'Ném đá' Nhật Nam: Quá nhẫn tâm?

Ngày 06/04/2013 14:35 PM (GMT+7)

Tôi rất trăn trở và bức xúc khi nhiều người vin vào một câu nói mà lên án Nhật Nam.

"Truyện tranh là sâu đục tâm hồn'

Đỗ Nhật Nam không biết tôi là ai, hẳn nhiên thế. Còn tôi biết Nam qua một vài bài viết ngợi ca tài năng của em rằng, em là dịch giả nhỏ tuổi nhất; là người viết tự truyện nhỏ tuổi nhất... nhưng ngoài đời, tôi chưa từng có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện. Với Nam, tôi là người xa lạ.

Khi các trang tin và diễn đàn mạng xôn xao bàn tán về clip trả lời phỏng vấn của Nhật Nam, tôi theo dõi mà rất trăn trở, bức xúc.

Trước tiên, cần phải hiểu một đứa trẻ không đọc truyện tranh không có nghĩa là chúng chẳng có tuổi thơ. Tôi biết nhiều bạn nhỏ không quan tâm đến truyện tranh, các em có quyền dành thời gian của mình cho những công việc yêu thích.

Đọc đến đây, nhiều người sẽ nghĩ ngay – chắc là tôi đang bênh vực cho Nhật Nam, hoặc là bảo vệ quan điểm “Truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn” của cậu bé này. Nhân rộng quan điểm của chị Hồ Điệp – mẹ của Nhật Nam thì câu nói này thật sự khủng khiếp, nó phủ nhận trình độ nhận thức của hàng triệu bậc phụ huynh có con em đọc truyện tranh và phê phán hàng ngàn cuốn sách thiếu nhi được biết bao thế hệ người Việt đón đọc. Nhưng đó là tự chúng ta suy ra thế, chứ chị Hồ Điệp chưa bao giờ tự diễn giải câu nói của mình.

Thế nên chúng ta cũng có thể suy ra theo góc nhìn của một độc giả chia sẻ về câu nói của Nhật Nam: ““Em rất thích đọc sách và cả truyện tranh nhưng mẹ em thường bảo truyện tranh là con sâu đục khoét tâm hồn nên em cũng hạn chế đọc và thường phải giấu mẹ để đọc” - Việc này cũng giống như kiểu tôi không muốn cho con tôi đá bóng nhiều vì ảnh hưởng đến việc học thì tôi dọa bé rằng: “Đá bóng ảnh hướng đến sức khỏe” vậy. Có thể mọi người đã hiểu sai ý em! Buồn nhất là nhiều người lại chộp giật, quy chụp và thổi phồng một câu nói mà chưa đặt vào ngữ cảnh, tâm lý của lứa tuổi đó để hiểu và đánh giá đúng bản chất”.

Ném đá Nhật Nam: Quá nhẫn tâm? - 1
Nhật Nam có đáng bị lên án?

Về phía tôi, sau khi nghe câu nói của Nhật Nam, thực sự rất muốn gọi điện hỏi chị Điệp (mẹ Nhật Nam) vài câu: “Con trai chị sinh ra ở Nhật nên được đặt tên là Nhật Nam, mà với tôi, nhắc đến Nhật Bản, tôi nghĩ ngay đến truyện tranh. Chị từng tiết lộ nuôi dạy con theo phương pháp của người Nhật, tại sao chị lại phản đối truyện tranh, nét văn hóa đặc trưng của nước này?”. Hoặc: “Con trai chị được một công ty phát hành sách nổi tiếng đỡ đầu trong lĩnh vực xuất bản, công ty đó cũng có nhiều ấn phẩm truyện tranh. Chị có thấy lạ không khi truyện tranh xuất bản ồ ạt mà con mình không được đọc?”.

