Chăm sóc cậu con trai mới 11 tháng tuổi tại bệnh viện, chị Giang vẫn không nguôi nỗi ân hận vì điều trị sai phương pháp dẫn đến con bị bỏng nặng hơn.
Nhớ lại sự việc xảy ra cách đây nửa tháng, chị Hoàng Thị Giang (Hương Khê – Hà Tĩnh) sụt sùi chia sẻ: “Hôm 5/4 khi hai vợ chồng đang bận làm việc ở vườn nhà, mình để con cho bà nội trông nom. Khi vừa cho bé ăn xong, bà quay ra ngoài giặt khăn lau mặt cho con, do sơ ý để ấm nước chè om nước sôi vẫn còn nóng hổi trên bàn, bé Khánh lại đang tuổi hiếu động nghịch ngợm nên bò đến gần duỗi tay với phải ấm nước sôi đổ ập vào người, bỏng nặng từ phần mặt xuống đến nửa thân”.
Ngay sau phát hiện con bị bỏng nước sôi, anh Phan Thanh Nhật (bố bé Khánh – pv) hốt hoảng vội vàng bế con ra nhà tắm để xả nước lạnh vào phần bị bỏng, sau đó nhanh chóng đưa bé lên bệnh viện huyện để sơ cứu. Trong quá trình nằm viện sơ cứu và theo dõi sức khỏe, bố mẹ bé được người nhà của một bệnh nhân cùng phòng cũng có con bị bỏng giới thiệu về phương pháp chữa thuốc nam.
Bé Khánh bị bỏng nặng từ phần mặt xuống đến nửa thân
Nghe theo lời mách bảo, gia đình bé Khánh đã cho bé điều trị theo hình thức đắp thứ thuốc màu trắng được thầy lang giã và đắp lên cơ thể bé trong ba ngày. Những tưởng các tổn thương do bỏng sẽ thuyên giảm nhưng không ngờ tình trạng bỏng trở nên nặng hơn, con lên cơn sốt và quấy khóc.
Nhận thấy diến biễn phức tạp, ngày 9/4 gia đình đã đưa cháu ra Hà Nội nhập viện. Tại Bệnh viện Bỏng Quốc gia bé được các bác sĩ chẩn đoán bỏng nước sôi độ II, tổn thương nặng phần mặt và thân dẫn đến xuất huyết tiêu hoá, suy thận. Được biết, ban đầu bé chỉ bị trợt da nhưng do mất ba ngày đắp thuốc nam không rõ nguồn gốc bé bị nhiễm trùng lại không đến bệnh viện tuyến trên kịp thời nên tình trạng bỏng trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngay sau tiếp nhận bệnh nhi, các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm có dấu hiệu xuất huyết tiêu hoá, suy thận, bé được lọc máu, tiêm chống viêm, thuốc bổ trợ sức cho bệnh nhi mỗi ngày. Theo thông tin từ Bác sĩ Phan Trường Tuệ - Điều dưỡng trưởng - Khoa Hồi sức cấp cứu – Viện Bỏng Quốc gia, sau gần nửa tháng điều trị tích cực, cách đây 3 hôm bé Bảo khánh đã tạm cai được máy thở, không còn phải lọc máu, hiện giờ đã tỉnh và có tiến triển.
Liên quan đến trường hợp tự ý chữa bỏng bằng thuốc nam cho con, bác sĩ cũng nhấn mạnh: Không thể phủ nhận vai trò, tác dụng của chữa bỏng bằng Đông y. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi người thầy thuốc phải thực sự có kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm. Còn lại, những ca bỏng được chữa khỏi nhờ các thầy lang trong dân gian thường là những ca bị tổn thương nhẹ hoặc có tính chất may rủi, nghĩa là cùng phương thuốc đó nhưng có bệnh nhân khỏi, bệnh nhân không giống trường hợp bé Khánh kể trên.
Sau gần nửa tháng điều trị, cách đây 3 hôm bé Bảo khánh đã tạm cai được máy thở, không còn phải lọc máu
Khi áp dụng phương thuốc nam cho bệnh nhân bị bỏng, các thầy lang chỉ có thể nhận biết được diện tích vết bỏng lớn hay nhỏ, mà không thể nhận biết được độ nông sâu, mức độ tổn thương của vết bỏng. Trong khi với những ca bệnh nặng ngoài đánh giá bằng cảm quan còn phải dựa vào các xét nghiệm điện giải, chỉ số mạch, huyết áp… từ đó mới đưa ra chỉ định phù hợp. Nếu không đánh giá chính xác được mức độ vết bỏng mà cho đắp thuốc luôn sẽ không kiểm soát được vết thương, dễ gây nhiễm khuẩn, nhiễm trùng vết bỏng.
Bên cạnh đó bác sĩ cũng khuyến cáo về việc chăm sóc trẻ, để phòng tránh những tai nạn cho trẻ nhỏ, có những quy tắc an toàn cần thiết mà bố mẹ cần phải tuân thủ nghiêm ngặt. Những nơi như khu vực bếp nấu ăn, lửa và thức ăn nóng luôn là hiểm họa không lường đối với trẻ, tai nạn của bé Bảo Khánh là một ví dụ điển hình. Mẹ nuôi con tuyệt đối phải để mắt đến con trẻ, tránh xảy ra sự việc đáng tiếc để rồi phải hối hận.