Trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi bắt đầu nhận ra cuộc sống không chỉ xoay quanh việc ăn, ngủ, khóc và đi vệ sinh mà còn bao điều thú vị khác.
Mỗi bé là một cá thể riêng biệt nên sự phát triển của từng bé cũng có sự nhanh, chậm khác nhau. Tuy nhiên dù sớm hay muộn, trẻ 3 tháng tuổi có những dấu mốc quan trọng đánh dấu sự thay đổi rõ rệt về kĩ năng vận động, giấc ngủ, giác quan và khả năng giao tiếp với môi trường xung quanh.
Các mẹ có thể sẽ bất ngờ với những việc bé có thể làm được khi mới chỉ 3 tháng tuổi đấy. Cùng "điểm danh" xem trẻ 3 tháng tuổi đã làm được gì mẹ nhé.
Khả năng vận động
Đầu tiên các mẹ sẽ thấy những phản xạ bẩm sinh của bé (ví dụ như giật mình) dần biến mất. Bên cạnh đó, cấu trúc xương của bé bắt đầu cứng cáp hơn, đặc biệt phần xương cổ được cải thiện rõ rệt. Khi bé được bế thẳng, bạn sẽ nhận thấy đầu bé giảm hoặc không còn "gật gù" như hai tháng trước nữa.
Không chỉ vậy, phần thân trên của trẻ cũng phát triển tương đối khỏe và dần trở nên chắc chắn hơn. Khi nằm sấp, bé sẽ dùng sự hỗ trợ của tay mà có thể đẩy người lên cao một chút còn đầu thì có thể ngẩng lên. Trong giai đoạn này, bé cũng sẽ "nghịch ngợm" hơn, đá chân, vung tay liên tục mỗi khi thích thú điều gì đó.
Nếu quan sát kĩ bạn sẽ thấy trẻ 3 tháng tuổi đã bắt đầu biết kết hợp hoạt động của cả mắt và tay. Trong khi mắt bé đang "mải mê" ngắm nhìn những đồ chơi nhiều màu sắc thì cùng lúc đó tay của bé có thể nắm, mở hoặc cầm một đồ chơi nhỏ.
Trẻ 3 tháng tuổi đã biết với tay để "đòi" mẹ rồi nhé! (Ảnh minh họa)
Giờ giấc, thói quen ngủ thay đổi
Các bậc cha mẹ có thể thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng bạn sẽ có một giấc ngủ trọn vẹn vào ban đêm. Với trẻ 3 tháng tuổi, hệ thần kinh và dạ dày của bé đang dần trưởng thành nên bé có thể ăn nhiều sữa hơn và no lâu hơn. Điều này sẽ giúp bé ngủ một giấc dài từ 6 đến 7 tiếng.
Đây là thời điểm thích hợp các mẹ dạy cho bé thói quen ngủ hợp với giờ giấc sinh hoạt của gia đình bạn. Hãy để bé nhận ra ban đêm chỉ để dành cho việc ngủ mà thôi. Tuy nhiên bạn cũng đừng quên, bé vẫn cần những lần "nghỉ ngơi" dài từ một đến hai tiếng vào ban ngày.
Nếu bé khóc vào ban đêm bạn hãy đợi khoảng 30 giây trước khi vội vàng dỗ dành bé và cho bé ăn. Đôi khi trẻ sơ sinh chỉ khóc trong vài giây và sẽ quay trở lại với giấc ngủ ngay lập tức. Nếu đợi một lúc bé vẫn không ngừng khóc thì bạn nên cho bé ăn và dỗ dành bé. Tuy nhiên hãy cho bé ăn trong bóng tối và dỗ bé ngủ lại ngay sau khi ăn nhé.
Các giác quan phát triển
Thính giác và thị giác của trẻ 3 tháng tuổi có sự cải thiện rõ ràng so với trước đó. Bé dễ dàng ngoái đầu theo tiếng nhạc hoặc những tiếng động lớn, vui tươi. Bạn còn thấy bé sẽ bật cười và thể hiện sự thích thú với tiếng nói của bố mẹ, tiếng nhạc.
Màu sắc yêu thích của các bé trong giai đoạn này là những màu tươi sáng, rực rỡ vì sự tương phản sắc nét thường dễ nhận thấy hơn. Đặc biệt hơn cả, các "thiên thần nhỏ" 3 tháng tuổi bị hấp dẫn bởi khuôn mặt của mọi người. Nếu bạn nhìn vào bé thì bé cũng sẽ nhìn thẳng vào bạn, thậm chí còn nhìn chăm chú, không chớp mắt. Hãy cười với bé nhé vì có thể bạn sẽ nhận được một nụ cười đáp lại hết sức rạng rỡ đấy.
Bé sẽ dành tặng bạn những nụ cười đáng yêu, rạng rỡ nhất. (Ảnh minh họa)
Bé bắt đầu biết giao tiếp
Vào giai đoạn này, trẻ 3 tháng tuổi dần trở thành một cá thể độc nhất vô nhị với những cá tính cũng theo đó mà phát triển. Bác sĩ tâm lý học trẻ em Margaret Mahler gọi quá trình này là "quá trình nở", khi em bé sẵn sàng thoát ra khỏi "vỏ" và bắt đầu giao tiếp với môi trường xung quanh. Một phần của quá trình này liên quan đến việc được giao tiếp với mọi người, được mỉm cười, được đùa giỡn...
Trẻ 3 tháng tuổi cũng sẽ ít khóc hơn rất nhiều và thực tế bé không nên khóc quá 1 giờ mỗi ngày. Nếu bé của bạn còn "rơi nước mắt" quá nhiều thì bạn nên cho bé đi khám bác sĩ nhi vì có thể bé đang có một vài vấn đề về tuyến lệ.
Các bé sẽ chịu khó giao tiếp hơn theo nhiều cách như qua ánh mắt, hành động và "lời nói". Bé sẽ thể hiện sự thích thú hay "quan điểm" của mình bằng những âm thanh "ô, a" liên tục và bé còn bật cười thành tiếng với bất cứ điều gì bé thấy thú vị. Hãy nói chuyện, vui đùa cùng bé nhiều hơn nhé vì đây là giai đoạn phát triển quan trọng. Chỉ cần những câu nói đơn giản, bình thường giữa mẹ và con như "Đã đến giờ ăn rồi, cùng mẹ chơi nào" hay những câu hỏi như "hôm nay con có gì vui thế con yêu của mẹ?"... sẽ giúp bé phát huy khả năng lắng nghe và quan sát khi nhìn biểu cảm đầy yêu thương trên gương mặt người mẹ của mình.
Trên đây là những thay đổi mà trẻ 3 tháng tuổi đã làm được. Hãy luôn nhớ rằng mỗi bé đều có một chút khác biệt nên đừng vội lo lắng khi bé yêu của bạn chưa có đủ các dấu hiệu trên. Vì yêu thương là thấu hiểu và kiên nhẫn nên hãy chú ý quan sát và từ từ hỗ trợ các bé, giúp bé phát triển.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |