Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu

Ngày 25/06/2018 19:00 PM (GMT+7)

"Bác sĩ đã diệt hết tủy của con nhưng người hiến tủy đột ngột gặp vấn đề sức khỏe nên không cho được. Nếu không có tủy truyền ngay con sẽ bị nhiễm trùng và khó qua khỏi…" - Anh Trần Xuân Phong - bố của bé Trần Thị Quỳnh Chi - đã tâm sự.

Ngày…

Buổi chiều đi làm về không thấy con ra đón như thường lệ, trong nhà im ắng lạ thường. Linh tính mách có điều chẳng lành, bố vào nhà thấy con nằm trên võng, khuôn mặt đờ đẫn vì cơn đau đầu hành hạ.

Với bệnh ung thư máu, bố mẹ sợ nhất con bị đau đầu vì đó là dấu hiệu bệnh quay trở lại, tệ hơn là đã bị thâm nhiễm vào... não. Dấu hiệu bất thường nào (đau đầu, đau chân, đau bụng, sốt hay tím chân tay không rõ nguyên nhân) cũng làm bố mẹ mất ăn mất ngủ cho tới khi có kết luận của bác sĩ.

Bố mẹ lập tức đưa con từ Hải Phòng về Viện Huyết Học & Truyền máu T.Ư ở Hà Nội. Con được chọc dịch não tủy ngay. Sau 2 ngày chờ đợi lo lắng, cô bác sĩ trẻ bình thản đọc kết quả xét nghiệm của con: “... 70% tế bào bất thường trong dịch não tủy". Bố bàng hoàng, tim tưởng ngừng đập khi nhận án “tử” của con.

Bố về phòng bệnh thấy con đang vui vẻ chơi đùa với bạn. Đau xót vô cùng, bố vẫy mẹ ra... Mẹ con chết lặng...

Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu - 1

Bé Trần Thị Quỳnh Chi trên giường bệnh

Ngày…

Bệnh bạch cầu cấp là chẳng mấy chốc tế bào bạch cầu ác tính sẽ lan tràn khắp cơ thể, chân tay co rút, gan sưng to ra... Bố cầu cứu các bác sĩ tìm cách cứu con.

Bác sĩ bảo, một là tiêm hóa chất vào tủy để kéo dài, nếu thiếu máu, thiếu tiểu cầu thì truyền “thêm” được ngày nào hay ngày ấy để cháu vui vẻ nốt những ngày cuối cùng ở nhà, bên bạn bè, người thân.

Hai là điều trị tái phát, gồm cả tiêm tủy, đánh hóa chất và xạ trị vào não. Cách này đau đớn, kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần mà cũng chẳng kéo dài thêm được bao lâu.

Bố mẹ miệng đắng ngắt, không ăn nổi cơm, nước mắt cứ chảy liên tục. Mẹ thỉnh thoảng lại lay lay bố như tìm chỗ dựa: “Anh ơi! Còn cách gì cứu con không…?”.

Ngày…

Tia hy vọng le lói xuất hiện, bác sĩ bảo cách duy nhất có thể giữ lại sự sống cho con là phẫu thuật ghép tủy xương tạo hệ miễn dịch mới. Nhiều bé còn nhỏ hơn con được ghép tủy thành công vẫn sống khỏe mạnh nhưng y học Việt Nam chưa thể làm được. Bố nghe nói ở Đài Loan kỹ thuật y tế có thể làm được cho con, vậy là bố mẹ quyết đưa con sang Đài Loan.

Ngày…

Đã hơn 9 tháng con tới Đài Loan. Gia đình êm ấm chia đôi: Mẹ và con ở đó điều trị bệnh. Bố về Việt Nam làm việc, xoay xở tiền bạc, bán nhà, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ... May mắn con được cộng đồng người Việt đang lao động bên này mà đại diện là Hội "Trái tim yêu thương" quan tâm, giúp đỡ. Con đã được đón Noel và năm mới 2018 ấm áp tình người trong bệnh viện ở đảo quốc Đài Loan.

