Tôi cứ thế mặc cho nước mắt rơi khi xem đoạn clip này.
Tình mẫu tử là gì? Tình mẫu tử sẽ không keo sơn, bền chặt nếu không mang nặng đẻ đau?
Tôi là con nuôi. Dù đã trăm, nghìn lần cố phủ nhận điều đó nhưng cuối cùng tôi vẫn không thể chối bỏ sự thật này. Năm tôi 12 tuổi, chỉ khi tình cờ đọc được cuốn nhật ký cũ của mẹ, tôi mới biết mình là đứa con bị bỏ rơi. Tôi từng trầm cảm, đi đâu cũng chỉ biết cúi gằm mặt bởi nghĩ rằng, bạn bè đang cười chê còn hàng xóm thì dè bỉu hoặc thương hại. Nhưng nhờ có tình thương vô điều kiện của mẹ (mẹ nuôi), tôi đã vững vàng đứng dậy, tự tin và mỉm cười khi nói với bạn: Ừ đấy, tớ là con nuôi của mẹ.
Đến hôm nay, xem đoạn clip kể chuyện một cô sinh viên năm cuối phải chịu bao "lời ong, tiếng ve" khi một mình nuôi đứa con nhỏ, tôi cảm động vô cùng và bật khóc nức nở. Quanh cô, bao người xì xầm rằng cô là người ăn chơi, thiếu đứng đắn... chỉ có thầy giáo dạy vẽ của bé cảm thông và hiểu về câu chuyện thực của cô đã hỏi: "Tại sao cô không nói ra sự thực? Cô có biết sau lưng cô họ nói những gì không?" - "Tôi thà để họ nói về tôi còn hơn là nói về June." (June là tên em bé cô nhặt được đem về nuôi), cô trả lời.
32 tuổi, tôi cứ thế khóc nức nở như một đứa trẻ khi xem clip này. Đâu phải cứ mang nặng đẻ đau, rứt ruột sinh ra mới có tình mẫu tử?