GS Nguyễn Đ.Bảng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc-xin và SPYT quốc gia, trả lời thắc mắc về vắc xin sởi cho các mẹ
Trước tình hình dịch sởi như hiện tại, nhiều phụ huynh chọn tiêm vacxin sởi là cách hữu hiệu nhất để phòng bệnh. Những ngày gần đây rất nhiều trẻ đã được bố mẹ đưa đến tiêm vacxin sởi miễn phí để được tiêm chủng đầy đủ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS - TS Nguyễn Đình Bảng nguyên Viện trưởng Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm y tế quốc gia về vấn đề tiêm chủng vacxin sởi cho trẻ để giải đáp một số thắc mắc của các bậc làm cha làm mẹ.
Thưa GS, năm nay tỷ lệ trẻ bị biến chứng do sởi tăng lên so với những năm trước, vậy đâu là nguyên nhân?
Những biến chứng do sởi gây ra có thể là biến chứng ở mắt, biến chứng về tai, phổ biến hơn cả là biến chứng về đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, điển hình của viêm đường hô hấp dưới là viêm phổi. Tỷ lệ biến chứng viêm phổi do sởi năm nay cao hơn những năm trước đây. Nguyên nhân dẫn đến biến chứng viêm phổi tăng lên của dịch sởi năm nay có nhiều nhưng để khẳng định được đâu là nguyên nhân chính thì phải có nghiên cứu cụ thể. Tất cả chỉ có thể kết luận được trên cơ sở nghiên cứu khoa học chứ không thể phán đoán chủ quan của bất cứ cá nhân nào.
Vậy để phòng bệnh sởi hữu hiệu nhất là bằng cách nào thưa GS?
GS - TS Nguyễn Đình Bảng nhấn mạnh, cách đặc hiệu nhất để phòng sởi là tiêm vacxin |
Để phòng bệnh sởi chỉ có tiêm vacxin là hiệu quả và cần thiết nhất. Các phương pháp không đặc hiệu có nhiều như dùng lá dân gian, cách ly với nơi có virus hay người bị bệnh sởi, đeo khẩu trang.... Nói tóm lại, đặc hiệu nhất vẫn là tiêm vacxin. Đối với tiêm vắc xin sởi trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, áp dụng lịch tiêm chủng do Bộ Y tế đã phê duyệt như sau mũi thứ nhất lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi thứ hai khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Tiêm phòng vacxin sởi cũng tuân theo quy trình chung về tiêm chủng như các vacxin khác. Trước khi tiêm, chú ý tuổi đối tượng tiêm, khám bệnh sàng lọc, không được tiêm khi bị sốt hay mắc các bệnh cấp tính khác… đó là quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng mà các cơ sở tiêm chủng phải tuân thủ.
Những phản ứng có thể có sau tiêm là như thế nào?
Tiêm bất cứ vacxin nào cũng có thể có phản ứng sau tiêm, vấn đề là phản ứng đó nặng hay nhẹ mà thôi. Với vacxin sởi có thể có những phản ứng nhẹ và hết sau 2-3 ngày. Cụ thể như sốt nhẹ, quấy khóc… Phản ứng nặng với vacxin sởi chưa được ghi nhận ở Việt Nam.
Sau tiêm bao lâu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể để phòng bệnh?
Sau tiêm vacxin sởi khoảng 2 tuần, cơ thể đáp ứng yêu cầu miễn dịch.
Tiêm phòng sởi có thể phòng bệnh 100% như các phụ huynh kỳ vọng?
Hiệu quả phòng bệnh sau tiêm vacxin không phải 100% mà chỉ ở mức 90-95%. Có những trường hợp không đáp ứng được khả năng miễn dịch, không phải do vacxin mà có thể do nhiều nguyên nhân, như trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc trẻ ăn uống đầy đủ nhưng khả năng miễn dịch hạn chế. Sau khi tiêm vacxin sởi mũi thứ nhất có 85% trẻ đáp ứng được yêu cầu miễn dịch, sau khi tiêm mũi 2 có 90-95% trẻ đáp ứng được yêu cầu miễn dịch.
Một số phụ huynh thắc mắc, trong thời điểm có nhiều trẻ bị sởi như hiện nay, nếu bé đã đến lịch tiêm sởi có nên đưa đi tiêm hay không?
Vacxin sởi là loại vacxin sống giảm độc lực, khi tiêm vào cơ thể sẽ kích thích tạo ra kháng thể phòng bệnh. Cho nên, trong thời điểm dịch sởi như hiện tại, nếu con đã đến lịch tiêm sởi, phụ huynh vẫn cần đưa trẻ đi tiêm đầy đủ.
Còn có những trẻ vì lý do nào đó chưa tiêm lúc 9 tháng tuổi mà chưa đến 18 tháng tuổi có cần phải đi tiêm hay không, thưa GS?
Nếu lúc trẻ 9 tháng tuổi chưa được tiêm, phụ huynh cũng cần phải đưa trẻ đi tiêm mũi đầu tiên. Nếu đã tiêm mũi thứ nhất lúc 9 tháng tuổi thì đợi đến 18 tháng tuổi sẽ tiêm mũi thứ hai. Với những trẻ chưa đến 9 tháng tuổi – thời điểm tiêm vacxin sởi mũi đầu tiên, phụ huynh lưu ý bảo vệ trẻ bằng cách không cho trẻ tiếp xúc với người bị sởi, tránh chỗ đông người, cách ly với người bị bệnh…
Với trẻ chưa đến 9 tháng tuổi mà có mẹ từng bị sởi hay từng tiêm phòng sởi khi còn nhỏ thì có thể có khả năng phòng bệnh không?
Nếu bà mẹ có con dưới 9 tháng, lúc bà mẹ còn nhỏ đã tiêm phòng sởi hoặc đã bị sởi thì khả năng miễn dịch đã được mẹ truyền sang cho con. Tuy nhiên, mức độ miễn dịch như thế nào, cao hay thấp thì chưa rõ. Những đứa trẻ như vậy có thể mắc sởi, có thể không mắc hoặc khi mắc có thể sẽ nhẹ hơn. Nhưng khi trẻ được 9 tháng tuổi vẫn cần đi tiêm vacxin sởi đầy đủ.
Giáo sư đưa ra lời khuyên như thế nào đối với phụ huynh có con nhỏ để tránh bệnh sởi?
Trong thời điểm nhiều trẻ em bắc bệnh sởi như hiện nay, phụ huynh nên cẩn trọng để bảo vệ con. Có thể cách ly với người bị bệnh, không cho đến chỗ đông người, lưu ý chế độ dinh dưỡng tốt để tăng cường sức đề kháng,
Xin cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!