Nhưng con lại không may mắn bởi khi ở nước nhà được truyền máu có vi rút viêm gan C khiến con nhiễm bệnh, khiến việc cấy ghép tủy khó khăn và tốn kém cả tiền bạc thời gian hơn nhiều lần. Lượng vi rút viêm gan C đã tăng 11 lần, đang ở giai đoạn cấp, cấy ghép tuỷ lúc này rất nguy hiểm nên phải lùi lịch lại.

Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu - 2

Bé Quỳnh Chi và mẹ. Ảnh do gia đình cung cấp.

Ngày...

Bố giữ lời hứa sang khi con chuẩn bị đánh hoá chất diệt tủy để nhận tủy hiến.

Con quá nhỏ nên mẹ được vào phòng cách ly cùng con. Qua cửa kính, bố thấy mẹ mặc đồ diệt khuẩn nhưng không được nằm ngủ cạnh con, mỗi ngày chỉ ra ngoài 1 lần để tắm rửa. Khi quay lại phải thay đồ diệt khuẩn, thêm lớp áo choàng, qua 3 lớp cửa, thay 3 lần giày dép mới vào được bên con. Mẹ chỉ được chạm vào con qua lớp găng tay vô trùng.

Hoá chất diệt tuỷ liều cao làm con nôn ói đến trào nước mắt, vệ sinh không tự chủ được, không ăn được, còn sốt run, răng va lập cập, đau bắp chân, bắp đùi, đau bụng, vậy mà vẫn nói đứt đoạn: “Con... xin lỗi ...vì làm ...mẹ... vất vả...”

Trước ghép tủy 5 ngày, bác sĩ gọi cả bố và mẹ ra thông báo: Người hiến tủy bị giảm tiểu cầu đột ngột, không thể hiến tế bào gốc được. Bây giờ tìm người mới nhanh nhất phải 1 -2 tuần, mà không có tế bào gốc truyền ngay con sẽ bị nhiễm trùng và sẽ gặp tình huống xấu nhất…

Bác sĩ dồn niềm hy vọng cuối cùng vào bố mẹ bằng cách xét nghiệm gấp HLA của cả hai người, hy vọng chọn được người phù hợp (trước đó không tiến hành cách này vì tỉ lệ trùng hợp của bố mẹ với con rất thấp).

May mắn xét nghiệm xong bố và con tỉ lệ trùng 8/10, mẹ và con 6/10. Vậy là bố sẽ cho con tủy. Bố khẩn trương làm các xét nghiệm trong 2 ngày và lên bàn mổ, gây mê phẫu thuật khoan lấy tuỷ sống. Và bố mẹ lại nghẹt thở chờ đợi…

Thế mà buổi tối bác sĩ lại thông báo hồng cầu máu của bố thấp, phải kiểm tra lại. Mẹ vội đi mua cho bố chai nước và đồ ăn, rồi trở lại với con đang nằm một mình.

Nửa đêm bác sĩ báo lại “Ok” - là máy đọc sai kết quả.

Mẹ định ngả lưng thì con lại đi ngoài liên tục, tới mức đau rát và khóc lóc không cho đụng vào người, cứ như vậy đến sáng. Khi con ngưng đi ngoài đã 11 giờ trưa và được truyền ngay tế bào gốc của bố. Bác sĩ tạo đường truyền tại tĩnh mạch dưới xương đòn của con và tế bào gốc được truyền riêng như đường truyền máu.

1 giờ sau đã truyền xong, con không bị phản ứng gì. Từ giây phút này là hành trình hồi hộp chờ mọc mảnh ghép và sau đó là chống thải ghép. Nếu may mắn thì từ nay con không phải truyền hoá chất, không phải tiêm tủy nữa mà chỉ phải uống thuốc để dần hồi phục.

Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu - 3

Bé Quỳnh Chi đang được bác sĩ chuẩn bị đưa vào phòng nhận tủy. Ảnh gia đình cung cấp.

Ngày…

Sau ghép tủy 10 ngày con vẫn chưa mọc mảnh ghép mặc dù bạch cầu chỉ có 0,02. Ngày 11, lượng bạch cầu nhích dần, nhưng con lại sốt liên tục trên 40 độ C, ban đỏ, ngứa ngáy khắp người, đau lưng... khiến con nằm co mà khóc đến tội.

