Trước khi áp dụng một phương pháp dân gian nào đó để chữa bệnh cho trẻ nhỏ, cha mẹ nên tìm hiểu kĩ càng hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ.
Thời tiết thay đổi, tiết trời lạnh là khoảng thời gian dễ khiến nhiều trẻ nhỏ sức đề kháng cơ thể yếu, dẫn đến một số biểu hiện, biến chứng bệnh như ho, sổ mũi, cảm sốt.
Tuy nhiên, thay vì đưa con đi bác sĩ để thăm khám và có phương hướng điều trị thích hợp thì nhiều bậc phụ huynh lại nghe theo lời dân gian mách bảo, tự chữa bệnh cho con. Mặc dù con còn quá nhỏ nhưng các mẹ vẫn liều lĩnh gây ra hậu quả đáng tiếc.
Ảnh Minh Đức
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền câu chuyện chia sẻ một bà mẹ về việc hối hận khi đã tự chữa ho đờm cho con tại nhà theo sự bày cách của "mấy mẹ bỉm trên mạng xã hội". Chị đã dùng tỏi đắp lên chân cho con, buộc lại để qua đêm. Tuy nhiên, ngày hôm sau "lòng dạ như xé ra thành trăm mảnh" khi chứng kiến cảnh lòng bàn chân của con bị bỏng, phỏng rộp.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên bởi trước đó sai lầm tương tự đã xảy ra với một bà mẹ trẻ khác. Chị cũng lên tiếng chia sẻ câu chuyện của bản thân với bàn chân nhỏ xíu của con bị bong da, đen sẫm đến đáng thương.
Ảnh H.X
Theo chia sẻ của các bà mẹ trẻ, phương pháp này được chữa với nhiều cách khác nhau: Có người cắt lát nhánh tỏi, áp vào lòng bàn chân con; cũng có người giã nát tỏi dập nước và quấn vào chân để qua đêm nhưng cũng có người hòa vào nước rồi mới đắp chân cho con.
Phương thuốc đắp tỏi vào chân trẻ được nhiều mẹ bỉm sữa lan truyền. Ảnh chụp màn hình
Trước những "tai họa" ập đến do sự chủ quan của mẹ, rất nhiều cư dân mạng có những nhận xét về việc này:
"Thương em quá. Chắc nhiều tỏi nóng quá. Làm mẹ mới biết. Con bị gì 1 tí là lòng mẹ đau phát khóc. Thương với cùng".
"Trời ơi, sơ sinh mà đắp như vậy thì da con mới bỏng. Thương con bé bỏng quá. Mong con nhanh khỏi".
"Không phải đắp tỏi đắp hành là sai mà do tìm hiểu chưa kỹ thôi. Đắp lượng bao nhiêu, thời gian bao lâu. Tỏi cũng là 1 loại kháng sinh, chứ không phải cách dân gian là sai hay người ta bày qua mạng lúc nào sai, căn bản bạn biết chọn lọc và áp dụng không thôi".
Tuỳ vào độ tuổi của bé nữa. Con mới 2 tuổi, da còn non nớt. Mẹ đắp tỏi, bịt thì bị rộp là đúng đó mẹ à. Bôi dầu tràm, massage lòng chân, bấm huyệt ở giữa ngón cái và ngòn thứ 2, rồi đi tất vào".
"Ôi trời à! Mình kiên trì rửa mũi (chứ không hút nhé, càng hút càng bị) cho bé nằm nghiêng đầu sau đó nhỏ thật nhiều nước muối vào để cho nó chảy ra mũi bên kia, sau đó quay lại bên này tiếp! Sạch sẽ xong thì nhỏ 2 giọt nước muối vào hai mũi! Sau đó cho bé uống chanh đào hay quất hay hẹ đường phèn gì cũng được! Mình kiên trì làm, trộm vía đỡ hẳn".
"Tốt hơn hết là con ốm thì đưa đi bệnh viện khám chữa bệnh trước khi quá nặng, tránh trường hợp chữa linh tinh và để lâu ngày, tội bé".
Bác sĩ nói gì về phương pháp này?
Để tìm hiểu thực hư lợi - hại của phương pháp chữa ho, sổ mũi cho trẻ bằng hành tăm như các mẹ bỉm sữa đang áp dụng, chúng tôi đã liên lạc với bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học Cổ truyền Quân đội.
Khi nhắc đến phương pháp này bác sĩ Lân cho biết: "Việc các mẹ truyền thông tin dùng hành tăm trị ho, sổ mũi cho con, tôi không đồng ý. Theo tôi, một người đưa lên trên mạng không có nghiên cứu tốt nhất các mẹ không nên làm theo. Hành có tác dụng thông dương như ai bị phong hàn có thể ăn bát cháo hành.
Chỉ nên massage mũi nhẹ nhàng cho bé. Ảnh minh họa
Nếu đúng phong hàn thì hành tăm có tác dụng còn nếu sổ mũi do phong nhiệt hay viêm phổi, viêm họng thì không nên.
Các bé rất nhạy cảm nên khi bé ngạt mũi hay sổ mũi các mẹ nên massage mũi cho con là lành nhất. Đó là phương pháp rất nhẹ nhàng, các mẹ chỉ cần rửa tay thật sạch sẽ rồi xoa ấm tay mình và xoa vào mũi, mặt, ngực cho con ấm lên nhằm thông khí. Có thể tất cả các loại lá, gia vị đều là thuốc nhưng thuốc dùng không đúng đều có thể gây ra chuyện".