Những bà mẹ dạy dỗ trẻ không đúng cách sẽ khiến trẻ trở nên bướn bỉnh và thậm chí 'căm ghét' chính mẹ mình.
Trong mắt người mẹ, con cái luôn là đứa trẻ non nớt cần được mẹ bảo bọc, yêu thương, chăm sóc nhưng thực tế sẽ có những lúc chúng ta phải chấp nhận rằng, con chúng ta đã lớn. Nhiều bà mẹ đã có cảm giác hụt hẫng, mất mát một điều lớn lao khi tới một ngày nhận thấy con đang dần rời xa vòng tay của mình.
Chị gái tôi có cô con gái năm nay chuẩn bị bước vào cấp 3. Cô bé từ nhỏ đã rất thông minh, nhanh nhẹn và cá tính hơn bạn bè cùng trang lứa. Về việc học hành ở trường lớp, chị hoàn toàn yên tâm vào con mình. Nhưng khoảng nửa năm nay, khi bước vào giai đoạn phải chọn trường thi vào cấp 3 thì chị thấy con khác hẳn. “Cháu lúc nào cũng có thể cãi mẹ, tuy không nói hỗn nhưng mình xem đó là sự chống đối của con”.
Trên thực tế, chị tôi luôn theo sát con mình từng ly từng tý một, nhắc nhở con phải làm cái này, làm cái kia và phải tuân thủ theo ý chị thì mới có thể gọi là “hài lòng”. Càng ngày chị càng thấy con gái xa cách mình hơn, trong khi nó vẫn vui vẻ với bố và ông bà.
Nó cũng chia sẻ với bạn bè trên facebook cá nhân rằng mẹ tớ thế này, thế kia và những lúc đó chị thường vào “comment” và nhắc nhở con luôn trước mặt bạn bè. Chị luôn lo sợ con mình có thể sẽ sa ngã, bị bạn bè lôi kéo làm chuyện bậy bạ nên chị kiểm soát con chặt chẽ và chị cho rằng mình đang bảo vệ cho con.
Tôi cũng gặp nhiều trường hợp như gia đình bạn tôi, có cậu con trai mới 11 tuổi, tưởng chừng sẽ bớt lo hơn vì con mới học lớp 6 thôi nhưng cũng gần đây bé cũng thể hiện cái tôi rõ rệt như nghịch ngợm hơn, bướng bỉnh không nghe lời mẹ khiến cô bạn tôi đau đầu và cảm thấy bất lực không thể dạy được con.
Về phần bản thân mình, tôi chỉ có cảm giác rằng những người mẹ này và con cái họ quá giống nhau. Trẻ con thì thích tự làm theo ý mình đã đành, người lớn cũng thích con phải làm theo ý mình. Cứ nghe lời mẹ, làm theo mọi điều mẹ nói, không làm phiền nhiễu mẹ, sẽ được gọi là ngoan.
Nhiều phụ huynh bối rối khi trẻ đột nhiên trở nên bướng bỉnh, thích chống đối (ảnh minh hoạ)
Thạc sĩ Trần Thị Ái Liên từng so sánh đứa trẻ bị uốn nắn làm theo mọi điều bố mẹ yêu cầu, bất chấp sở thích, lập trường của nó như một cây Bonsai. Con sẽ có hình dáng đẹp, nhưng theo khuôn mẫu, còi cọc và yếu đuối. Nhưng rõ ràng con cũng không thể là cái cây mọc trong rừng, phát triển tự do thế nào cũng được.
Tôi muốn gợi ý cho các ông bố, bà mẹ trẻ trong quá trình nuôi dạy con để tránh phải chứng kiến con mình lại ghét bỏ chính mình:
- Hãy làm bạn với con thay vì coi con là kẻ dưới, chúng phụ thuộc mình nên phải làm theo ý mình.
- Cha mẹ có thể tự tạo facebook nhưng hãy đóng vai là những người bạn cùng trang lứa của con. Tiếp cận con để lắng nghe và thấu hiểu những tâm sự thầm kín của con. Con cái của chúng ta thường thích tâm sự với bạn bè thay vì người lớn có kinh nghiệm. Đứng từ xa quan sát thay vì luôn kè kè đi bên trông chừng chúng.
- Cho con quyền tự quyết định và chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của mình. Có thể con sẽ đau/sẽ hỏng việc nhưng nó có thể rút ra được kinh nghiệm cho bản thân để trưởng thành.
- Cho phép mình có những lúc “quên” con đi. Điều đó khiến chúng thưởng thức sự tự do nhưng sau đó chúng mới thấm thía việc có cha mẹ quan tâm, nhắc nhở cần thiết như thế nào.
- Chấp nhận những thay đổi về tâm sinh lý của con trẻ và coi đó là sự thay đổi cần thiết diễn ra trong quá trình phát triển của con. Ai trong chúng ta cũng có những khó khăn nhất định khi bước vào tuổi dậy thì. Hãy lắng nghe để cùng con khắc phục.
- Vẽ đường cho hươu chạy để hươu chạy đúng đường. Cha mẹ luôn sợ con sẽ trở thành người hư hỏng nhưng chúng ta không thể có mặt 24/7 trong suốt cuộc đời của con để bảo vệ chúng. Dạy con kĩ năng tự bảo vệ chính mình thay vì che chở con suốt đời.
- Thi thoảng hãy gửi những lá thư nho nhỏ, những dòng tin nhắn thể hiện tình cảm cha mẹ dành cho con. Thậm chí cha mẹ có thể nhờ con tư vấn về những khó khăn chính mình gặp phải trong cuộc sống.