Thấy trên đầu con có một nốt nhọt, bố mẹ bé T. chủ quan nghĩ, nhọt bình thường nên không đi khám mà đưa ra phòng khám tư chích.
Tuy nhiên, cái nhọt lại cứ mọc lên và đó là dấu hiệu của ung thư da.
Phát hiện ung thư da từ cái nhọt
Bé Nguyễn Thu T, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội được bà chăm sóc tại khoa Nhi, Bệnh viện K với chẩn đoán ung thư da. Gia đình bé T. vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại dấu hiệu nhận ra bệnh của bé T. Cách đây vài tháng, thấy con có một chiếc nhọt ở đầu phía gần gáy. Bé kêu đau, chiếc nhọt bằng ngón tay út nên bố mẹ tưởng nóng quá con mọc mụn.
Chờ khi chiếc nhọt to, bố mẹ đưa bé ra phòng khám tư để chích cái nhọt.Được 1 tuần, nhọt lại xuất hiện to hơn và càng ngày càng lan rộng. Khi cho bé vào Bệnh viện Nhi trung ương kiểm tra, bác sĩ sinh thiết thì phát hiện tế bào ác tính. Bé T. được bác sĩ chẩn đoán ung thư da. Từ đó đến nay đã 5 tháng, bé phải nằm viện truyền hóa chất.Bố mẹ của T. chỉ làm công nhân. Khi con ốm họ xin nghỉ chăm con nhưng thời gian quá lâu nên họ phải đi làm. Vậy là bà nội bé từ quê phải lên chăm cháu. Bé T. rất hồn nhiên, lúc nào cũng mong về nhà để được đi học.
Chị Điệp và bé Q. đang điều trị ung thư ở khoa Nhi BV K cơ sở 3.
Bé Nguyễn Đình Q. 1 tuổi, trú tại Thanh Trì, Hà Nội, cũng đang rất mệt mỏi vì đợt truyền hóa chất. Cậu bé 1 tuổi này đã chiến đấu với căn bệnh ung thư hơn 6 tháng nay. Chị Lê Thị Điệp, mẹ của bé Q. kể, khi sinh ra Q. rất khỏe mạnh, hay ăn. Cân nặng tăng rất đều, nhiều người khen là chị nuôi con mát tay. Đến khi bé gần được 6 tháng, chị thấy con đi tiểu rắt và mỗi lần đi tiểu được rất ít, nước tiểu lại đục đục.
Chị Điệp tưởng con bị nóng vì đợt tháng 5, tháng 6 vừa rồi trời nắng quá. Chị đi lấy các lá mát về cho con uống nhưng không ăn thua. Đến khi bé bị sốt, chị cho bé đi vào Bệnh viện Nhi trung ương khám, bác sĩ chẩn đoán viêm tiết niệu. Nhưng cháu cứ sốt nằm cả tuần không hạ, bác sĩ gây mê cho đi chụp CT phát hiện khối u nguyên bào thần kinh ở phúc mạc nằm chèn động mạch chủ. Khối u có kích thước lên đến hơn 6 cm.
Vợ chồng chị Điệp bủn rủn chân tay, không tin vào kết quả là ung thư nguyên bào thần kinh. Bé lại quá nhỏ, khối u lại quá lớn, không thể mổ. Chị và chồng đưa con về Bệnh viện K điều trị hóa chất. Hết 7 đợt hóa chất, khối u không phát triển nhưng vẫn không làm phẫu thuật được. Ba lần bế con lên Bệnh viện Việt Đức để phẫu thuật bác sĩ đều “từ chối” vì khối u quá lớn, nằm ở vị trí hiểm. Vậy là, bé Q. và mẹ lại về chiến đấu cùng hóa chất để chống chọi với khối u.
Nhìn đôi mắt ngây thơ của bé mệt mỏi, lừ đừ vì tác dụng phụ của hóa chất, không ai không khỏi chạnh lòng.
Dấu hiệu nhận biết ung thư ở trẻ em
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – bác sĩ khoa Nhi của Bệnh viện K trung ương cho biết, đặc điểm ung thư trẻ em khác với ung thư người lớn. Ung thư trẻ em có biểu hiện phong phú. Cùng lứa tuổi trẻ có thể mắc nhiều bệnh khác nhau, có nhiều triệu chứng khác nhau.
Ung thư ở trẻ em diễn biến nhanh hơn người lớn. Ở cùng thời điểm, giai đoạn đầu mới mắc, nhưng khi đến viện các cháu đã ở giai đoạn muộn.
Thứ hai, cùng một bệnh nhưng mỗi cháu lại có một biểu hiện khác nhau.Nguyên nhân mắc ung thư trẻ em, bác sĩ Hương cho biết, chủ yếu các cháu mắc bệnh liên quan đến gen, đột biến nhiễm sắc thể, nên nhiều bé mới chỉ vài tuần tuổi, vài tháng tuổi đã được chẩn đoán ung thư. Các bé chưa kịp phơi nhiễm với các nguyên nhân khác.Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở trẻ em, các triệu chứng sớm theo nghiên cứu của thế giới, diễn ra trên 85 % trẻ bị ung thư, như sau:
-Trẻ có khối u, sưng nề bất thường ở ổ bụng. Khi tắm cho con bố mẹ có thể sờ thấy khối u.
-Trẻ bị sốt kéo dài, điều trị kháng sinh không dứt, không tìm ra bệnh.
- Trẻ sụt cân, mệt mỏi.
- Trẻ chảy máu chân răng, xuất hiện vết bầm tím trên tay, chân.
- Trẻ có triệu chứng đau đầu buồn nôn dấu hiệu của khối u ở não.
- Ở mắt trẻ có đốm trắng hay gọi mắt mèo dấu hiệu của ung thư võng mạc những đặc điểm này chỉ vô tình phát hiện đưa trẻ vào buồng tối thấy mất trẻ lóe lên, chụp ảnh có đèn flat.
- Trẻ khỏe nhưng có hạch mọc ở người.