"Phát ghen" nhìn chồng Nhật thay vợ chăm con

Ngày 04/05/2014 09:31 AM (GMT+7)

Sang Nhật tôi mới sửng sốt khi biết: đàn ông Nhật cũng được nghỉ đẻ như ai!

Ở các nước châu Á, người mẹ có chế độ nghỉ thai sản để chăm con là chuyện quá bình thường. Vậy nhưng đàn ông cũng được như vậy thì đây mới là lần đầu tôi được biết đến. Có lẽ quan niệm “chăm con là việc của đàn bà”đã ăn sâu vào tiềm thức của quá nhiều đàn ông Việt, phụ nữ Việt và cả tôi nữa. Quả thật, chỉ đến khi sang Nhật, tôi mới được “mở mang tầm mắt”. Một đất nước của công việc, một guồng quay nổi tiếng với những áp lực khủng khiếp từ việc đi làm, kiếm tiền như Nhật Bản vẫn có thể có chính sách cho những người mới làm cha được nghỉ thai sản hoặc nếu đi làm, cũng chỉ cần đi làm 6 tiếng/ngày.

quot;Phát ghenquot; nhìn chồng Nhật thay vợ chăm con - 1
Đàn ông Nhật được hưởng chính sách ở nhà chăm con (ảnh minh họa)

Tôi nhớ năm mình sang Nhật là năm 2012. Tôi sang đây theo diện được công ty cử đi, sẽ làm việc tại Tokyo 3 tháng. Thời điểm này cũng là thời điểm nửa năm trước khi tôi chuẩn bị kết hôn và bước vào đời sống vợ chồng. Chính vì vậy, tôi có niềm vui thích khá “kỳ lạ”, đó là quan sát cách các cặp vợ chồng, cha mẹ Nhật Bản sinh sống xung quanh mình.

Một buổi tối lúc 6 giờ rưỡi, khi tôi đang trên đường trở về nhà, tôi bắt gặp anh Oshima, một người hàng xóm sống ngay cạnh căn hộ của tôi đang ăn vận rất thoải mái, bế theo bé Mikimasa đứa con trai nhỏ 20 tháng tuổi từ nhà gửi trẻ về nhà. Lúc đó, tôi vô cùng ngạc nhiên vì tầm giờ đó lẽ ra công chức Nhật mới tan sở về nhà. Vậy nhưng khi nói chuyện với anh, tôi mới sửng sốt biết được một câu chuyện đáng ngưỡng mộ.

Tháng 5 năm ngoái, khi chị Tokiko, vợ anh Oshima quay trở lại đi làm sau thời gian nghỉ đẻ, anh đã quyết định “thay ca” cho vợ và ở nhà 1 tháng để chăm con. “Tôi chọn nghỉ thai sản vì tôi muốn vợ mình được tiếp tục tập trung vào công việc của mình – những thứ cô ấy làm được rất tốt và không hề kém cạnh việc làm mẹ”. Câu trả lời của ông bố trẻ người Nhật khiến tôi vô cùng ấn tượng.

Trong suốt quãng thời gian này, anh Oshima đã học cách nấu nướng, chăm con, cho con ăn, tắm giặt cho bé và lên thời gian biểu của cả hai vợ chồng. Sau tháng đó, bé Mikimasa bắt đầu đi gửi trẻ trong giờ hành chính. Hai vợ chồng anh quay trở lại đi làm vậy nhưng cả hai vẫn có thể vừa chăm con vừa đảm bảo công việc. Anh Oshima làm việc cho một công ty sản xuất bia của Nhật. Công việc bận rộn nào có kém các anh đàn ông Việt? Vậy nhưng anh xin hưởng chế độ làm việc 6 tiếng/ngày để về sớm đón con. “Giây phút nhìn thấy con là bao mệt mỏi của tôi tan biến”, anh cười nói với tôi khi đó.

quot;Phát ghenquot; nhìn chồng Nhật thay vợ chăm con - 2
Bảng so sánh những quốc gia có chế độ thai sản cho nữ (ở trên) và nam (ở dưới),. Trong đó, màu đỏ là không hề có.  (ảnh minh họa)

Tôi khi đó, một người phụ nữ sắp bước vào cuộc sống hôn nhân, làm vợ, làm mẹ đã có biết bao sửng sốt. Tôi biết, rất nhiều ông chồng nghiễm nhiên coi mình là khách trong việc chăm sóc con trẻ. Họ coi việc phụ nữ sinh đẻ và chịu trách nhiệm nuôi con là lẽ đương nhiên. Nếu người vợ không đi làm và ở nhà chăm con, đàn ông sẽ đương nhiên coi đó chính là “công việc” của vợ. Đó là lý do vì sao mỗi khi chị em định nhờ chồng giúp đỡ, chúng ta sẽ nhận được câu trả lời “Đó là việc của em”. Thậm chí ngay cả khi đã đi làm, đã kiếm ra tiền, các mẹ các chị xung quanh tôi vẫn có quá nhiều người phải chịu sự khổ cực khi một mình vừa đi làm vừa chăm con và nếu “lỡ” có không hoàn thành tốt một trong hai việc này, họ sẽ bị coi là “bất tài vô dụng”. Trong khi nhiều đàn ông Việt cố tình lấy công lấy việc để trốn chạy khỏi chuyện bỉm sủa của con, tan làm cố tình ngồi lại công sở để tránh phải về nhà, khi về đến nhà, việc đầu tiên làm lại là hỏi vợ “Tối nay ăn gì” thì việc làm của đàn ông Nhật khiến tôi vô cùng ngưỡng mộ.

Bài học được chứng kiến bên Nhật, tôi ghi nhớ cho đến tận bây giờ, khi tôi đã có gia đình với một thiên thần nhỏ đáng yêu. Những khi mệt mỏi vì việc chăm con mà chẳng ai thấu hiểu, tôi lại ngồi nhớ lại và ước. Ôi ước gi! Ước gì đàn ông Việt cũng có một ngày nghỉ đẻ, để họ biết được những vất vả mệt nhọc mà phụ nữ chúng ta đang phải thực hiện. 

Theo tâm sự của độc giả ở địa chỉ mail vuhuyen.........@..............

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mẹ tây dạy con