Chị Quỳnh Hoa "mách" lại chị em những mẹo nhỏ để mỗi bữa ăn của con luôn là một niềm vui.
Có lẽ, ai đã từng một lần ghé qua facebook của chị Nguyễn Quỳnh Hoa (28 tuổi, Hà Nội) thì đều sẽ phải "mắt tròn mắt dẹt" trước những bức ảnh chụp các bữa ăn vô cùng đẹp mắt và tỉ mẩn do chính tay chị làm cho con. Bà mẹ 28 tuổi này hiện đang làm công việc về quan hệ cộng đồng, ngoài ra còn có "nghề tay trái" là viết sách, vậy nhưng với tình yêu con, tình yêu nấu nướng, ngày nào chị cũng cố gắng mỗi ngày dành một khoảng thời gian tìm tòi, mày mò các món ăn mới cho gia đình đồng thời nấu các món ăn đẹp mắt cho con.
Vợ chồng chị có một bé gái tên là Vũ Tuệ Nhi, tên thường gọi ở nhà là Dâu. Bé Dâu (2 tuổi) có khả năng ăn thô vô cùng tốt và niềm yêu thích tự nhiên với việc ăn uống.
Những bức ảnh chụp các bữa ăn vô cùng đẹp mắt và tỉ mẩn do chính tay chị làm cho con.
Bà mẹ một con "mách" lại chị em những mẹo nhỏ để mỗi bữa ăn của con luôn là một niềm vui.
Những bữa ăn cho con được truyền cảm hứng bởi Samatha Lee - một hotmom người Malaysia
Những món ăn chị làm cho con đều rất hấp dẫn và cầu kỳ. Chị có mất nhiều thời gian cho việc “sáng tác” và chế biến?
Mình không mất nhiều thời gian vì bé nhà mình có thể ăn các món chung của gia đình từ lúc một tuổi. Mình cũng bận nên thời gian để chế biến món ăn đều phải tính toán kỹ lưỡng trước. Hàng ngày nấu món gì cho gia đình, làm cơm chủ đề gì cho con, mình thường lên kế hoạch trước trong đầu. Hôm sau, mình chỉ việc đi mua nguyên liệu về chế biến thôi. Trông ảnh thì như vậy nhưng khi làm đều hết sức đơn giản và nhanh chóng.
Thông thường, mình chỉ việc nấu cơm chung cho cả nhà rồi từ đó chế biến thêm cho con. Ví dụ như các món mặn thì nấu chung, cơm thì khi chín, mình trộn nước ép rau, củ tạo màu vào một góc trong nồi, để một lúc là cơm dẻo, màu đẹp, có thể đem ra tạo hình được.
Các món ăn cho con, mình thường làm trong khoảng 15-30 phút. Trong lúc đợi các món chính của gia đình chín thì mình tranh thủ tạo hình luôn. Như thế khi món chính xong thì cơm cho con cũng xong. Việc nặn “cơm” theo chủ đều này làm khá nhanh, chỉ có việc cắt các chi tiết nhỏ như mắt, mũi, miệng… thì tốn thời gian hơn một chút. Nhưng nếu các mẹ có bộ dụng cụ làm bento – máy dập rong biển giúp làm mắt, mũi, miệng thì sẽ nhanh vô cùng. Mình thì không có nên hoàn toàn phải làm thủ công. Nhưng vì thế mà mình thấy sản phẩm mang dấu ấn của riêng mình hơn, trông khá là ngộ nghĩnh, phù hợp với con trẻ.
"Thông thường, mình chỉ việc nấu cơm chung cho cả nhà rồi từ đó chế biến thêm cho con. Ví dụ như các món mặn thì nấu chung, cơm thì khi chín, mình trộn nước ép rau, củ tạo màu vào một góc trong nồi, để một lúc là cơm dẻo, màu đẹp, có thể đem ra tạo hình được."
"Việc nặn cơm theo chủ đều này làm khá nhanh, chỉ có việc cắt các chi tiết nhỏ như mắt, mũi, miệng… thì tốn thời gian hơn một chút."
Chị có thể chia sẻ công thức để tạo màu cho cơm và tạo hình từ thực phẩm?
Để tạo hình thì các mẹ có thể làm từ cơm, bún, phở, bánh mỳ và trái cây. Mình thường lấy chủ đề từ các bộ phim hoạt hình, trong truyện cổ tích, truyện tranh, thế giới động vật vì nó phù hợp với trẻ con. Theo mình, sự sáng tạo là vô biên, không theo một tiêu chí nào cả, các mẹ hoàn toàn có thể tự “tưởng tượng” ra chủ đề hoặc có thể tham khảo những hướng dẫn làm bento trên mạng.
Như mình thì học hỏi được rất nhiều từ nữ họa sĩ Samantha Lee – cô ấy là một người mẹ đáng ngưỡng mộ với những bữa ăn được sáng tạo không biên giới. Cá nhân mình luôn lấy Samantha Lee làm động lực để học hỏi và từ đó có thể sáng tạo riêng cho bữa cơm của con.