Tất nhiên, để thỏa trí tò mò, tôi gọi điện thoại cho chị. Buổi chiều, chị đang trong một cuộc hội thảo. Buổi tối, chị lên xe về Nam Định thăm quê theo kiểu tranh thủ, vì dạy thêm 2 ngày cuối tuần ở đây. Như vậy, tôi vẫn chưa hỏi được chuỗi thắc mắc triền miên của mình. Trong lúc đợi chị quay trở về Hà Nội để chờ giải đáp, tôi tự ngẫm nghĩ và lên mạng tìm thêm thông tin, biết đâu tự tôi tìm được câu trả lời: “Vì sao không nên đọc truyện tranh?”.

Điều đầu tiên, hãy tự hỏi: “Một người đã làm dịch giả của vài cuốn sách, có một cuốn tự truyện của bản thân thì có nhất thiết phải theo dõi truyện tranh?”. Ý tôi là – khi bạn ở vào trình độ làm chủ câu từ, ngôn ngữ chuyên nghiệp đến mức có thể ra sách, không bao giờ bạn chấp nhận nổi ngôn ngữ trong thế giới truyện tranh. Nhật Nam không có lỗi khi không đọc truyện tranh, em có thừa khả năng cả về ngôn ngữ nói và viết. Bản thân chúng ta cũng thường xuyên phê phán ngôn ngữ trong truyện tranh, vậy tại sao phải chấp nhận đọc một thứ không phù hợp với khả năng ngôn từ và có thể ảnh hưởng đến văn phong của một đứa trẻ chỉ để sống đúng với lứa tuổi của mình?

Thứ 2, không phải ai cũng có thể kiểm duyệt được nội dung truyện tranh. Điều này có thể thấy chính bản thân các đơn vị xuất bản cũng chưa làm tốt nhiệm vụ thông qua những vụ thu hồi truyện tranh thiếu nhi gần đây, huống hồ là các bậc phụ huynh vốn bận rộn với công cuộc mưu sinh. Đây chính là tác hại của việc xuất bản ồ ạt để chạy theo lợi nhuận mà quên mất người đọc là ai.

Thứ 3, phần lớn truyện tranh trên thị trường hiện nay là truyện dịch, trong đó đa phần là truyện Nhật Bản. Không phải tác phẩm nào cũng đạt chất lượng về dịch thuật lẫn văn hóa, người Nhật cũng có nhiều nét văn hóa không phù hợp với người Việt Nam. Nhiều bộ truyện mang tính chất giải trí, đọc cho vui có thể được chấp nhận ở Nhật Bản, nhưng với chúng ta thì không.

Nhiều người sẽ nghĩ Nhật Nam chỉ có niềm đam mê là đọc sách, đó cũng chỉ là góc nhìn phiến diện. Nam thường đi trượt ván vào buổi chiều sau giờ học, cuối tuần em đi học chơi đàn violin... Nhiều phụ huynh có thể không thích con mình trưởng thành quá sớm, nhưng cũng thích con mình chơi thể thao theo sở trường và học nghệ thuật, đúng không?

Song, có một điều không ai muốn xảy ra với con mình khi chúng còn quá trẻ: bị dư luận lên án, ném đá. Những phản bác, gạch đá... mà cậu bé 11 tuổi Nhật Nam đang trải qua cho dù một người lớn có tài giỏi đến mấy hẳn cũng bị tổn thương sâu sắc?!

Tôi không bênh cách giáo dục của cha mẹ Đỗ Nhật Nam, bởi chỉ là người ngoài, không thể đánh giá tính đúng – sai của sự việc. Nhưng dựa trên những thành công mà em đạt được, tôi thực sự ngưỡng mộ em và gia đình. Với bản lĩnh vững vàng và tính cách trưởng thành, tôi tin Nhật Nam sẽ không vì những lời nói vô tâm của dư luận mà gục ngã.

Chúc em tiếp tục thành công trên con đường chính mình đã lựa chọn!

