Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, hội chứng rung lắc trẻ em là chấn thương não nghiêm trọng khi trẻ em bị rung lắc quá mạnh.
Mới đây, vụ việc bé gái 1 tháng tuổi bị bạo hành ở Hà Nam khiến dư luận bàng hoàng. Trong đoạn clip được đăng tải, người giúp việc liên tục dùng tay đánh vào đầu, vào người, thậm chí là tát mạnh, xốc mạnh và tung hứng một em bé lên cao... như một món đồ chơi.
Thấy bé chưa hết khóc, người giúp việc này lại đặt bé xuống giường rồi mắng chửi, tiếp tục đánh nhiều cái vào người, vào đầu bé.
Hình ảnh người giúp việc tát vào mặt cháu bé và tung hứng bé lên cao. Ảnh cắt từ clip
Em bé mới chỉ hơn 1 tháng tuổi, chưa thể nhận thức được điều gì, vì thế, Hành động rung lắc trẻ, xốc mạnh, tung hứng, đánh đập của người phụ nữ trên không những ảnh hưởng đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Rung lắc gây tổn thương não nghiêm trọng
Theo Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ, hội chứng rung lắc trẻ em (AHT) là chấn thương não nghiêm trọng khi trẻ em bị rung lắc quá mạnh. Đây có thể coi là một dạng bạo hành khi bố mẹ hoặc người chăm sóc trẻ có những hành động xốc mạnh, rung lắc mạnh hoặc đánh đập mạnh vào em bé khi thấy bé khóc. Trẻ càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng cao.
Theo nghiên cứu ở Mỹ, trong 100.000 trẻ em thì có 30 trẻ dưới 1 tuổi mắc hội chứng rung lắc, khiến 1.200 trẻ bị chấn thương não nặng và ít nhất 80 trẻ tử vong mỗi năm.
Việc rung lắc mạnh sẽ gây tổn thương não bộ trẻ nghiêm trọng.
Nguyên nhân của vấn đề này là do não bộ trẻ sơ sinh chỉ bằng 25% não bộ người lớn, vì thế sẽ có những khoảng trống giữa não và xương sọ. Não của trẻ sơ sinh khá mềm với màng não mỏng. Ngoài ra, các cơ cổ của trẻ cũng còn yếu. Khi bị rung lắc mạnh, não trẻ dễ xảy ra tình trạng va đập với xương sọ, làm dập não, tăng áp lực, phù não và chảy máu não. Các tĩnh mạch bên ngoài cũng dễ rách, gây chảy máu, tụ máu dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ, từ đó làm chấn thương não bộ.
Hậu quả của hội chứng rung lắc trẻ em là không thể lường trước được. Nhẹ thì có thể ảnh hưởng đến trí óc, khiến trẻ chậm phát triển, không tiếp thu được bài vở; nặng thì có thể gây mù lòa, tê liệt, thậm chí là tử vong.
Điều đáng nói là, chỉ cần rung lắc trẻ từ 5-15 giây thôi là đã đủ gây ra các tổn thương lớn.
Ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ
Ngoài những tổn thương não bộ từ nhẹ đến nặng, việc đánh đập, mắng chửi trẻ cũng gây ra nhiều hậu quả về tâm lý. Theo nghiên cứu, những trẻ nhỏ thường xuyên bị đánh mắng thì hay khóc lóc, hoảng sợ và dễ tổn thương hơn. Khi lớn lên, trẻ cũng dễ kích động cảm xúc, từ đó có thể gây ra các hệ quả như tự ti, trầm cảm hay rối loạn tâm lý.
Việc mắng chửi cũng để lại nhiều hậu quả về tâm lý cho trẻ.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ khóc, có thể vì trẻ đang đói, khát, đầy bụng, nóng, lạnh, buồn ngủ, sợ hãi hay muốn được ôm ấp, bế ẵm. Hoặc cũng có thể trẻ khóc là vì cảm thấy trong người khó chịu, mắc một bệnh nào đó.
Vì vậy, khi trẻ khóc, cần xem xét trẻ có dấu hiệu bất thường nào không, để chắc chắn xem trẻ có bị bệnh gì không. Nếu như không phải do bệnh, cha mẹ hãy đáp ứng các nhu cầu của con để trẻ cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, trẻ sơ sinh rất thích được bế ẵm, trẻ sẽ có cảm giác yên tâm, được bảo vệ và nín khóc. Dù là bất cứ trường hợp nào, cha mẹ tuyệt đối không nên đánh đập, bạo hành trẻ em.