2 lần con bị thủy đậu, mẹ 8X xinh đẹp chăm sóc theo kiểu: Không kiêng cữ bất cứ thực phẩm nào, kể cả tắm rửa.
Con bị thủy đậu, mẹ vẫn tắm rửa cho con mỗi ngày
Với thời tiết rét- nắng thất thường, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp, sởi,…đặc biệt là thủy đậu. Chị Chu Thiên Hương (30 tuổi- Hà Nội) cho biết, mùa đông năm nay, con gái chị đã bị thủy đậu và đây là lần tái phát thứ 2. Trong lần đầu tiên, bé có triệu chứng phát ban và sốt nhẹ 2 ngày rồi tự hết. Thấy bệnh lạ, chị Hương đã cho con vào bệnh viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, cơ thể bé phát ban ít nên không để lại sẹo.
“Mình tin con bị thủy đậu và đã khỏi. Hơn nữa, các mẹ bỉm sữa lại mách rằng: Con đã phát ban mọc nốt, bệnh sẽ không tái phát. Vì vậy, mình không tiêm mũi phòng chống bệnh thủy đậu cho con. Nào ngờ, con vẫn tiếp túc bị thêm lần nữa” chị Hương tâm sự.
Lần thứ 2 tái phát bệnh, con gái chị Hương cũng có triệu chứng sốt. Đặc biệt, cơ thể phát ban rộng hơn và có nhiều nốt sâu. Rút kinh nghiệm, chị đã cho bé đi khám và lấy thuốc trị bệnh.
Con gái bị thủy đậu, chị Chu Thiên Hương vẫn thoa kem và lau người hoặc tắm sạch sẽ cho con mỗi ngày
Chia sẻ cách chăm sóc con mắc bệnh thủy đậu, chị Hương nói: “Thực ra, con bị thủy đậu, mình vẫn chăm sóc như bình thường. Hằng ngày, mình thoa kem và lau người hoặc tắm rửa cho bé sạch sẽ. Về chế độ ăn uống, mình không kiêng cữ bất cứ loại thực phẩm nào. Rau củ, thịt, cá,… tốt cho sức khỏe của con, mình sẽ đưa vào thực đơn mỗi bữa. Tuy nhiên, mình không cho con gãi ngứa, tránh tình trạng nốt phát ban vỡ gây nhiễm trùng da”.
Thủy đậu- căn bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên và rất dễ lây truyền. Khi một người mang siêu vi thủy đậu, nói, hắt hơi hoặc ho,…thì các siêu vi sẽ theo nước bọt bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh.
Theo bác sĩ Chuyên khoa cấp II Phi Nga (Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc), thủy đậu là căn bệnh diễn ra phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là các trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên. Nó thường phát bệnh vào thời điểm giao mùa, mùa đông-xuân.
Căn bệnh thủy đậu thường phát bệnh vào thời điểm giao mùa, mùa đông-xuân
Sau khi tiếp xúc với người lây từ 10-14 ngày, trẻ có thể mắc bệnh thủy đậu và có những biểu hiện rõ ràng theo từng giai đoạn:
- Giai đoạn khởi phát: Trẻ có thể có biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, biếng ăn và nôn ói,…
- Giai đoạn toàn phát: Cơ thể trẻ xuất hiện nốt hồng có đường kính vài milimet. Sau 1-2 ngày, sẽ xuất hiện các nốt phỏng nước từ mặt đến chân.
“Ngày đầu, nốt phỏng nước chứa chất dịch màu trong. Tiếp đó, chúng chuyển sang đục như mụn mủ và 3 ngày sau sẽ đóng vẩy. Đặc biệt, các mụn nước mọc thành nhiều đợt khác nhau nên trên cùng vùng da sẽ có nhiều dạng khác như đỏ rát, mụn nước trong, đục và đóng vẩy”, bác sĩ Nga chỉ rõ triệu trứng bệnh thủy đậu trong giai đoạn toàn phát.
- Giai đoạn phục hồi: Nếu như không có biến chứng, trẻ có thể khỏi bệnh trong vòng 1-2 tuần. Các nốt mụn khô, đóng vẩy và bay nhanh, không để lại sẹo. Khi hết sốt, trẻ sẽ dần phục hồi và ăn uống trở lại như thường.
Phổ biến nhưng… dễ gây biến chứng
Dù thủy đậu không nguy hiểm như một số bệnh khác, nhưng rất dễ gây biến chứng cho trẻ nhỏ. Bác sĩ Phi Nga cho biết: “Thực tế, một số trẻ bị bệnh đã bị xuất huyết ở các mụn nước và biến chứng thành thể “thủy đậu xuất huyết” trầm trọng. Một số trẻ khác thì bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn. Các vi khuẩn này chạy vào mụn thủy đậu làm sưng to và gây ngứa. Trẻ không chịu được sẽ dùng tay gãi và dễ gây viêm da”.
Bên cạnh đó, vi khuẩn nói trên từ các mụn xâm nhập vào máu gây ra nhiều bệnh như viềm cầu thận cấp thấp hoặc viêm cầu khuẩn máu do vi khuẩn tự cầu, viêm gan,…Nguy hiểm hơn, trẻ có thể bị viêm não, viêm tiểu não và viêm phổi mức độ từ nhẹ đến nặng.
Không có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu
Theo bác sĩ Phi Nga, không có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu. Khi trẻ mắc bệnh, phần lớn là điều trị các triệu chứng như hạ sốt, chống ngứa,…Để trẻ khỏi bệnh dứt điểm, bố mẹ cần:
- Cách ly trẻ bị bệnh để tránh lây lan với người khác. Mọi đồ dùng của trẻ như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước… phải dùng riêng.
- Vệ sinh miệng và thân thể cho trẻ. Cần cho trẻ tắm bằng nước ấm, tránh làm vỡ các bỏng nước. Sau đó, dùng khăn xô thấm khô người và mặc quần áo.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn mềm và dễ tiêu hóa. Uống nhiều nước lọc, nước cam và ăn thêm hoa quả bổ sung vitamin như chuối,…
- Đặc biệt, khi thấy trẻ có biểu hiện của bệnh thủy đậu phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, tư vấn, theo dõi và điều trị bệnh kịp thời.