Nhỏ sữa chữa viêm tai giữa, vắt chanh quất vào miệng chữa ho khò khè cho trẻ nhỏ. Đây có thực sự là những phương pháp chữa dân gian hiệu nghiệm và lành mạnh.
Thời gian gần đây rất nhiều mẹ truyền tai nhau phương pháp nhỏ sữa chữa viêm tai giữa, vắt chanh quất vào miệng chữa ho khò khè cho trẻ nhỏ. Vậy đây có thực sự là những cách chữa dân gian hiệu nghiệm và lành mạnh?
Trước thực tế hàng loạt trẻ nhỏ phải hứng chịu hậu quả từ sai lầm do cha mẹ chủ quan, các chuyên gia đầu ngành y học cổ truyền đã lên tiếng.
Nhỏ sữa chữa viêm tai, vắt chanh vào miệng chữa ho?
Khi con bị bệnh có không ít cha mẹ thay vì đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và nhận chỉ định kịp thời thì các mẹ truyền tai nhau theo những kinh nghiệm dân gian khiến bệnh tình của trẻ trở nên nguy hiểm hơn.
Việc áp dụng các bài thuốc dân gian vào chữa bệnh vặt cho trẻ nhỏ lâu nay cũng đã đem lại nhiều thành công. Bởi hầu hết những kinh nghiệm chữa bệnh dân gian được các ông bà xưa truyền lại sau khi đã áp dụng thành công.
Tuy nhiên, không phải bài thuốc nào áp dụng vào trẻ nhỏ cũng phù hợp, bởi còn tùy thuộc vào cơ địa của từng trẻ mà hiệu quả đem lại sẽ khác nhau.
Nhiều mẹ vắt chanh vào miệng con khi chúng ho khò khè (Ảnh minh họa)
Gần đây, theo lời kể của một vị bác sĩ ở khu vực phía Nam, có một bé bị nhiễm trùng tai sau khi bị mẹ nhỏ sữa vào. Ban đầu, bé chỉ nhức đầu và viêm tai giữa nhẹ, được bác sĩ phát thuốc về uống và nghỉ ngơi tại nhà, lần sau quay lại tái khám. Tuy nhiên, khi thấy tai con bị chảy mủ trắng, thay vì quay lại tái khám, mẹ nghe tin đâu đó từ ai nên dùng sữa nhỏ vào tai bé. Sau đó bé có biểu hiện sốt cao, hôn mê, gia đình phải đưa bé đi viện cấp cứu.
Bên cạnh đó còn có một trường hợp, bệnh nhi 2 tuổi ho khò khè, sau khi nghe các bà các mẹ truyền tai nhau biện pháp dân gian dùng vị chua của chanh hoặc quất để ngăn bệnh lại, bà nội đã dùng chanh vắt vào miệng cháu, tuy nhiên khi vắt xong bệnh nhi bị sặc và phải nhập viện cấp cứu.
Chuyên gia y học cổ truyền lý giải
Nhằm mục đích làm sáng tỏ sự việc, chúng tôi đã liên hệ với chuyên gia y học cổ truyền, Thạc sỹ, Lương y Vũ Quốc Trung để nghe ông phân tích, theo chuyên gia, ông chưa từng nghe đến phương pháp vắt sữa vào tai trẻ nhỏ để chữa viêm tai giữa. Có thể đây chỉ là kinh nghiệm truyền tai nhau, không thực sự an toàn. Trong Đông y cũng không có liệu pháp dùng sữa mẹ để chữa viêm tai.
Thạc sĩ, Lương y Đa khoa Vũ Quốc Trung |
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, để vừa an toàn lại chữa khỏi bệnh cho trẻ nhỏ, y học cổ truyền không khuyến cáo các mẹ áp dụng bừa bãi các kinh nghiệm vặt, mọi phương pháp cần phải có kiểm chứng mới thực sự đảm bảo cho sức khỏe, nhất là với trẻ nhỏ.
Đối với bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ, chuyên gia cũng đưa ra một số phương pháp Đông y có thể áp dụng như: Chữa viêm tai giữa bằng cách xông hơi.
Nguyên liệu:
Bạch chỉ, huyền sâm, hoàng cầm, bồ công anh, hạ khô thảo, thổ phục linh, kim ngân hoa (mỗi loại 10gram), xi lanh sạch, tăm bông, nước muối sinh lý hoặc ô xi già.
Cách thực hiện:
Lấy tăm bông nhúng vào nước muối sinh lý hoặc oxy già vệ sinh tai trước khi xông thuốc. Nằm nghiêng tai 1 bên, để tai bị viêm hướng ra ngoài và hơi nghiêng xuống. Đặt xi lanh gần phần tai viêm rồi đưa que thuốc vào đầu xi lanh bịt kín lại sẽ tạo thành khói, thổi nhẹ nhàng vào tai người bệnh.
Còn đối với trường hợp dùng chanh hoặc quất để vắt vào miệng trẻ nhỏ khi bé có biểu hiện bệnh đường hô hấp như ho thì trong Đông y có thể áp dụng. Tuy nhiên, chanh hoặc quất có vị chua nên có thể gây kích thích, phụ huynh áp dụng cho trẻ nhỏ cần tuân thủ đúng quy trình và cần dựa vào cơ địa cũng như sức khỏe của trẻ nhỏ để vận dụng sao cho an toàn. Tránh những phản ứng không mong muốn xảy ra như sặc sụa hoặc thêm khó thở phải đem đến cơ sở y tế xử trí.
Thực tế, chúng ta không phủ nhận hiệu quả mà các bài thuốc dân gian mang lại trong việc chữa bệnh vặt cho trẻ nhỏ. Mặt khác, các bài thuốc dân có nguồn tự nhiên, không thành phần hóa chất hoặc độc hại nên lành tính đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Song các bậc phụ huynh khi muốn sử dụng cách chữa bệnh dân gian để chữa bệnh cho bé đảm bảo được an toàn nên đưa bé đi gặp chuyên gia Đông hoặc Tây y để xác định đúng bệnh, chữa trị đúng cách.