Về việc tạo màu cho cơm nắm, mình thường sử dụng các loại rau, củ, quả tươi. Ví dụ như:
- Màu cam: cà rốt luộc chín, xay nhuyễn trộn với cơm hoặc ruốc cá hồi.
- Màu xanh lá từ lá rau, như lá nếp, rau chân vịt, rau cải xoong... thích đậm nhạt thì điều chỉnh nước cốt của rau.
- Màu hồng phấn từ nước rau dền.
- Màu hồng tím từ nước củ dền cô đặc.
- Màu tím từ lá cẩm, thanh long đỏ.
- Màu vàng từ củ nghệ, bột nghệ, lòng đỏ trứng gà luộc.
- Màu nâu từ muối vừng.
- Màu đen từ muối mè, rong biển vụn.
- Màu đỏ từ củ cải đỏ.
Đấy là một số màu cơ bản. Mình có thể tìm ra nhiều màu khác tuỳ theo nguyên liệu và quá trình pha trộn. Nguyên liệu để nhuộm đều là thiên nhiên nên vừa an toàn vừa giúp con ăn được nhiều loại rau củ mà mẹ chẳng hề mất công chút nào.
Chị Quỳnh Hoa luôn lấy Samantha Lee làm động lực để học hỏi và từ đó có thể sáng tạo riêng cho bữa cơm của con.
Mê ăn dặm kiểu Nhật từ khi con còn chưa chào đời
Nhìn những bữa cơm của bé Dâu, có vẻ như bé đã ăn thô khá tốt. Chị dạy con ăn như thế nào?
Mình cho bé ăn theo phương pháp Ăn dặm kiểu Nhật từ lúc con được 6 tháng. Mình đã tìm hiểu kỹ phương pháp này từ trước khi mang bầu bé một năm. Có lẽ vì thời gian chuẩn bị kỹ càng nên trong quá trình dạy con ăn dặm, mình không gặp quá nhiều khó khăn.
Đến giờ ăn thường chỉ có hai mẹ con ở trong phòng kín, đóng cửa, mình đặt bé vào ghế ăn dặm, bày các món đã chế biến ra, nói chuyện với con trước về các món ăn hôm nay mẹ chế biến, như là: “Hôm nay, mẹ làm món mỳ Udon cho Dâu này, ngon lắm, Dâu nhìn mẹ ăn nhé…”, mẹ ăn mẫu rồi sau đó bón cho con, cũng có bữa, mình để bé tự “xử lý” bữa ăn của mình. Mặc kệ rơi vãi, mình thích nhìn con xử lý bữa ăn của mình. Bé nhà mình rất hợp tác, ăn thô tốt, con có thể “tốt nghiệp lớp ăn dặm” từ lúc 9 tháng.
Chị biết đến phương pháp ăn dặm kiểu Nhật từ đâu?
Cũng tình cờ lắm, trong một lần đi ăn sáng, mình thấy một bà mẹ người Nhật và một em bé khoảng một tuổi ngồi ăn phở. Mình rất bất ngờ vì bé còn nhỏ xíu mà ngồi ăn rất đàng hoàng, tay bốc phở bỏ vào miệng một cách ngon lành (tất nhiên là phở đã được để nguội vừa ăn), ăn hết bánh phở và thịt thì bé bưng bát làm “một hơi” hết sạch. Mình ngồi ăn mà không hết "choáng váng", về nhà thử search google cách người Nhật dạy bé ăn thì tìm ra phương pháp ăn dặm kiểu Nhật.
Thế là mình mua rất nhiều sách về đọc, càng đọc thì mình càng thấy tâm đắc với phương pháp ăn dặm này. Mọi thứ đều khoa học, văn minh từ cách chế biến đến cách dạy con ăn và mình đặt niềm tin hoàn toàn với chọn lựa này cho con.
Quyết tâm theo đuổi phương pháp ăn dặm kiểu Nhật, mình thúc ông xã đi mua các dụng cụ ăn dặm kiểu Nhật từ lúc con chưa chào đời.
Bé Dâu mới 2 tuổi nhưng đã ăn thô rất tốt.
"Con còn cả đời để ăn, đừng vội"
Nhiều bà mẹ sợ cho con ăn dặm kiểu Nhật vì lo trẻ sẽ ăn được ít, chậm lên cân. Quan điểm của chị ra sao?
Tiêu chí của mình khi dạy con ăn dặm luôn luôn là: “Không ép, không quát mắng, không làm trái với điều con muốn”, như người Nhật luôn nói: “Con còn cả đời để ăn, đừng vội”. Có lẽ vì sự thoải mái đó mà trong suốt quá trình cho con ăn dặm kiểu Nhật, mình không hề cân đo cân nặng của con, cũng hết sức kiên nhẫn với những ngày con chẳng may “đổi tính”.
Mỗi bữa ăn dặm giữa hai mẹ con thường không kéo dài quá 30 phút. Nếu sau 30 phút, con không ăn hết thì mình vẫn dọn dẹp, cất đi, chứ không kéo dài thêm khiến con sợ.
