4 năm sau ngày chồng mất, chị Dung lại hạnh phúc được đón 2 cậu con trai chào đời nhờ tinh trùng trữ lạnh.
Mấy ngày nay căn hộ chung cư nhỏ của gia đình chị Hoàng Thị Kim Dung (Hà Nội) tràn ngập tiếng cười, niềm hạnh phúc khi có thêm hai cậu bé sinh đôi kháu khỉnh. Câu chuyện của chị đã khiến nhiều người xúc động, bởi lẽ hai bé Hoàng Đức và Hoàng Hải sinh ra là nhờ lưu trữ đông lạnh tinh trùng của người bố đã qua đời cách đây 4 năm.
Câu chuyện chưa từng có ở Việt Nam
Yêu nhau từ năm 2002, khi anh chị còn là sinh viên Đại học Bách Khoa. Năm 2005, chị Dung đi du học tại Pháp. Thời gian hai người ở bên nhau không nhiều, chủ yếu duy trì liên lạc qua mạng Internet. Năm 2009, chị Hoàng Thị Kim Dung và anh Hồ Sỹ Ngọc quyết định kết hôn. Vui duyên mới chưa được bao lâu, chị Dung lại bịn rịn chia tay gia đình trở lại Pháp giảng dạy 1 năm theo hợp đồng. Trước khi đi, chị Dung mang bầu, đến mùa hè năm 2010 về Việt Nam sinh hạ bé gái Hồ Hoàng Hải Bình (năm nay 4 tuổi). Những tưởng gia đình đoàn viên, hạnh phúc trọn vẹn sẽ đến với tổ ấm nhỏ nhưng rồi tai họa ập xuống, khi anh Ngọc bị tai nạn giao thông qua đời.
Giữa lúc bối rối trước sự ra đi của chồng, chị Dung nhớ lại mong muốn của chồng khi còn sống, chị Dung kể: “Vợ chồng tôi nói với nhau là sẽ sinh hai đứa con. Nhưng khi chồng qua đời mới có một bé gái nên tôi quyết định tìm nơi có thể đủ điều kiện lưu trữ tinh trùng của chồng nhằm thực hiện mong muốn này. Trong thời gian học ở Pháp, tôi cũng đã nghe đến câu chuyện trên báo về trường hợp lưu trữ tinh trùng sau khi chồng qua đời để thụ tinh”.
Chị Kim Dung bên cạnh hai bé
Thế nhưng, trường hợp của chị Dung là lần đầu tiên tại Việt Nam, dù thế giới đã từng có trường hợp sinh con nhờ đông lạnh tinh trùng của chồng đã qua đời. Trong lúc bối rối, chị gọi điện sang Pháp tìm sự giúp đỡ, tìm đến Bệnh viện Phụ sản Trung Ương để hỏi về vấn đề này nhưng vì vướng mắc vấn đề thủ tục giấy tờ mà không thực hiện được.
“Trong khi mọi người đang tìm cách thì hai người bạn của tôi đi trên đường vô tình thấy tên Bệnh viện Nam khoa và Hiếm muộn Hà Nội. Bạn tôi đã gọi điện cho tổng đài bưu điện để hỏi số điện thoại bác sĩ giám đốc và rất may là bác sĩ Vương Văn Vệ đã đồng ý”, chị Dung nhớ lại.
Chăm một đứa con đã khó thì việc chăm hai đứa lại càng vất vả hơn rất nhiều. Vì vậy, những ngày này có gia đình bên nội và bên ngoài cùng hỗ trợ chị Dung tất cả mọi việc trong nhà từ bữa cơm, giấc ngủ, dỗ bé lúc đêm khuya…
Bác sĩ Vương Văn Vệ chúc mừng chị Dung và gia đình
Trong thời gian mang bầu, một mình lo cho con gái lớn, công việc giảng dạy ở bộ môn khá bận nhưng bằng nghị lực và ý chí cố gắng, quyết tâm chị đã vượt qua tất cả. “Thời kỳ bầu bí của tôi nhẹ nhàng, không có vấn đề gì cả. Sau sinh, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì đã thực hiện được ý nguyện của chồng”, chị Dung tâm sự.
Một người phụ nữ lo cho 3 đứa con, có thể với ai đó là một việc quá sức nhưng chị Dung luôn chuẩn bị tâm lý vững vàng. Thời gian sống xa nhà khi đi du học ở Pháp, có lúc chị cảm thấy tủi thân. Giờ đây, khi sinh hai bé trai kháu khỉnh, không có chồng bên cạnh để là chỗ dựa nhưng chị vẫn xác định phải vững vàng để không ảnh hưởng đến con.
Để đảm bảo nguồn sữa cho hai bé bú, chị Dung tiết lộ: “Tôi học được kinh nghiệm của một số bà mẹ khác là cho hai bé ăn cách nhau một khoảng thời gian khoảng 30 phút”.
Sau bao chờ đợi và lo lắng, bé Hoàng Đức và Hoàng Hải ra đời trong niềm hạnh phúc không gì tả được của bản thân chị Dung, gia đình và bạn bè. Dẫu biết phía trước có thể còn nhiều vất vả nhưng “ước muốn lớn nhất hiện tại của chị Dung là cố gắng nuôi các con nên người” – chị Dung bày tỏ.
Hai bên nội ngoại chung sức
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Bính (bố anh Sỹ Ngọc) cho biết: “Thời điểm chị Dung nói về quyết định lưu trữ tinh trùng của chồng để thực hiện thụ tinh nhân tạo sau khi mãn tang, có một số người trong gia đình cũng phản đối. Riêng cá nhân tôi không khuyến khích nhưng cũng không phản đối, điều đó tùy thuộc vào quyết định của con dâu. Nhưng tôi có nói nếu thực hiện thành công thì bố chịu ơn con”.
Hai bé Hoàng Đức và Hoàng Hải chào đời trong niềm hạnh phúc và xúc động
Cũng theo ông Bính, gia đình chị Dung nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ phía bạn bè. Trước đây, anh Ngọc cùng một người bạn lập một công ty riêng, kể từ khi anh qua đời, người bạn đó nhận hỗ trợ cháu Hải Bình 1,5 triệu đồng/tháng trong giai đoạn từ 1-5 tuổi.
Ông Hồ Bính (bố anh Hồ Sỹ Ngọc)
Khi biết tin con dâu mang thai từ tinh trùng của anh Ngọc được đông lạnh, ông Bính xúc động, ngỡ ngàng vì trường hợp này chưa bao giờ có ở Việt Nam.“Trong quá trình con dâu mang thai, tôi cũng được biết tỷ lệ thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm không phải là cao nhưng tôi vẫn tin là sẽ thành công”, ông Bính tâm sự.
Trong căn hộ chung cư của chị Kim Dung, sự quan tâm của ông bà nội, ngoại là niềm an ủi, động viên lớn nhất để chị vượt qua tất cả. Gặp bà Trần Thị Hảo (mẹ đẻ chị Dung) trong gian bếp nhỏ, từ khi hai cháu ngoại chào đời, mỗi ngày bà lại tất bật nấu thức ăn bồi dưỡng cho con gái.
Bà Hảo cho biết: “Hàng ngay tôi chịu khó thay đổi món thịt bò, thịt lợn, chim bồ câu…để bồi dưỡng sức khỏe cho cháu Dung. Ngoài ra, cũng chú ý tới các món lợi sữa như đu đủ hầm chân giò, hoa chuối luộc chấm nước mắm…”