bị sỏi thận ngày càng tăng. Tại các bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp trẻ còn rất nhỏ tuổi đã bị sỏi thận. Con gái chị Bùi Thị Xuân (Hà Đông, Hà Nội) mới đây được chẩn đoán bị sỏi thận. Trước đó, cả gia đình chỉ nghĩ con bị bệnh giun khi thường kêu đau bụng. Phần lại nghĩ con gái lười ăn nên “kiếm cớ” để tránh ăn.
Khi tình trạng con bị đau bụng nhiều hơn, chị mua thuốc tẩy giun về cho con uống không khỏi. Bé vẫn đau bụng và kèm theo sốt kèm theo tiểu lắt nhắt, tiểu đau. Đưa con vào viện, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sỹ phát hiện trong đường tiết niệu của bé có sỏi.
Trẻ bị sỏi thận vì những nguyên nhân ít ngờ tới
Tại buổi họp báo phát động ngày Vi chất dinh dưỡng năm 2019 tại Thanh Hóa mới đây, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận ở trẻ. Thứ nhất có thể kể đến là do không uống đủ nước. Đây là nguyên nhân quan trọng nhưng thường không được mọi người để ý tới. Nhiều trẻ nhỏ khi đến trường cả ngày không uống đủ 2.000ml. Với người lớn phải uống được 3 – 3,5 lít mới là mức cân bằng. Uống ít nước lại cộng ăn nhiều thức ăn nhanh chứa nhiều muối, lười vận động rất dễ hình thành sỏi thận.
Thứ hai, trẻ bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản), rối loạn chuyển hóa... Hoặc những người u xơ tiền liệt tuyến, nằm lâu ở bệnh viện hay bị nhiễm trùng bộ phận sinh dục, lười ăn sáng, ít vận động… cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi thận.
Bên cạnh đó là thói quen bổ sung canxi không đúng của các bậc cha mẹ cho trẻ vì lo sợ trẻ thấp còi. Việc bổ sung canxi quá sớm và quá liều lượng khiến thận làm việc quá tải và gây nên hiện tượng sỏi thận.
Ở sữa mẹ, sữa công thức và canxi có trong thực phẩm hằng ngày đã có thể đáp ứng được nhu cầu canxi cho trẻ. Việc bổ sung canxi cho trẻ cần phải kiểm tra xem trẻ có thiếu hay không chứ không nên có tâm lý bổ sung “thừa còn hơn thiếu”. Trẻ có thể hấp thu canxi tốt nhất, bố mẹ nên cho trẻ hoạt động ngoài trời ít nhất 6 tiếng mỗi ngày. Ánh nắng mặt trời hoặc lượng vitamin D thích hợp sẽ đáp ứng đủ nhu cầu canxi cho trẻ.
Các chuyên gia khuyến cáo, hiện y học có nhiều biện pháp chữa sỏi thận. Tùy thuộc sỏi thận độ nặng hay nhẹ, kích thước của viên sỏi mà sẽ có phương pháp điều trị cụ thể. Một số phương pháp tán sỏi thường dùng hiện nay là tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi qua nội soi niệu quản ngược dòng…
Nếu nghi ngờ trẻ bị sỏi thận cần đưa trẻ tới bệnh viện chyên khoa để khám, tư vấn cụ thể. Đa số trẻ mắc bệnh thường dễ bị kích thích, nhất là mỗi lần đi tiểu khiến cho trẻ khóc nhiều do tiểu đau. Điều lưu ý, đối với trẻ bị sỏi thận thường đau bụng, đi tiểu ra máu chiếm khoảng 33 - 99%.
Để tránh cho trẻ bị sỏi thận cần tập thói quen cho bé uống đủ nước, ăn đầy đủ các nhóm thức ăn, hạn chế ăn mặn tránh táo bón. Cùng với đó đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dị tật bẩm sinh đường tiết niệu sớm.