Theo tôi, ngay cả giáo dục cũng phải "tiền nào của nấy".
Tôi và chồng cưới nhau được 8 năm và có chung một cậu con trai năm nay lên lớp 2. Dù hai vợ chồng chỉ làm công nhân viên chức nhà nước bình thường, thu nhập cũng thuộc dạng trung bình khá thôi (chồng tôi thu nhập 10-15triệu VNĐ/tháng) nhưng chúng tôi vẫn quyết cho cháu học trường Quốc tế ngay từ khi mới vào lớp 1. Sau một năm cho cu Ben học tại một trường quốc tế nổi tiếng của Hà Nội, vợ chồng tôi hoàn toàn hài lòng với quyết định của mình. Có thể sẽ có người cho rằng vợ chồng tôi “sính ngoại” nhưng theo tôi, ngay cả giáo dục, cũng cần phải “tiền nào của nấy” các bạn ạ
Ngay từ đầu cho con đi học, tôi và chồng đã xác định trường học không chỉ là nơi truyền dạy cho con kiến thức mà còn là nơi giáo dục nhân cách con người. Mà việc giáo dục nhân cách con người ở các trường công thì tôi “hãi” lắm. Trẻ học trường công lập phải tiếp xúc với rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khác nhau. Trẻ ngoan có, trẻ hư cũng có. Tôi thực sự khó kiểm soát bạn bè của con mình. Trong khi đó, trẻ em ở các trường quốc tế thường có gia đình cơ bản, chí ít cũng được giáo dục cách cư xử đúng đắn. Người ta vốn có câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” chẳng phải sao. Ngoài ra ở trường, Ben còn quen được với rất nhiều bạn nhỏ nước ngoài, điều này giúp con tăng cường khả năng ngoại ngữ, hiểu thêm về văn hóa các nước và không ngại ngùng khi phải nói chuyện với “Tây”.
Mô hình và phương pháp giáo dục ở trường quốc tế rất hiện đại và khoa học (ảnh minh họa)
Tại trường quốc tế như Ben nhà tôi theo học, các con luôn được thầy cô khuyến khích phát biểu và tôn trọng ý kiến. Trong giờ học, các con có thể thoải mái phát biểu ý kiến của mình, có gì không hiểu thầy cô sẵn sàng giải đáp. Sai thì sửa, không hề bị trách mắng hay chê cười. Bởi trong các trường quốc tế, học sinh mới là người làm chủ lớp học, không phải các thầy cô. Dù mới đi học được 1 năm thôi nhưng tôi thấy Ben tỏ ra vô cùng tự tin và chủ động. Con rất hoạt bát, nói chuyện vui vẻ với mọi người. Đặc biệt khi chơi cùng con cái các bạn của tôi, trong khi các cháu rất hay ngại ngùng, e dè mỗi khi “bị” gọi lên trước đám đông, thì Ben lại luôn là người xung phong. Tôi thực sự tự hào vô cùng.
Về phần kiến thức, tôi thấy các trường quốc tế lại chỉ có hơn chứ không có kém. Các trường công lập hiện nay quá chú trọng vào khoa học, vào các kiến thức hàn lâm thiếu tính ứng dụng. Trong khi đó, với chương trình học được thiết kế theo chuẩn của Mỹ hay Anh... ở các trường quốc tế, các con vừa được học, vừa được thực hành, có những môn học mang tính thực tế cao, đặc biệt là ngoại ngữ luôn được coi trọng. Ben nhà tôi rất hay được tham gia các buổi học ngoại khóa, đi tham quan kết hợp học tập. Việc học luôn kèm những giáo cụ trực quan sinh động, clip, hình ảnh hấp dẫn, thu hút như vậy hẳn nhiên sẽ khiến các con hiểu nhanh nhớ lâu, kích thích lòng ham học của trẻ hơn rồi.
Một ưu điểm nữa về cách giáo dục ở các trường quốc tế, đó là quan điểm “Không bài tập về nhà”. Con trai tôi chỉ cần học 4 tiếng buổi sáng và 3 tiếng buổi chiều, bao gồm cả các hoạt động giải lao và vui chơi, là đã đủ cho một ngày thu nạp kiến thức. Các trường quốc tế không quá đặt nặng việc bắt trẻ về nhà phải làm thêm bao nhiêu bài toán, viết thêm mấy trang từ vựng. Chính vì vậy, thay vì cứ mỗi tối sau khi ăn cơm dọn dẹp xong phải cuống cuống ngồi học bài cùng con, tôi chỉ cần lướt qua sổ điểm và vở ghi của cháu hàng ngày là Ben có thể thoải mái nghỉ ngơi, cùng mẹ đọc sách hay đi chơi cầu lông với bố. Tôi đã từng thấy rất nhiều cháu nhỏ, ngoài ngày 2 buổi trên trường, tối về lại cả mẹ cả con hò hét ngồi học cuống cuống sao cho hoàn thành đủ số bài tập về nhà cô giáo giao. Có khi mãi 11 giờ đêm mới hoàn thành, 6 giờ sáng hôm sau lai mệt mỏi vác sách đến trường. Việc học như vậy khác nào đánh cắp tuổi thơ của các em?
Bữa ăn trưa cũng là một tiêu chí quan trọng của tôi khi chọn trường cho con (ảnh minh họa)
Điều cuối cùng khiến tôi hài lòng về trường quốc tế, rất thực tế thôi, đó chính là bữa ăn trưa của con trai tôi ở trường. Thử nghĩ xem, với một đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, những suất cơm vốn đã rẻ lại còn bị “cắt xén” và không đảm bảo vệ sinh liệu có đủ cho các con duy trì sức khỏe chứ đừng nói đến việc có sức học tập? Không như những trường công lập với những suất ăn 15.000, 20.000 mà vẫn chỉ lèo tèo dăm ba miếng thịt mỡ, cơm nguội, canh “nước lọc”, trường quốc tế nơi Ben nhà tôi đang theo học ký hợp đồng cung cấp thực ăn trưa với một công ty sản xuất nổi tiếng, qui trình chế biến đảm bảo vệ sinh và đặc biệt: Khẩu phần ăn, thực đơn hàng ngày của các con luôn được công khai và thay đổi thường xuyên. Tôi rất yên tâm vì chỉ qua một tháng đầu đi học tại trường, Ben nhà tôi đã tăng hơn 1 cân. Đối với tôi, việc ăn và đảm bảo sức khỏe của con cũng quan trọng không kém việc học.
Với rất nhiều ưu điểm về giáo dục của trường Quốc tế, vợ chồng tôi dù nghèo hay phải 'thắt lưng buộc bụng' đến đâu cũng sẽ cố gắng 'đầu tư' cho tương lai của con.