80% đồ chơi trên thị trường Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Và chắc chắn các bà mẹ sẽ phải giật mình lo sợ khi đọc được những thông tin dưới đây.
Chai truyền dịch, ống tiêm dùng một lần, túi đựng máu, chất thải y tế… tất cả đều có thể trở thành nguyên liệu để sản xuất đồ chơi cho trẻ em. Sự thật này đã được phơi bày trên kênh CCTV, Trung Quốc vào ngày 15/3 vừa qua, khiến các bậc cha mẹ rất hoang mang và lo lắng.
Theo đó, trong phóng sự của CCTV, một nhân viên của một công ty sản xuất đồ chơi trẻ em đóng tại Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đã tiết lộ thông tin rằng khi sản xuất đồ chơi cho trẻ em, họ thường sử dụng các vật liệu y tế đã qua sử dụng, những nguyên liệu này chiếm tới 70% vật liệu được dùng cho sản xuất đồ chơi.
“Chúng tôi xử lý tới 20 tấn chất thải y tế mỗi tháng, tương với với tổng số ống truyền dịch được sử dụng bởi các tổ chức y tế trung bình mỗi tháng.” – Nam nhân viên này cho biết.
Thông tin rất nhiều đồ chơi trẻ em tại Trung Quốc được làm từ rác thải y tế lây lan bệnh tật chắc hẳn sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ tại Việt Nam cảm thấy lo lắng bởi có đến 80% đồ chơi tại Việt Nam được nhập từ thị trường Trung Quốc.
20 tấn chất thải y tế mỗi tháng chính là số lượng trung bình mà các nhà máy sản xuất đồ c chơi tại Trung Quốc tiêu thụ để sản xuất sản phẩm.
Phóng sự ghi lại hình ảnh hàng loạt các chất thải y tế đếp xếp la liệt, ngổn ngang trên mặt đất, bốc mùi hăng, hôi thối. Tất cả chúng đều được đưa tới rất nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi đóng tại các tỉnh Sơn Đông, Nhâm Khâu, Hải Nam và rất nhiều nơi khác. Để tránh bị các cơ quan chức năng sờ gáy, các cơ sở xử lý rác thải y tế này chia thành nhiều khu vực xử lý các công đoạn khác nhau.
Theo kiểm tra, các nhà máy xử lý chất thải này không được cơ quan chức năng cấp phép. Chất thải y tế sau khi mua về được nghiền nhỏ, thành các hạt nhỏ màu trắng hoặc xám sau đó cung cấp cho các nhà máy. Vì giá thành của các vật liệu tái chế này khá rẻ, dai và tiết kiệm chi phí nên rất nhiều nhà máy sản xuất đồ chơi đã thu mua về để sản xuất.
Rác thải y tế sẽ được nghiền nát thành những viên nhỏ màu trắng hoặc xám, sau đó được bán cho các nhà máy sản xuất đồ chơi.
Chất thải y tế có nguy cơ gây dịch bệnh, đe dọa tới sức khỏe con người hơn các loại rác thải y tế thông thường vì chúng có lưu trữ máu, dịch bênh từ các bệnh nhân và số lượng lớn virus, vi khuẩn gây bệnh. Theo báo cáo thử nghiệm của Bộ Y tế Trung Quốc, thiệt hai do virus và vi trung gây ra bởi chất thải y tế cao hơn hàng nghìn lần so với chất thải gia đình thông thường. Nếu không được xử lý đúng cách thì chất thải y tế sẽ là mối đe dọa với sức khỏe con người.
Chất thải y tế bốc mùi hôi thối này sẽ được chuyển tới các nhà máy đồ chơi.
Đồ chơi được xem là công cụ để giúp bé phát triển các kỹ năng tư duy, vận động. Cuộc sống của một đứa trẻ không thể không có đồ chơi. Tuy nhiên trước vấn nạn "đồ chơi bẩn" như hiện nay, các bậc cha mẹ cần phải lựa chọn kỹ lưỡng đồ chơi dành cho trẻ nếu như không muốn biến chúng từ những vật dụng đe dọa tới sức khỏe trẻ nhỏ.
Dưới đây là một số hướng dẫn bố mẹ cần lưu ý khi lựa chọn đồ chơi an toàn cho trẻ
1. Đọc kỹ thông tin về sản phẩm
Trước khi quyết định mua một sản phẩm nào đó, các mẹ nên đọc kỹ thông tin về sản phẩm, bao gồm: chất liệu, tên công ty sản xuất, độ tuổi sử dụng thích hợp,… thông tin các chi tiết càng an toàn.
2. Ưu tiên đồ chơi từ hãng có tên tuổi
Sự lựa chọn tốt nhất là chọn đồ chơi từ các hãng sản xuất có thương hiệu lớn, có tên tuổi và uy tín. Các thương hiệu lớn thường đã được chứng nhận về quy trình sản xuất và chất liệu sản xuất an toàn, không nguy hại tới sức khỏe của trẻ nhỏ.
Những món đồ chơi được sản xuất cẩu thả với nhiều chi tiết sắc cạnh, xù xì thường có chất lượng kém và không an toàn với trẻ nhỏ.
3. Không mua đồ chơi có chất lượng kém
Đồ chơi chất lượng kém thường không được xử lý cẩn thận. Chúng thường có đường nét thô, sắc cạnh dễ gây tổn thương tới làn da của trẻ. Bên cạnh đó, đồ chơi chất lượng kém thường được thiết kế lỏng lẻo, dễ rơi rụng, lớp sơn bề mặt dễ bong tróc.
4. Không mua đồ chơi có mùi khó chịu
Khi mở túi đồ chơi nếu có mùi hăng, hắc khó chịu thì các mẹ cũng không nên mua cho trẻ vì thông thường những món đồ chơi này không được xử lý kỹ về chất liệu hoặc được làm từ chất liệu không an toàn.