"Điểm danh" sai lầm cần tránh khi nuôi dạy con.
Thời gian gần đây, tôi suy nghĩ khá nhiều về khái niệm 'tương lai lâu dài'. Tôi nghĩ về con người sau nay tôi mong con sẽ trở thành và tự hỏi: "Tôi có thể làm gì để thúc đẩy điều đó?" Suy nghĩ cẩn trọng về tương lai của con đã thay đổi cách tôi nuôi dạy chúng, bởi tôi nhận ra rằng những điều khiến con hạnh phúc khi chúng 10 hay 15 tuổi hoàn toàn khác với những điều khiến chúng hạnh phúc vào năm 25, 30, 40 tuổi hoặc nhiều hơn thế nữa.
Dưới đây, tôi xin chia sẻ với bạn một số lỗi lầm nuôi dạy con thường gặp nhất, được đúc kết từ kinh nghiệm thực tế của bản thân tôi và nhiều bậc cha mẹ khác nữa.
7. Quá đề cao con
Nhiều bậc cha mẹ yêu con một cách mù quáng, luôn quá đề cao hoặc tôn thờ con dẫn đến việc trẻ ngày càng trở nên ích kỷ. Để rồi đến một ngày, khi thấy trẻ sống quá vì mình, không biết sẻ chia và giúp đỡ, cha mẹ lại than trách ‘vô phúc’.
Thực tế, sự ích kỷ không phải là tính cách cố hữu mang tính di truyền của con người mà hoàn toàn do giáo dục, do môi trường sống tạo nên. Hãy nhớ, con cái là để yêu thương chứ không phải để tôn thờ, đề cao hay ‘trang sức’ của cha mẹ.
6. Mong con hoàn hảo
Khi ai đó nhận xét rằng, con ngày càng hư hỗn, không biết kính trên nhường dưới hay vô kỷ luật... phản ứng đầu tiên của nhiều bậc cha mẹ là ‘xù lông nhím’ tức giận hoặc hỏi tới tấp nguyên nhân vì sao nhận xét thế. Sự thật thường mất lòng nhưng nếu chúng ta nghe sự thật với trái tim và tâm hồn rộng mở thì sẽ hưởng nhiều lợi ích. Như vậy, chúng ta sẽ sớm có biện pháp can thiệp, ‘uốn nắn’ lại con để chỉnh chúng theo đường đúng. “Nhân vô thập toàn”, đừng đòi hỏi trẻ phải hoàn hảo khi chính bạn là tấm gương đầy lỗi.
5. Quá đắm đuối vì con
Luôn tự hảo vì con là đức tính cố hữu tự nhiên và dễ hiểu của tất cả các bậc cha mẹ. Và nhiều khi, thành công của con khiến cha mẹ mừng vui, hạnh phúc gấp vạn lần thành công của chính mình. Chính bởi thế, cha mẹ nào cũng có tâm lý hi sinh, sẵn sàng đánh đổi để dành cho con cuộc sống đủ đầy về vật chất. Nhưng quá đắm đuối vì con thì sao chúng ta có được hạnh phúc của riêng mình? Sự chở che bao bọc nếu quá đà chỉ khiến con trẻ cảm thấy mệt mỏi mà thôi.
Luôn tự hảo vì con là đức tính cố hữu tự nhiên và dễ hiểu của tất cả các bậc cha mẹ. (Ảnh minh họa).
4. Để con cãi lại
Khuyến khích con tranh luận khác với việc để con cãi lại. Cảnh mẹ nói một câu, con cãi một câu là không bao giờ được phép tồn tại trong một gia đình có văn hóa. “Nhà có lề, quê có thói”, quan hệ cha mẹ với con cái dù có tự do, dân chủ thế nào cũng cần phân biệt rạch ròi trên dưới. Cha mẹ thông thái luôn đặt ra cho con những giới hạn nhất định, nếu con vượt qua sẽ phải chịu phạt thích đáng.
3. "Đánh cắp" tuổi thơ của con
Con thành danh, có địa vị trong xã hội là ước mơ lớn của đại đa số cha mẹ. Nhưng đừng để điều đó 'đánh cắp' thời thơ ấu mà con xứng đáng được hưởng. Nếu bạn muốn con vững vàng tiến về phía trước, hãy bảo vệ con khỏi những áp lực điểm số, học hành, thi cử... Để con được vui chơi và phát triển tự nhiên theo 'nhịp' riêng của mình. Như vậy, bạn mới phát hiện ra ưu điểm và thế mạnh cần phát huy của con.
2. Nuôi dạy con theo cách bạn muốn chứ không phải theo những gì con có
Dạy dỗ và hướng con theo một hình mẫu thành công có sẵn là điều không tưởng. Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đã mang trong mình một cá tính nhất định. Quan tâm và hiểu cá tính của trẻ sẽ giúp cha mẹ có phương pháp giáo dục trẻ tốt nhất. Có thể trẻ không giống như những gì chúng ta đã tưởng - không thông minh, không hài hước, thậm chí còn khó gần và ương ngạnh... Dù thế nào, hãy nhìn nhận đúng con người của trẻ và yêu thương con người đó.
1. Phán xét phụ huynh và những đứa trẻ khác
Đừng bao giờ 'mèo chê mèo dài đuôi', phát xét những phụ huynh và trẻ khác trước mặt con. Cho dù chúng ta không đồng tình với cách chăm sóc hay dạy dỗ con của một ai đó thì cũng không có quyền chê bai, bình phẩm. "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nếu cha mẹ cứ dè bỉu người này, chê trách người kia... thì đừng giật mình khi một ngày kia con phán xét tất cả những việc cha mẹ làm cho chúng.