Nên bênh vực chứ đừng ném đá

“Đỗ Nhật Nam là một người nổi tiếng khi em còn quá trẻ, nổi tiếng cũng chính bởi tài năng đặc biệt. Khi là người nổi tiếng, dĩ nhiên sẽ phải chịu những sức ép từ xã hội mà người ngoài nhìn vào chưa chắc đã thấy được. Tuy nhiên, cần phải hiểu là dù nổi tiếng hay không, chúng ta đều có quyền phát biểu quan điểm của mình trước những vấn đề xoay quanh cuộc sống, miễn sao không vi phạm pháp luật và đạo đức. Quan điểm của Nhật Nam và mẹ về truyện tranh có thể phù hợp hoặc đi ngược lại quan điểm số đông, nhưng đó là các nhìn của cậu bé, hoàn toàn đáng được tôn trọng. Tôi cho rằng chúng ta nên bênh vực Nhật Nam chứ không phải ném đá.

Bản thân tôi cũng thấy trên thị trường hiện nay có nhiều ấn phẩm truyện tranh không phù hợp với thiếu nhi, vì thế cân nhắc có đọc truyện tranh hay không là tình hình chung của nhiều bậc phụ huynh hiện nay, không riêng gì cha mẹ Nhật Nam.

Hy vọng những ai “ném đá” Nhật Nam những ngày vừa qua ghi nhớ: “Không ai có quyền xúc phạm danh dự, thân thể và nhân phẩm của người khác”. Một số lời lẽ lăng mạ của cư dân mạng đang vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật, chứ chưa bàn đến quyền trẻ em ở đây.

T. S Nguyễn Ngọc Oanh – Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, người đã có nhiều năm nghiên cứu về quyền trẻ em.

Ném đá Nhật Nam: Quá nhẫn tâm? - 2
Đỗ Nhật Nam không đáng bị 'ném đá' thế này.

Ai khôn ai dại?

Thấy một số bạn nhảy xổ lên nói cậu bé dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam - Nhật Nam - "đáng thương" vì "bị đánh cắp tuổi thơ" mà mình chỉ biết... tủm tỉm ngồi cười thôi. Chứ biết nói sao bây giờ?

Coi clip của chị Thi Ngôn bên Tuổi Trẻ thực hiện mình thấy Nhật Nam thật giỏi, chững chạc và đáng khâm phục. Từng đó tuổi, học và đọc được từng đó sách, lấy được từng đó chứng chỉ và có một kiến thức uyên thâm thì chắc hẳn Nhật Nam sẽ phải đánh đổi rất nhiều. Trong khi các cậu bé khác "được" đi chơi, nghỉ hè với gia đình, đá banh, bơi lội, đuổi bướm hái hoa... thì Nam sẽ học và sẽ đọc.

Vấn đề đáng lăn tăn duy nhất đó là Nam còn quá nhỏ, liệu có đủ nhận thức để quyết định cho bản thân hay em chỉ là kết quả của sự áp đặt từ bố mẹ? Nhưng không, coi cách Nam trả lời sẽ thấy em thực sự đam mê đọc sách. Chẳng ai ép em làm điều đó cả. Sự tác động từ bố mẹ - nếu có - thì là việc đã thắp lên được ngọn lửa đam mê đọc sách trong Nam. Việc đó thì lại là quá tốt.

Biết bao nhiêu bạn trẻ và cả một số "bạn già" đã 25-30 tuổi hoặc trên đó nữa vẫn đang vật vã trên hành trình đi tìm kiếm đam mê đích thực của bản thân. Trả lời được câu hỏi mình thực sự đam mê cái gì là cánh cửa đầu tiên dẫn đến thành công. Chấp nhận đánh đổi, hy sinh đi một vài "quyền lợi" để thực hiện đam mê hoài bão của bản thân thì đâu có gì để phải đáng thương?

Blogger Nguyễn Ngọc Long

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Mẹ và bé