Mẹ cao tay mách chiêu 'cai' Ipad cho con

Ngày 23/02/2013 16:03 PM (GMT+7)

Con trai 6 tuổi đã 'nghiện nặng' Ipad khiến vợ chồng em đau đầu lắm.

Đọc bài viết “Chơi' Ipad sớm con 4 tuổi bị cận 9 độ” của mẹ Cò xong mà em thấy hú hồn hú vía. Con trai 6 tuổi của em cũng từng bị mắc bệnh “nghiện” Ipad  nặng giống hệt như bé Cò, nhưng may mắn thay vợ chồng em đã kịp thời phát hiện và tìm đủ mọi cách để bắt con phải “cai nghiện”. Trải qua một quá trình khá gian nan, cuối cùng thì vợ chồng em cũng thành công trong việc cách ly con với chiếc Ipad trước khi xảy ra tình trạng con bị cận quá nặng giống bé Cò.

Ngày xưa lúc mua chiếc Ipad về nhà em suy nghĩ đơn giản lắm, thứ nhất nó có tác dụng vừa học vừa chơi, vừa có thể giúp đỡ con trong việc học tập và tra cứu thông tin lại vừa có thể cài đặt được trò chơi giúp con giải trí sau những giờ học căng thẳng. Thứ hai là bởi vì giá của một chiếc Ipad cũng không quá đắt, bởi vậy nên vợ chồng em cũng chẳng chần chừ mà quyết định mua ngay. Nhưng có ngờ đâu rằng bất kỳ sản phẩm công nghệ nào, cho dù là điện thoại, máy tính hay máy tính bảng… cũng đều có hai mặt lợi và hại.

Em không phủ nhận chức năng kìm kiếm và xử lý thông tin cực nhanh, cũng không chối bỏ tác dụng rèn luyện óc phán đoán, tư duy và cả sự nhanh nhạy mà các trò chơi có trong chiếc Ipad mang lại. Tuy nhiên khi nhìn con cứ suốt ngày cắm đầu vào Ipad mà không đi chơi với bạn bè và càng ngày càng ít nói chuyện, tiếp xúc với mọi người thì em lại cảm thấy vô cùng lo lắng. Thậm chí đôi lúc con còn mải chơi quá đến nỗi quên cả ăn tối hoặc quên nghỉ trưa. Vậy là em bàn với chồng tìm cách hạn chế dần thời gian “chơi” Ipad của con.

Mẹ cao tay mách chiêu #039;cai#039; Ipad cho con - 1

'Chơi' Ipad nhiều có thể bị vẹo cột sống (Ảnh minh họa)

Đến tận bây giờ em mới thấy thấm thía câu ví của các cụ rằng: “Khó như cai nghiện”, bởi vì quả thực cai "nghiện" Ipad là một công việc vô cùng gian nan. Bước đầu tiên vợ chồng em tìm cách nhẹ nhàng giảng giải cho con hiểu, thậm chí lấy cả những tấm gương của bè bạn xung quanh để  răn đe con về tác hại của Ipad, sau đó em giảm dần thời gian sử sụng xuống bằng cách giới hạn thời gian “chơi” Ipad của con. Đang được tự do mà bỗng nhiên lại bị cấm cản nên thời gian đầu cu cậu thái độ và tỏ vẻ giận hờn ra mặt, nhưng cu cậu vẫn không dám cả gan chống lại “kỷ luật thép” mà bố mẹ đã đặt ra.

Khi đó em nghĩ nếu cứ để con ở nhà cũng không ổn, bởi ở nhà thì lúc không có Ipad con lại chuyển sang điện thoại hoặc tivi. Vậy là nguyên một mùa hè hai vợ chồng em dành hết thời gian rảnh của mình đưa con đi chơi và tập bao nhiêu là thứ, hết học vẽ, học bơi, con lại còn được đến sinh hoạt ở cung thiếu nhi cùng bao nhiêu bạn bè cùng trang lứa khác. Khi được gặp gỡ và giao lưu với các bạn, em để ý thấy con dần đần tươi vui và nói lắm, cười nhiều trở lại. Thỉnh thoảng con vẫn nhớ, vẫn đòi mượn Ipad để “chơi”, nhưng đòi không được thì thôi chứ không tìm cách khóc lóc, ăn vạ giống hồi mới đầu nữa.

Thay vì sử dụng phần mềm sách và tranh ảnh điện tử cài đặt sẵn trong Ipad, em đưa con đến nhà sách rồi chọn mua một loạt sách và truyện tranh mà con thích để khi ở nhà con tự tìm hiểu. Để khuyến khích con, tối nào mình cũng dành thời gian ngồi đọc sách và quan tâm đến con, nói chuyện với con nhiều hơn. Em nhận ra rằng trẻ con khi được bố mẹ hỏi han và quan tâm thì thích lắm, cứ huyên tha huyên thuyên kể hết chuyện nọ đến chuyện kia.

Nhìn thấy con lại hồn nhiên và hiếu động như ngày nào, em thấy lòng rất vui. Bây giờ con chỉ háo hức mong tới ngày đến lịch đi sinh hoạt ở cung văn hóa để lại được gặp gỡ bạn bè chứ đã chẳng còn nhắc tới chiếc Ipad kia. Hai mẹ con em cứ tíu ta tíu tít suốt ngày, chả bù cho trước kia, con cứ cắm đầu vào Ipad, còn mẹ lại cắm đầu vào tivi. May mắn thay vì hai vợ chồng em phát hiện kịp thời và tìm cách để “cai” Ipad sớm nên con trai em không bị cận quá nặng.

Đến bây giờ con chẳng những không còn “thèm” Ipad nữa mà thậm chí đôi lúc hai vợ chồng em có quên mà để ở bàn thì con cũng chẳng lập tức chạy đến 'vồ' như bắt được vàng giống trước kia. Sau một quá trình “cai nghiện” Ipad cho con, em nhận ra rằng lỗi lớn nhất trong việc con mê mẩn với các đồ điện tử chính là ở cha mẹ.

Bởi vậy nên ngay từ hôm nay các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng kiên trì một chút, nhất định có thể cách ly được con khỏi chiếc Ipad kịp thời.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm của mẹ