Nếu bữa nào con không ăn, mình không ép, không dỗ dành mà thường dọn dẹp luôn, sau đó cho con uống sữa bù. Trẻ dưới một tuổi, sữa vẫn là chính, ăn dặm chỉ là giúp con hiểu về bữa ăn, thành ra các mẹ không nên quá nôn nóng, lo lắng khi con không hợp tác. Ngược lại, cho con “nhịn” một bữa lại giúp con thèm ăn hơn.
Chị đã bao giờ gặp phải trường hợp con hóc, nghẹn khi ăn thô sớm? Những khi như vậy, chị thường xử lý ra sao hoặc có cách nào để phòng tránh?
Mình đọc rất kỹ các tài liệu trước khi theo đuổi phương pháp ăn dặm kiểu Nhật. Quá trình ăn dặm kiểu Nhật có tổng cộng bốn giai đoạn và tất cả nguyên liệu đều tăng độ thô hết sức khoa học. Nếu mẹ theo đúng phương pháp, chế biến đúng thì con không bao giờ bị hóc, nghẹn khi tập ăn thô. Ngược lại, thức ăn thô phù hợp sẽ giúp con tự xử lý được độ thô cần thiết, tránh bị hóc – nghẹn cho bản thân.
Bản thân mình luôn ở bên con, theo dõi, quan sát cẩn thận cách con xử lý thức ăn và thấy rằng, các bé chưa có răng khi được rèn ăn thô đúng cách, đều có thể nhai – nghiền bằng lợi và làm mềm thức ăn bằng lưỡi rất “chuyên nghiệp” vì thế các mẹ nên mạnh dạn, tự tin cho con ăn thô theo đúng giai đoạn với thức ăn được làm mềm, cắt gọt phù hợp và nên giữ bình tĩnh khi thấy con có dấu hiệu chớm hóc – lúc đó mẹ không nên can thiệp, hoảng loạn, bình tĩnh quan sát con xử lý, thông thường các con sẽ ọe ra theo phản xạ.
Trộm vía là bé nhà mình có thể nhai miếng táo được gọt vỏ ngon lành từ lúc gần bảy tháng và chưa lần nào bị nghẹn, hóc trong quá trình tập ăn dặm cả.
"Mỗi bữa ăn dặm giữa hai mẹ con thường không kéo dài quá 30 phút. Nếu sau 30 phút, con không ăn hết thì mình vẫn dọn dẹp, cất đi, chứ không kéo dài thêm khiến con sợ."
Bé Dâu có thể ăn được thức ăn thái khá to mà không hề bị hóc.
Không bao giờ là uổng phí, là vô ích khi bạn làm gì đó cho con
Nhiều chị em có “sợ” bày vẽ nấu nướng cho con vì tốn thời gian, con lại chán ăn, bỏ ăn thì “công toi”. Quan điểm của chị thế nào? Có bao giờ con gái từ chối những món ăn chị nấu?
Quan điểm của mình với mỗi bữa ăn của con luôn là ăn để chơi – để học – để vui. Vì thế, mình không sợ bày vẽ nấu nướng cho con, cũng không buồn nếu con không hào hứng với bữa ăn mà mình đã bỏ công chế biến. Nấu ăn với mình như một niềm vui, vì mẹ xem đó là niềm vui nên tinh thần cho con ăn cũng sẽ là niềm vui như thế.
Không bao giờ là uổng phí, là vô ích khi bạn làm gì đó cho con, hãy luôn xem mỗi việc mình làm đều sẽ tạo ra lợi ích nào đó, đều sẽ thu về một trải nghiệm nào đó. Ngay cả nếu con không ăn thì mình cũng cần đặt ra câu hỏi: “Vì sao bữa cơm khác con ăn mà bữa này con lại không thích?”, từ đó mới có thể giải quyết được vấn đề.
Làm mẹ vừa khó lại vừa đơn giản. Khó ở chỗ là mình đã tự đặt ra những mục tiêu cao, những kỳ vọng lớn lao, tự mình làm khó mình. Đơn giản ở chỗ là mình biết đặt mình vào địa vị của con, tôn trọng con, lắng nghe con.
Với mình, bữa ăn của con không phải là chiến trường, không có thắng và thua, được và mất, chỉ có niềm vui và bài học. Mà trong đó, bài học lớn nhất chính là mẹ học được sự kiên nhẫn, sự thấu hiểu. Thế nên, con không muốn, mình cũng không ép, không dỗ dành mà chỉ nhẹ nhàng dọn dẹp bữa ăn của hôm đó đi.
Có những khi mình nhận được tin nhắn của nhiều bà mẹ về việc làm thế nào để con hết biếng ăn, mình thường trả lời vui với họ rằng: “Khi mẹ học được cách phớt lờ tất cả”. Đói hay no, cũng là một chọn lựa của con. Chẳng có lý do gì để vì một bữa no mà mẹ phải nói dối, phải doạ nạt, phải cưỡng ép. Điều duy nhất mà mình muốn gửi gắm các mẹ thông qua bài phỏng vấn này, chỉ là: Học cách tôn trọng con.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị!