Trần Thị Diệu Liên – con gái của cô lao công ngoài việc giành được học bổng gần 7 tỷ của đại học Harvard gây xôn xao dư luận.
“Tôi luôn nói với con rằng nhà mình nghèo thì phải gắng mà học thì mới thoát nghèo được. Nhưng những gì con làm được đã vượt quá sự mong đợi của tôi. Giờ đây, tôi vừa mừng vừa lo...”. Đó là những lời tâm sự của chị Nguyễn Thị Lộc, mẹ của nữ sinh 19 tuổi xuất sắc trúng tuyển vào trường Đại học Harvard với mức học bổng hiếm có 302.920 USD (khoảng 6,8 tỷ đồng) cho 4 năm học.
Tìm đến đường Mai Thị Lựu (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM) hỏi cô lao công có con gái đậu Harvard có lẽ không ai là không biết. Bởi lẽ Trần Thị Diệu Liên – con gái của cô lao công ngoài việc giành được học bổng gần 7 tỷ của đại học Harvard, em còn là học sinh xuất sắc của phường, của quận nhiều năm qua.
Chị Lộc cảm thấy có lỗi khi không thể cho con một cuộc sống đầy đủ như bạn bè cùng tuổi.
Dạy con biết yêu thương mọi người
Kết thúc công việc lao công ở kí túc xá của một trường đại học, chị Nguyễn Thị Lộc (SN 1972, quê Thanh Hóa) lại tất bật trở về nhà chuẩn bị bữa tối cho cả gia đình. Đối với người phụ nữ ấy, mặc dù đã gắn bó với nghề ngoài 20 năm nhưng chị chẳng dám nghĩ đến một ngày nghỉ. Bởi lẽ, “nghỉ một ngày đồng nghĩa với việc con tôi sẽ bị đói một ngày” chị Lộc tâm sự.
Lấy bộ quần áo mới từ trong túi xách ra, chị Lộc khoe “Cái này tôi vừa mới mua cho bé Liên. Nghe tin cháu đạt được học bổng cũng muốn mua một thứ gì đó vừa làm quà cho cháu trước khi đi học vừa để khích lệ, động viên tinh thần cháu. Nhưng điều kiện gia đình cũng chẳng có, tôi cũng chỉ mua được cho cháu đến vậy” đôi mắt người phụ nữ ấy đượm buồn khi nghĩ đến điều kiện gia đình.
Chị Lộc làm lao công trong một kí túc xá của trường đại học, còn chồng chị là thợ làm biển quảng cáo, thu nhập trung bình của 2 vợ chồng cũng chỉ được 6 – 7 triệu, khéo chi tiêu cũng vừa đủ tiền ăn học cho 2 con.
Khi được hỏi chị có phương pháp nào đặc biệt nuôi dạy con hay không, chị Lộc chỉ lắc đầu, gương mặt đầy nét ưu tư: “Tôi làm gì có thời gian. Cả ngày cắm cúi ở trường học, tối đến mới có thời gian dành cho gia đình. Tôi chỉ luôn biết động viên cháu “nhà mình nghèo các con phải cố gắng học thì mới có thể thoát nghèo được...”.
Có những lúc, Diệu Liên cũng ngỏ ý xin đi làm thêm để có thêm đồng ra đồng vào giúp đỡ bố mẹ, nhưng vợ chồng chị không cho. Chị không muốn áp lực kinh tế sẽ ảnh hưởng đến việc học của con. Chị luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con được học tập trong mức khả năng của mình.
Chỉ vào những tấm bằng khen dày đặc treo trên 4 bức tường, chị Lộc không khỏi tự hào khi nhắc về cô con gái Diệu Liên: “Từ khi bước vào cấp 1 đến lúc tốt nghiệp cấp 3, mỗi năm Diệu Liên đều đạt được vô số giải thưởng lớn nhỏ từ cấp trường, thành phố, quốc gia rồi quốc tế...Có bao nhiêu bằng khen tôi đều bảo cháu treo lên cho ba ngắm. Mỗi lúc buồn chán hay cảm thấy áp lực trong cuộc sống, tôi lại ngắm nhìn những tấm bằng khen đó để lấy động lực mà bước tiếp”.
Bức tường treo đầy bằng khen của 2 cô con gái chị Lộc.
Điều bất ngờ là ba mẹ Liên tuy quan tâm việc học của cô song chưa bao giờ tạo áp lực cho con gái trong việc phải đạt thành tích hay vị thứ cao trong các năm học. Luôn theo sát con trong mọi hoạt động nhưng vợ chồng chị luôn để cho con quyết định mọi thứ.
Ngoài việc học, Diệu Liên còn tham gia dạy thêm các môn văn hóa cho trẻ khuyết tật tại mái ấm tình thương tật. Cô gái ấy luôn được mẹ dặn dò “Sống là phải biết yêu thương và chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khổ hơn mình nghe con!”.
Những khi sắp xếp được thời gian, người mẹ này lại chở con “đi làm” và tranh thủ thăm, tặng quà cho các bé khuyết tật ở các trung tâm Liên đang dạy. Và chính câu chuyện về gia đình, về những trải nghiệm tại các mái ấm tình thương của Liên đã lay động được trái tim của hội đồng tuyển sinh từ trường đại học Harvard.
Vợ chồng chị Lộc và cô con gái Như Quỳnh.
Luôn cảm thấy có lỗi với con
Chỉ còn gần 1 tháng nữa, cô con gái Diệu Liên của chị sẽ đến một vùng đất mới để chinh phục ước mơ và cả kì vọng về một tương lai thoát nghèo của ba mẹ. Ngày nhận tin con giành được học bổng, chị vừa mừng vừa lo.
Mừng vì con gái đã làm được những việc ngoài sức mong đợi của ba mẹ. Khi nhận được tin con giành được học bổng vào Đại học Harvard, người phụ nữ ấy cũng chẳng biết trường đó ở đâu, như thế nào. Sau này mới nghe nhiều nhiều người nói đó là trường hàng đầu thế giới, dành cho những sinh viên ưu tú thì chị mới òa khóc vì tự hào.
Biết Liên là đứa con ngoan, không đòi hỏi về vật chất hay lấy làm tự ti vì ba mẹ là dân lao động nghèo, học hành chẳng đến làm chị vừa mừng vừa cảm thấy có lỗi. Việc chưa cho con sống một ngày đầy đủ, có điều kiện phát triển như bạn bè vẫn luôn là một nỗi đau đè nặng lên tâm khảm...
“Con sắp đi rồi tôi cũng gắng để lo cho con, nhưng sức mình cũng chẳng lo nổi. Tôi chỉ biết sắm sửa cho cháu vài ba thứ đồ dùng cá nhân cần thiết để dùng chứ đồ bên kia mắc lắm, gia đình tôi đâu thể mua nổi”.
Gia đình chị Lộc nhận được danh hiệu gia đình hiếu học.
Nghĩ đến cảnh con gái mai này một thân một mình nơi đất khách quê người, trong lòng của người phụ nữ ấy lại có trăm ngàn nỗi lo. Chị lo mai này, khi con gái một mình nơi xứ người, những lúc ốm đau hay cô đơn, ai có thể dang tay chăm sóc như mẹ.
Rồi chị lại nghĩ về chuyện tiền nong, nếu chẳng may con gái ở bên đó có việc gì cần đến số tiền lớn, cha mẹ nghèo khó biết lấy đâu mà gửi qua… Nói đến đây, nước mắt chị Lộc trực trào ra.
Có lẽ người mẹ ấy đã không cho con được một cuộc sống vật chất đầy đủ nhưng chị lại có cả môt bầu trời tình thương dành cho con. Sự giản dị, chân chất của một gia đình lao động đã ngấm sâu vào con người Liên, đó chính là nơi cho em động lực, cho em quyết tâm, là bệ phóng cho em vươn tới ước mơ mà em hằng khao khát.
Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của người mẹ ấy: “Đời mình đã lam lũ, truân chuyên, chỉ mong sao con cái lớn lên luôn khỏe mạnh, học thành tài để có cuộc sống no đủ hơn cha mẹ. Chỉ cần vậy là tôi vui rồi...”.