“Không được đánh em!”, “Không xem ti vi nữa!” Nếu đếm số từ “Không” mà bạn nói với con trong một ngày, một tuần, một tháng hay một năm… hẳn bạn sẽ bất ngờ
Có những thói quen cha mẹ vô tình hình thành cách dạy con sai lầm và dễ đẩy trẻ vào lối sống sai trái.
Dùng từ ngữ tiêu cực
“Không được đánh em!”, “Không xem ti vi nữa!” Nếu đếm số từ “Không” mà bạn nói với con trong một ngày, một tuần, một tháng hay một năm… hẳn bạn sẽ bất ngờ khi thấy con số vượt quá tưởng tượng của mình. Bạn cứ không ngừng cấm con mình làm cái này cái kia mà không biết rằng, nói “không” chỉ gây phản tác dụng, kích thích sự nổi loạn trong trẻ. Thay vì thế, nên để dành từ “không” cho những tình huống thực sự nguy hiểm (ví dụ như khi thấy con định dùng thìa sắt chọc vào ổ điện) và tập trung vào việc nói cho trẻ nghe trẻ nên hành xử như thế nào cho đúng. Thay vì nói “Không đứng lên trong bồn tắm”, hãy giải thích cho trẻ “ Phải ngồi xuống khi ở trong bồn tắm vì bồn tắm rất trơn.” Ngoài ra, đừng quên khen ngợi trẻ khi trẻ có những hành động tốt.
So sánh con với những đứa trẻ khác
Mọi đứa trẻ đều ghét bị so sánh với “con nhà người ta” (Ảnh minh họa)
Chắc chắn mọi đứa trẻ đều ghét bị so sánh với “con nhà người ta”. Hãy để con bạn biết rằng đối với bạn, chúng luôn là đứa trẻ đặc biệt và duy nhất. Liên tục so sánh con với những đứa trẻ khác sẽ làm bé lớn lên trong sự đố kị và có xu hướng dìm những người khác xuống để chứng minh với bạn rằng chúng tốt hơn, giỏi hơn.
Làm gương xấu cho con
Khi bạn đánh rơi thứ gì đó, bạn nổi cáu và la lớn. Vậy mà bạn lại nổi giận nếu trẻ phản ứng tương tự khi mọi việc không được như ý trẻ. Bố mẹ là những người thầy đầu tiên của con và hành động của bạn luôn có ảnh hưởng lớn nhất đối với trẻ. Những hành vi xấu của bạn có thể làm thay đổi nhận thức của trẻ về những gì là đúng và sai. Bởi vì bạn không thể làm người hoàn hảo suốt 24/24, hãy nói lời xin lỗi mỗi khi bạn sơ ý hay lỡ miệng. Ngoài ra, bạn cũng nên giải thích với trẻ tại sao bạn lại làm như thế và có những hành động để sửa chữa sai lầm.
Bởi vì bạn không thể làm người hoàn hảo suốt 24/24, hãy nói lời xin lỗi mỗi khi bạn sơ ý hay lỡ miệng. (Ảnh minh họa)
La mắng con vô cớ
Thông thường, cha mẹ luôn có cảm giác cần phải can thiệp vào bất cứ hoạt động gì nghe có vẻ “nghịch ngợm” của trẻ con. Hãy nhớ rằng trẻ hay nghịch ngợm là để khám phá và hình thành các kĩ năng mới. Trút tất cả tức giận lên con cái là rất không công bằng, kể cả khi bạn đang căng thẳng trong công việc hay gặp rắc rối với ai đó. Điều này dễ gây cho trẻ tâm lí hoang mang, rằng chúng là lý do đằng sau sự tức giận và đau khổ của bạn.
Kì vọng quá nhiều ở con
Là cha mẹ, bạn có quyền mong đợi, kỳ vọng tích cực về con cái. Tuy nhiên, nếu mong đợi của bạn quá xa vời và trẻ không đủ khả năng để đáp ứng được, điều này sẽ gây tâm lí nặng nề và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ về sau. Trẻ sẽ lớn lên mà luôn có mặc cảm mình không đủ tốt và không biết làm thế nào để làm tốt những điều đó.