Có đến 90% ý kiến phản bác lại cách làm của bà mẹ trẻ và khuyên chị nên cho con đi thăm khám bác sĩ.
Viêm tai giữa ở trẻ em thường xảy ra sau khi trẻ mắc chứng cảm lạnh, nhiễm trùng phía sau màng nhĩ của tai giữa gây ra. Bệnh khiến trẻ cảm thấy đau, bứt rứt, khó chịu, chất nhầy chảy ra từ tai, thậm chí gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ.
Thông thường, viêm tai giữa thể nhẹ có thể được cải thiện sau 24-48 giờ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cha mẹ cần phải đưa con đi thăm khám bác sĩ để có phương hướng điều trị. Có thể bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho trẻ dùng để có tác dụng điều trị bệnh.
Một vài trường hợp bệnh viêm tai giữa không nhất thiết phải dùng thuốc kháng sinh. (Ảnh minh họa)
Lo sợ kháng sinh có thể khiến trẻ gặp các biến chứng hoặc tác dụng phụ khác, nhiều mẹ thường tự ý điều trị viêm tai giữa cho con bằng các phương pháp dân gian nhưng chưa có nghiên cứu khoa học rõ ràng.
Thổi bột sắn vào tai trẻ bị viêm
Mới đây, trên một nhóm hội, một bà mẹ lên tiếng tham khảo ý kiến của mọi người về việc chị chữa bệnh viêm tai giữa cho con bằng cách "thổi bột sắn dây" liệu có đúng không?
"Các mẹ cho em hỏi, nhóc em bị viêm tai giữa, tai chảy mủ mà em không muốn cho uống thuốc kháng sinh. Hình như có bài thổi bột sắn dây vào tai và nhỏ dầu mè em không rõ lắm. Mẹ nào có kinh nghiệm qua chỉ cho em với ạ. Em cảm ơn ạ", chia sẻ của bà mẹ trẻ.
Bà mẹ trẻ nghĩ rằng nhỏ bột sắn dây vào tai có thể giúp điều trị bệnh viêm tai giữa cho con. (Ảnh minh họa)
Bài chia sẻ của bà mẹ trẻ ngay lập tức gặp nhiều phản ứng trái chiều từ cư dân mạng.
Hoseki Phạm lo lắng: "Bị nặng thế thì phải bám chặt bác sĩ chứ. Tai nằm trên đầu, liên quan đến mũi họng nữa...".
"Tìm hiểu cái gì cũng phải có chọn lọc mẹ nhé. Tốt nhất mẹ nên cho con đi khám nhé. Khổ thân con".
"Con đã như thế rồi còn bột dầu cái gì vậy trời? Bạn cho con đi bác sĩ nhanh còn kịp, không hiểu thời nào còn tự chữa cho con nữa, tội nghiệp con quá".
Cũng có một số người chỉ những cách làm được cho là "hay hơn" : "Bạn pha trộn nước cốt gừng và dầu mè Nhật, tỷ lệ bằng nhau rồi nhỏ vào tai cho cháu. Ngày 2-3 lần"; "Bạn ra hiệu thuốc mua nước muối sinh lý với betadi... pha tỉ lệ 1:10 sau đó bơm vào xi lanh rửa tai cho bé. Nước chảy ra lấy bông thấm khô, ngày làm vài lần, vài ngày là tai con khỏi".
Bác sĩ nói gì về cách chữa viêm tai giữa cho trẻ bằng bột sắn dây?
Trao đổi với BS CKI Tai - Mũi - Họng Vũ Thị Huyền Trang, Phòng Khám chuyên khoa tai mũi họng, bà cho biết: "Thổi bột sắn dây và nhỏ dầu mè vào tai để chữa viêm tai giữa dứt điểm cho trẻ là không đúng. Nếu nhỏ những thứ đó vào sẽ càng bịt mủ lại, khiến không chảy được mủ ra có thể dẫn đến biến chứng sâu hơn là viêm màng não.
Bột sắn dây giúp làm khô mủ nhưng không phải hoàn toàn. (Ảnh minh họa)
Lớp bột bịt vào màng nhĩ sẽ gây ù tai, khó nghe, ảnh hưởng đến thính lực và khó khăn trong việc điều trị vì khi nội soi vào sẽ không nhìn thấy gì khi bị bịt ở lớp bột ở đó.
Nhiều người nghĩ rằng thổi lớp bột sắn dây vào sẽ khô mủ. Điều này đúng vì lớp bột thổi vào sẽ hút hết mủ và keo lại thành một lớp dính ở màng nhĩ nhưng ở bên trong tai giữa còn mủ hay không sẽ không thể biết được bởi nó gần như bịt đầu dẫn lưu mủ ra.
Tùy từng trường hợp chữa viêm tai giữa không cần phải uống kháng sinh. Những trường hợp bị viêm đơn thuần do mũi chảy ngược lên tai gọi là viêm tai giữa thanh dịch không cần phải uống kháng sinh, chỉ cần hút, rửa mũi và uống thuốc làm giảm, khô mũi. Ngoài ra, những trường hợp chảy mủ không cần uống kháng sinh vì khi chảy được mủ ra, chỉ cần hút mũi và hút rỉ tai.
Tuy nhiên, những trường hợp sưng, phồng, căng mủ, sốt, nhiễm khuẩn bắt buộc phải uống kháng sinh".
Có trường hợp viêm tai giữa không cần phải uống kháng sinh, chỉ cần chủ yếu làm các biện pháp tại chỗ, tuy nhiên không được bịt lỗ để chảy mủ ra.
Bệnh viêm tai giữa không được điều trị sẽ dẫn tới biến chứng như viêm màng não, giảm thính lực.