Nếu con cứ bám ông bà thì giao quách cho rảnh. Đó là cái sướng mà không biết hưởng?
Đọc bài “con không theo mẹ, buồn đứt ruột”, thấy mẹ than thở đến nỗi không muốn sống chỉ vì con không thiết mẹ mà cứ đeo theo bà nội, tôi thấy suy nghĩ đó rất “cổ lỗ”.
Bản thân tôi đã là mẹ của 2 con, thấy đó không phải là vấn đề để phải chết - sống hay cuộc chiến giành giật con mà là cái phúc của người làm mẹ khi có người thân trong nhà chăm con cho mình. Có người muốn nhưng lại không được!
Không được cái may mắn khi lấy chồng như các chị em khác, chồng tôi chẳng giàu có hay địa vị xã hội vững chắc nên khi cưới tôi cũng "cầm chắc" là không thể nào được sung sướng rồi. Còn nhớ lần đầu về ra mắt gia đình chồng, nhìn cái tướng cao gầy của tôi, mẹ chồng đã phán một câu hết hồn “ốm vậy sức đâu mà đẻ!”. Thế là ngay sau cưới, bà bắt tôi phải mang bầu liền cho “chắc ăn”.
Nếu con cứ bám ông bà thì giao quách cho rảnh. Đó là cái sướng mà không biết hưởng?
Phụ nữ vừa phải đi làm, vừa chăm con có trăm ngàn cái cực mà không cần liệt kê thì ai cũng rõ. Ngay khi tôi đã chắc mẩm là số mình đúng khổ thì lại "hên" được mẹ chồng và chị chồng "giành" chăm cháu. Mang thai và sinh đứa đầu lòng với tôi quả thật rất gian nan. 3 tháng đầu thai kỳ tôi bị hành tơi tả, hễ nghe mùi lạ lạ là nôn đến lả người vì thế đến lúc gần sinh tôi chỉ lên được 6kg. Sinh xong mãi cả tuần sau tôi mới có sữa và sữa lại rất ít. Lóng ngóng bế con cho bú những giọt sữa đầu cũng chẳng nên thân, xém làm con sặc. Tôi thì khó ăn nên sinh xong người lại gầy như cũ, con thì lên cân chậm do sữa quá ít. Nóng ruột, chỉ 3 tháng sau đó bà nội ra mặt "giành" hẳn cháu về phía mình, ôm cháu về phòng "ủ" cả ngày lẫn đêm rồi tự pha sữa ngoài cho bú. Chưa hết, mọi thứ liên quan đến việc chăm cháu bà đều gọi chị chồng, vốn còn độc thân ở chung trong nhà giúp bà một tay.
Sau 3 tháng sinh con, tôi đã rảnh tay rảnh chân muốn ngủ thì ngủ, làm gì cũng có thời gian và nhất là có thể mở máy tính kiểm tra mail, cập nhật tình hình công việc ở công ty để sẵn sàng trở lại mà không phải tranh thủ lúc đêm hôm hay khi con đã ngủ thật vất vả như các mẹ khác.
Con trai tôi được bà nội chăm quá tốt, tôi chẳng có gì phải than phiền cả. Ban ngày tôi đi làm, bà cho cháu ăn, chơi cùng nhau rất hợp ý rồi đến giờ ngủ là bế về phòng, đặt xuống ru ngủ. Thằng bé cười sằng sặc lúc đùa với bà và ngủ ngon lành khi được ru. Mấy lúc trưa ngày nghỉ tôi sang phòng, bà còn bảo tôi cứ về ngủ trưa để đó bà canh cháu. Trời ạ, chưa bao giờ tôi thấy sướng như vậy! Con tôi được bà chăm trắng da, dài tóc còn tôi cũng được "ưu tiên" không phải đụng tay chân gì.
Dù không ở gần con nhiều như bà nhưng tôi không hề bị con xem là người dưng. Hễ thấy mẹ bế là con lại cười toe, tay chân khuya loạn lên, miệng í ới... Tôi thấy con không đeo mẹ mà có người nhà sẵn sàng chăm là quá sướng, có gì đâu phải muộn phiền đòi sống đòi chết nhỉ?
Khi con trai đầu của tôi 2 tuổi, tôi đã lên được vị trí trưởng phòng kế toán. Tất cả cũng nhờ vào việc con tôi có người "giành" chăm! Tôi không bị vướng bận chân tay, chỉ lo tập trung công việc thật tốt, về nhà dành ít thời gian vui đùa với con, còn bận quá thì có bà chăm rồi. Mà tôi cũng có cái phúc, nếu ngày hôm đó về nhưng bận quá không qua phòng thăm con được là tối con lại tíu tít chạy qua, ôm chân gọi "Mẹ ơi! Mẹ ơi!" chứ không "quên hẳn" người mẹ này. Thế mới nói, trong nhà dù có ai cố tình "bắt" con đi nữa thì mẹ vẫn là mẹ, tình mẫu tử vẫn thiêng liêng, đố ai chia cắt được!
Tôi có cô bạn có một bé gái cũng vừa lên 2 nhưng suốt ngày hẹn đi đâu cô cũng bảo mắc cho con ăn, chăm con ngủ, con đang ốm,... và mười lần như một đều nghe cô than làm mẹ cực quá. Hỏi ra mới biết vì không yên tâm, không dám buông con ra cho ai hết do cô lo sợ con mình sẽ mến người khác rồi không thương mẹ! Tôi thấy đâu cần phải khổ sở như vậy! Trong nhà, nội hay ngoại đều là máu mủ, nếu có người thương yêu, muốn chăm sóc con thì mình cứ giao cho khỏe người, mình vẫn ở đó, vẫn thấy con mỗi ngày, vẫn theo dõi được tình hình, vẫn được gọi là mẹ chứ có sao đâu. Sao cứ phải dính con như sam để rồi than khổ hay lo sợ viễn vông cho mệt!
Chia sẻ của độc giả hongnhung...@...