Năm ngoái, nhận làm mẫu cho một shop bán hàng online, bé P. bắt đầu được nhuộm tóc liên tục... để phục vụ việc chụp ảnh và quay video.
Thời nay, chuyện làm đẹp cho trẻ nhỏ ngày càng được các bà mẹ quan tâm đầu tư. Không chỉ dừng ở việc mua sắm quần áo, phụ kiện sành điệu bắt mắt, nhiều chị em còn thích cho con nhuộm, uốn tóc để có được vẻ ngoài xinh xắn, tựa "lai Tây". Việc làm này tưởng chỉ đụng chạm tới phần tóc tưởng "vô hại" nhưng hoá ra lại có thể đẩy con vào những nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo. Câu chuyện của một cô bé có tên Peipei (Trung Quốc) là một hồi chuông cảnh báo đầy đau lòng.
Theo đó, cô bé Peipei 6 tuổi có gương mặt khá dễ thương, tính cách tự tin. Ngay từ khi 4 tuổi, Peipei đã bắt đầu được cho tập luyện vũ đạo, diễn catwalk... thường xuyên tham gia các buổi biểu diễn thời trang, có tính khí "ngôi sao" ngay từ nhỏ.
Năm ngoái, nhờ tham gia chụp ảnh mẫu cho một shop bán hàng thời trang trẻ em online, Peipei bắt đầu nhận được thêm nhiều sự chú ý, yêu thích trên mạng xã hội.
Cô bé bắt đầu được mẹ cho sơn móng tay, trang điểm và nhuộm tóc, thay đổi màu tóc liên tục... để phục vụ việc chụp ảnh và quay video.
Peipei thường xuyên được uốn, nhuộm màu tóc nhiều lần để phục vụ việc chụp hình bán hàng online. (ảnh minh hoạ)
Năm Peipei 6 tuổi vào lớp 1, một hôm sau giờ học, Peipei bỗng có những biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, thân nhiệt tăng cao. Nghĩ con bị sốt thông thường, mẹ Peipei chỉ cho bé nghỉ ngơi uống thuốc hạ sốt. Nhưng sau một vài ngày nhiệt độ không thuyên giảm, mẹ Peipei lúc này mới đưa con đến bệnh viện kiểm tra. Người mẹ trẻ không lường trước được kết quả khám xét lại nghiêm trọng đến vậy: Peipei bị bệnh bạch cầu.
Các bác sĩ thấy Peipei tóc vàng hoe liền hỏi mẹ Peipei đây có phải màu tóc gốc của cô bé không. Khi biết đây là màu tóc đã được nhuộm lại để giúp Peipei xinh xắn giống như những đứa trẻ nước ngoài, bác sĩ đã phải lắc đầu "Tại mẹ rồi!".
Nguy hại khi cho trẻ nhỏ nhuộm tóc
Trong thuốc nhuộm tóc có chứa benzen và benzen dẫn xuất. Theo các nhà khoa học benzen đang bị coi là một chất hóa học gây ra nguy cơ gây suy tủy xương, giảm bạch cầu, thiếu máu và cuối cùng gây ra bệnh bạch cầu.
Bên cạnh đó, các thành phần hóa học có trong thuốc nhuộm cũng gây hại đến tóc. Một số thành phần chính là p-phenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol. Những loại thuốc nhuộm tóc càng sặc sỡ, bền màu càng độc hại.
Não bé đang phát triển, da đầu nhạy cảm, 1 số chất có trong thuốc nhuộm tóc như ammonia sẽ gây hại cho bé. (Ảnh minh hoạ)
Theo Bệnh viện Nhi đồng Lucile Packard ở Stanford (Mỹ), bệnh máu trắng hay bệnh bạch cầu là dạng ung thư phổ biến nhất ở trẻ em, ước tính có khoảng 3.500 trẻ ở Mỹ bị mắc bệnh mỗi năm, có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trẻ bị mắc bệnh ung thư máu thường dễ bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus gây ra. Các triệu chứng bao gồm ho, sốt, chảy nước mũi. Các bệnh nhiễm trùng này thường không có tiến triển tốt ngay cả khi sử dụng kháng sinh hay các liệu pháp điều trị khác.
Thực tế, việc nhuộm tóc gây ung thư bạch cầu là hãn hữu nhưng năm 2009, một bài báo từng công bố những người dùng thuốc nhuộm hơn 9 lần mỗi năm thì nguy cơ bị ung thư máu cao hơn 60%. Chính vì vậy các bậc phụ huynh nên hạn chế cho trẻ nhỏ tiếp xúc với hoá chất trong thuốc nhuộm tóc quá sớm, nhất là những loại thuốc nhuộm không rõ nguồn gốc, thành phần.