"Bác thông cảm, con này nhà em nó nhát lắm.", "Mày không bằng một góc con nhà người ta.",... là những câu nói vô tình có tác động rất tiêu cực đến trẻ.
Trẻ em từ 5 tuổi trở đi đã bắt đầu có nhận thức đầy đủ và hoàn chỉnh về thế giới xung quanh. Vì thế, những lời cha mẹ nói thực sự có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Đôi khi, chỉ là một câu nói vô tình hay câu cửa miệng cha mẹ quen nói hàng ngày cũng khiến trẻ tổn thương và dẫn đến kết quả tiêu cực.
Dưới đây là một số điều cha mẹ cần thận trọng khi nói với con:
“Mẹ đang bận.”
Đương nhiên, không có bố mẹ nào mà không có lúc bận rộn và cần những phút giây yên tĩnh. Tuy nhiên, khi bạn cứ thường xuyên nói với con những câu như “Đừng làm phiền mẹ.”, “Mẹ đang bận.” , chúng sẽ tự động hiểu thông điệp đó có nghĩa là nói chuyện với bạn chỉ vô ích bởi bạn luôn “phũ phàng” với con. Nếu mẹ cứ tiếp tục lặp đi lặp lại những cụm từ đó hàng ngày khi con còn nhỏ, trẻ sẽ có xu hướng ít chia sẻ và bày tỏ với mẹ khi lớn lên.
Thay vì thế, mẹ hãy chia sẻ với trẻ lí do vì sao mẹ bận và yêu cầu con tạm thời yên tĩnh một lúc: “Mẹ còn phải làm nốt việc này nữa. Con ngoan ngồi vẽ tranh một lát nhé. Rồi tí nữa mẹ con mình đi chơi sau.”
“Con rất là...”
"Gắn mác" cho trẻ sẽ khiến trẻ quan niệm: “Mình đúng là như thế. Bản chất của mình là như thế, không thể thay đổi được.” (Ảnh minh họa)
Nhiều phụ huynh hay có kiểu nhận xét tính xấu của con mình ngay trước mặt người khác như “Bác thông cảm, con này nhà em nó nhát lắm.”, “Thằng này có mà giời dạy.” hay đay nghiến con “Sao con ích kỉ thế?”. Trẻ nhỏ tin tất cả những gì chúng nghe là đúng, kể cả đó là những gì nói về chúng. Tất cả những cái “mác” mà cha mẹ gắn cho chúng như “nhút nhát”, “thông minh”, “điệu” sẽ vô tình áp đặt cho trẻ quan niệm rằng “Mình đúng là như thế. Bản chất của mình là như thế, không thể thay đổi được.”
Một biện pháp tốt hơn là chỉ ra hành vi cụ thể của con và bỏ đi những tính từ chỉ tính cách bé. Ví dụ, không nên nói “Con rất là ích kỉ.” mà nói “Em Tôm rất buồn vì con không cho em chơi chung đồ chơi của con. Làm thế nào bây giờ nhỉ?”
“Con không bằng một góc của chị con/anh con/con nhà người ta.”
So sánh con mình với những đứa trẻ khác là một xu hướng tự nhiên ở nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đừng để bé nghe được những gì bạn nói. Mỗi trẻ em có một khả năng phát triển khác nhau và có tính cách riêng, phẩm chất đặc biệt riêng. So sánh con với những trẻ khác là ngụ ý bạn ước gì con mình khác đi. Ngoài ra, so sánh như vậy không giúp thay đổi hành vi của bé. Trẻ sẽ càng cảm thấy áp lực, tự ti hơn, thậm chí có thể ghét bố mẹ và có xu hướng muốn chống đối.
Mẹ nên tập trung vào khuyến khích những thành tích hiện tại của con: “Ồ, con tự mặc được áo rồi kìa.” hay “Con xúc cơm mà không vãi tí nào nhé, giỏi quá.”
“Con giỏi lắm.”
Khen con cũng cần phải có nghệ thuật. (Ảnh minh họa)
Khen con thì có gì là sai? Những lời khích lệ tích cực, suy cho cùng, vẫn là một trong những vũ khí hữu hiệu của các ông bố bà mẹ. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là lời khen không nên quá mơ hồ và chung chung. Khi bạn khen “Con giỏi lắm” với mọi việc dù là nhỏ nhất mà bé làm được – từ uống hết cốc sữa đến vẽ được bức tranh – lời khen trở nên vô nghĩa. Đừng tưởng trẻ nhỏ không tinh tế, chúng có thể chỉ ra sự khác nhau giữa việc khen một điều đơn giản bình thường và khen một nỗ lực xứng đáng thực sự.
Một vài biện pháp để loại bỏ thói quen khen “bừa bãi”
- Chỉ khen những thành tích đòi hỏi nỗ lực thực sự. Nếu uống hết sữa hay vẽ xong bức tranh là việc bé vẫn làm hàng ngày, lời khen là điều không cần thiết.
- Khen con một cách cụ thể. Thay vì “Đẹp lắm” sẽ là “Con tô màu con chó này rất đẹp nhé. Màu rất tươi sáng đáng yêu.”
- Khen hành vi của con hơn là khen bản thân con: “Trong lúc mẹ làm nốt giấy tờ con đã chơi rất ngoan, đúng như mẹ bảo.”