Mùa hè, nhiều cha mẹ thường cho con đến các bể bơi hoặc cho trẻ đi tắm biển. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, cha mẹ cần lưu ý một số vấn đề để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ khi đi bơi.
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, bơi lội vừa có tác dụng giải nhiệt vừa rất tốt cho sức khỏe. Với người trưởng thành, mỗi giờ bơi đều đặn tiêu thụ khoảng 800 Kcal, do đó nếu bơi khoảng 30-60 phút/ngày trong 3 - 4 tuần có thể giảm nguy cơ đột quỵ, tim mạch, tiểu đường, tăng cholesterol máu và tăng huyết áp.
Đối với trẻ nhỏ, bơi lội là môn thể thao tốt đặc biệt cho sự phát triển của các cơ và xương khớp. Do vậy, cho trẻ học bơi sớm sẽ hỗ trợ tích cực trong việc tăng trưởng chiều cao của trẻ nhất là trẻ trong độ tuổi đang phát triển.
Bên cạnh đó, khi bơi, áp suất nước sẽ tác động lên toàn bộ cơ thể có tác dụng như một bài massage giúp giảm đau nhức, mệt mỏi cho cơ thể. Lực tác động của nước đối với cơ thể sẽ làm tan bớt những chỗ mỡ thừa, giúp cơ thể săn chắc. Do đó, đây là phương pháp giúp giảm cân hữu hiệu cho những trẻ thừa cân, béo phì.
Các chuyên gia khuyến cáo, không nên cho trẻ đi bơi khi còn quá no hoặc lúc trẻ đang đói. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, bơi lội cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại như trẻ dễ bị đau mắt, vì trong môi trường nước, đặc biệt là nước tại các hồ bơi không đạt chuẩn, có chứa nhiều chất tẩy rửa và tạp chất sẽ gây tổn thương đến mắt của trẻ. Do đó, tốt nhất khi cho trẻ đi bơi, bố mẹ nên trang bị kính bơi để bảo vệ mắt. Khi lên bờ phải dùng nước muối sinh lý làm sạch mắt cho trẻ.
Ngoài ra, khi trẻ tắm thường xuyên trong nguồn nước không đảm bảo an toàn cũng có nguy cơ lây truyền các bệnh về da như mẩn ngứa, nấm, lang ben...Để hạn chế điều này, phụ huynh cần tắm sạch sẽ trước và sau khi bơi cho trẻ. Trường hợp bị ngứa ngáy khó chịu có thể dùng một số loại kem bôi ngoài da chống ngứa hoặc kem chống nắng cho trẻ. Mặt khác, với những trẻ bị mắc bệnh ngoài da, tuyệt đối không cho trẻ đi bơi tại các hồ bơi, bể bơi, nơi tập trung đông người để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm đồng thời tránh lây bệnh cho những trẻ khác.
Lưu ý tiếp theo đối với các bậc phụ huynh là khi đi bơi, trẻ rất hay bị nước vào tai gây u ai, đau tai, thậm chí là viêm tai ở trẻ. Trong trường hợp trẻ bị nước vào tai nhiều, phụ huynh nên hướng dẫn trẻ lên bờ, nghiêng tai cho nước chảy ra ngoài hết rồi lấy bông tăm thấm hút sạch ngay.
Để con không gặp hại khi đi bơi, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
- Chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết như mũ bơi, kính bơi, áo phao, nút tai, khăn lông, nước muối sinh lý nhỏ mắt, súc họng, dầu nóng...
- Không để trẻ bơi vào buổi trưa (11 giờ trưa đến 3 giờ chiều) vì khiến trẻ dễ bị cảm nắng. Sáng sớm và cuối giờ chiều là những thời điểm "lý tưởng" cho trẻ thoải mái vùng vẫy.
- Trước khi xuống bơi, cần cho trẻ khởi động các động tác đơn giản để trẻ tránh gặp các rủi ro như bị chuột rút hoặc đuối sức trong khi bơi.
- Nên cho trẻ bơi ở những hồ bơi phù hợp với lứa tuổi. Chú ý cho trẻ tiếp xúc dần với nước hồ bơi. Nên chọn những bể bơi có công tác khử trùng tốt, nước trong xanh, lượng người tham gia bơi vừa phải, nước không quá nặng mùi khử trùng.
- Khi trẻ mới bơi xong, choàng ngay khăn cho trẻ để tránh gió và tắm kỹ bằng nước sạch để tránh bị nhiễm bẩn từ nước hồ bơi và lau khô người cho trẻ.
Không cho trẻ bơi trong lúc đói hoặc vừa ăn quá no Các chuyên gia khuyến cáo, cho trẻ bơi khi đang đói sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu ăn và chức năng tiêu hóa của trẻ, hoặc có thể xảy ra tình trạng chóng mặt và mất sức, dễ gặp các tai nạn đáng tiếc ngay dưới bể bơi Còn khi cho con bơi trong lúc dạ dày còn quá no, máu sẽ tập trung ở những cơ bắp đang vận động, khiến việc tiêu hóa bị cản trở, ngoài ra còn có thể dẫn đến hiện tượng đau bụng, buồn nôn… Nếu duy trì việc này lâu dài sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa của trẻ. Tốt nhất chỉ nên cho trẻ ăn nhẹ các món chế biến từ rau, củ, quả hơn là các món từ chất béo, thức ăn nhanh và cho trẻ xuống hồ bơi sau khi ăn khoảng một giờ đồng hồ. |