Trên thế giới, lao là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ hai, chỉ sau HIV. Mỗi năm lao cướp đi gần 3 triệu người trên thế giới.
Trên thế giới, lao là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ tử vong đứng thứ hai, chỉ sau HIV. Mỗi năm lao cướp đi gần 3 triệu người trên thế giới. Đa số các ca tử vong này xảy ra tại các nước đang phát triển. Theo thống kê, khoảng một phần ba dân số thế giới bị nhiễm vi trùng lao.
Tại Việt Nam, lao là một trong những bệnh truyền nhiễm thường gặp nhất. Lao lây lan nhanh chóng tới mức báo động, vi khuẩn lao đã bị kháng thuốc và phát triển lây lan bệnh nhanh chóng từ người này sang người khác.
Bệnh lao là gì?
Lao (còn gọi là TB) là một bệnh lý do vi trùng gây ra. Vi trùng là vi sinh vật rất nhỏ, không nhìn được bằng mắt thường, có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi, bao gồm cả bên trong cơ thể con người. Hầu hết vi trùng không có hại, và thậm chí còn có ích. Nhưng một số vi trùng gây hại và có thể gây nên bệnh gọi là bệnh nhiễm trùng. Vi trùng gây bệnh lao là một trong những loại gây hại. Nếu vi trùng lao thâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể tự chống lại nó, bạn có thể sẽ mắc bệnh lao.
Bệnh lao phổi thường gặp nhất, nhưng bạn cũng có thể mắc bệnh lao ở nhiều nơi khác trên cơ thể (ví dụ như lao xương, lao hạch, hoặc lao ở não).
Bệnh lao phổi thường gặp nhất, nhưng bạn cũng có thể mắc bệnh lao ở nhiều nơi khác trên cơ thể (ví dụ như lao xương, lao hạch, hoặc lao ở não). (Ảnh minh họa)
Triệu chứng của bệnh lao
- Sốt nhẹ vào chiều và tối
- Chán ăn, giảm sút cân
- Da xanh, thiếu máu
- Cảm thấy mệt triền miên
- Ăn không ngon miệng
- Giảm cân vô cớ
- Ho kéo dài hơn ba tuần lễ
- Sốt
- Ra mồ hôi về đêm
Lao phổi:
- Ho khạc kéo dài trên 2 tuần, ho có đờm, ho ra máu.
- Tức ngực, khó thở.
Lao hạch: Xuất hiện các hạch to dính với nhau thành từng khối nổi rõ trên da, ấn vào không đau.
Lao xương khớp: đau tại vị trí bệnh.
Lao màng não: đau đầu, nôn, táo bón, nặng thì hôn mê, co giật.
Nguyên nhân gây ra bệnh lao
- Do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra bệnh lao, lây nhiễm qua đường hô hấp từ người này sang người kia.
- Do thường xuyên hoạt động ở nơi bị ô nhiễm, nhiều khí uế, nơi ẩm ướt tối tăm, bụi bẩn điều kiện để vi khuẩn lao phát triển gây bệnh.
- Do việc tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, tiếp xúc với chất thải có chứa vi khuẩn lao như đờm, dãi, nước bọt khi ho, hắt hơi …
- Ngoài ra có thể do ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn lao, tiếp xúc với thú nuôi nhiễm lao, khi chăm sóc thú bị chúng cào xước….thì cũng dễ mắc lao da, lao ống tiêu hóa, lao dạ dày,…
Ai nên đi xét nghiệm dò tìm bệnh lao (TB)?
- Người có triệu chứng bệnh lao (TB).
- Người sống và làm việc gần người được biết hoặc nghi ngờ bị lao phổi.
- Người bị nhiễm HIV hoặc bệnh khác khiến họ dễ bị lây bệnh lao (TB).
Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng và điều trị được
Người bệnh lao nên làm gì?
- Khi có dấu hiệu nghi mắc bệnh lao, cần đi khám tại cơ sở y tế, không tự chữa bệnh bằng mọi cách.
- Tuân thủ các hướng dẫn của cán bộ y tế, làm đủ các xét nghiệm, dùng thuốc phối hợp đúng, đủ, đều để chữa dứt điểm bệnh và phòng kháng thuốc. Không được tự ý dừng, thêm hoặc đổi thuốc. Thuốc uống hàng ngày vào một giờ nhất định khi đói.
- Người bị bệnh lao cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh cho người xung quanh như: Che miệng khi ho, hắt hơi vào khăn tay, khăn giấy, sau đó luộc sôi khăn tay sau khi giặt bằng xà phòng hoặc đốt khăn giấy. Trong nhà cần mở cửa sổ để không khí lưu thông, hạn chế tiếp xúc với trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai và người ốm yếu.
- Người bị bệnh lao cần bỏ rượu, bia, thuốc lá, sinh hoạt điều độ, ăn uống đủ chất để chống đỡ bệnh tốt hơn.
- Thông thường, sẽ có 3 lần xét nghiệm đàm để kiểm tra kết quả điều trị xem bệnh đã khỏi chưa. Lần đầu sau 2 tháng điều trị, lần thứ 2 sau 4 tháng điều trị và lần thứ 3 sau 6 tháng điều trị. Người bị bệnh lao không tuân thủ điều trị sẽ làm cho bệnh không khỏi và trở nên nặng hơn. Điều quan trọng là vi trùng lao trở nên kháng thuốc, điều này sẽ gây khó khăn và tốn kém hơn đối với điều trị lao thông thường nhiều lần. Thuốc điều trị lao hiện được cấp miễn phí cho mọi người bệnh tại cơ sở chống lao.
Cần làm gì để phòng bệnh lao?
Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắcxin BCG cho trẻ sơ sinh. (Ảnh minh họa)
- Để phòng bệnh lao hiệu quả cần tiêm phòng vắcxin BCG cho trẻ sơ sinh.
- Tất cả những người có dấu hiệu nghi lao cần được phát hiện bệnh sớm bằng cách xét nghiệm đàm tại cơ sở y tế và điều trị cho khỏi bệnh.
- Mọi người cần ăn uống đủ chất, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức chống đỡ của cơ thể với các loại bệnh, trong đó có bệnh lao.
- Gia đình, người thân, bạn bè cần động viên người nghi lao đến cơ sở y tế để khám và điều trị bệnh lao. Nhắc người bệnh uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của cán bộ y tế, đồng thời thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh lao khi chăm sóc người bệnh lao.
Điều trị khỏi một người bệnh lao là tránh cho 10 người khác không bị mắc bệnh lao, vì vậy người bệnh lao điều trị khỏi bệnh là bảo vệ bản thân mình và cả cộng đồng.
Vì sức khỏe và tương lai của con bạn, hãy đưa trẻ đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế xã, phường. Thông tin chi tiết, tham khảo thêm tại website: http://tiemchungmorong.vn/vi |