Hoá ra con bị bệnh chống chủ - không phải bệnh nhân nào sau ghép cũng bị thế, nhưng nó đã xảy ra với con. Con phải dùng Corticoid liều cao cắt sốt và ngăn chống chủ nhưng nó lại làm con bị tăng huyết áp, không ăn được vì mất vị giác. Con được truyền đạm với đủ thứ dịch, 2 - 3 ngày lại "ngốn" máu và tiểu cầu.

Sau 15 ngày con được về phòng cách ly, đã ăn được cơm, mặt mũi bớt phù thũng. Rồi bố mẹ vỡ oà hạnh phúc khi bác sĩ thông báo con nhận tủy bố trao truyền thành công. Nhưng do dùng Coritcoid liều cao để ức chế hệ miễn dịch nên lượng virus CMV trong người con diễn biến bất thường.

Sau 1 tháng tạm ổn bác sĩ cho ra nghỉ ngơi… Con vừa ra được vài ngày bác sĩ đã yêu cầu nhập viện gấp vì kết quả xét nghiệm cho thấy lượng virus CMV tăng quá cao. Lại kháng sinh với những liều thuốc mạnh…, tác dụng phụ của thuốc làm cho cơ thể con phình ra, mọc đầy lông, da mặt đen kịt...

Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu - 4

Ngày…

Cuộc sống còn quá nhiều người tốt giúp con trụ lại Đài Loan chữa bệnh. Bố nói với mẹ rằng giờ nhìn đâu cũng thấy nợ nần và ơn nghĩa. Mẹ cũng nghẹn lòng vì xúc động và biết ơn vô cùng.

Có một em bé đã đi hàng trăm kilomet tới thăm con, mang quà tới tặng con. Có một anh họa sĩ tài năng giấu tên hỗ trợ con bằng cách nhận vẽ tranh chân dung cho mọi người, tiền thu được sẽ chuyển thẳng cho gia đình để chi trả viện phí cho con.

Hôm nay bác sĩ chuyển đến tờ viện phí, đến thời điểm này là 740.000 Đài tệ - nghĩa là 1 tháng điều trị CMV đã trả khoảng 570 triệu tiền Việt chưa kể ăn uống, sinh hoạt. Bác sĩ rất tận tâm nhưng không cách gì giúp con ra viện sớm hơn. Nhìn con hoạt động khỏe khoắn, bà cười và vỗ vai mẹ hỏi: “Nhà còn bao nhiêu tiền nữa?” rồi nói: “Tôi xin lỗi”.

Nhật ký đầy nước mắt của người cha hiến tủy cứu con ung thư máu - 5

Con là cả niềm hy vọng, khát khao sống của bố mẹ. Chặng đường cuối con cần rất nhiều tiền, con cần lắm những tấm lòng từ bi, yêu thương. Bố mong con không có phát sinh sự cố nào nữa để 3 - 4 tháng sau mình có thể về nhà.

Bệnh ung thư mất rất nhiều thời gian, tâm lực, tiền bạc. Gánh nặng này ông bà, họ hàng chắt chiu hỗ trợ và biết bao tấm lòng thiện tâm của mọi người. Có người cho con tới 2-3 lần rồi...

Con gái yêu dũng cảm hãy giữ lấy cơ hội sinh ra thêm lần nữa để bố mẹ được ở bên con. Với bố mẹ có con bị bệnh hiểm nghèo, ước mơ duy nhất là mong con được sống, chỉ cần con sống thôi!

Mẹ 8X từng thủng tử cung vì nạo thai, gạt nước mắt cùng con sơ sinh trị bệnh nguy hiểm
Sau hai lần đón con "hụt", bị thủng tử cung, hạnh phúc mỉm cười với chị Lê Hồng Lập (Tiền Giang) khi chào đón bé Trọng Nhân vào tháng 3 vừa qua nhưng...
Theo Uyển Hương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ung thư