Giờ tan học, những gánh hàng bán đồ ăn vặt là nơi hấp dẫn nhiều học sinh, nhưng khi được hỏi về nguồn gốc thực phầm, người bán hàng đều lắc đầu không biết.
"Mê hoặc" trẻ con
Sau giờ tan học, nhiều cổng trường trên địa bàn Hà Nội lại nhộn nhịp các hàng ăn dạo với những món hấp dẫn, chưa kể những tiệm tạp hóa la liệt đồ ăn thức uống với hình hài và màu sắc phong phú.
Những món ăn nhanh như nem chua rán, tôm viên, cá viên, mực ống, nước giải khát và nhiều loại bánh kẹo có màu sắc sặc sỡ bắt mắt, với mức giá dao động từ 2000 - 5000 đồng được các em học sinh "săn đón".
Nhưng khi được hỏi về xuất xứ của những món ăn này, đa số người bán hàng đều lắc đầu không biết và trốn tránh ống kính phóng viên. Những chai dầu ăn được dùng để chiên nấu cũng đã đen ngòm và không có nguồn gốc rõ ràng.
Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với những món ăn chiên rán trước các cổng trường.
Sau tiếng trống trường, các em học sinh ào ra, tụm năm tụm ba bên những xe hàng bán đồ ăn vặt. Các em ăn ngon lành, chia nhau những chiếc kẹo, những thứ đồ chơi tặng kèm.
Theo ghi nhận của phóng viên, những hình ảnh này ở hầu hết các cổng trường như trường THCS Nhân Chính, Tiểu học Thanh Xuân Trung, Tiểu học Phan Đình Giót, Tiểu học Nghĩa Tân...
Anh Nguyễn Nhật Nam – một phụ huynh học sinh cho biết: “Thấy cháu nó thích ăn thì tôi mua. Còn an toàn hay không thì tôi không chắc, nhưng cháu ăn về cũng không thấy đau bụng hay làm sao cả”.
Tiếng trống trường vừa điểm, học sinh ùn ùn kéo nhau vào khiến quán đồ ăn vặt trở nên đông nghẹt.
Bà Nguyễn Thị Liên (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) trong lúc chờ đón cháu cười nói: “Đôi khi cũng sợ đồ ăn không đảm bảo vệ sinh nên không cho cháu ăn. Nhưng vì trẻ con thường chỉ làm theo sở thích thôi. Thấy bạn bè có cháu lại mua nên mẹ cũng không cấm được”.
Theo quan sát, chỉ một vài phụ huynh thận trọng hơn nên mua đồ ăn cho con ở một quầy hàng có vẻ sạch sẽ hơn và sử dụng dầu ăn đảm bảo chất lượng.
Cứ lên Lương Văn Can là có hết!
Sau hồi lâu thuyết phục, một người bán hàng mới tiết lộ: “Lấy hàng cứ lên phố Lương Văn Can, Hàng Buồm là có hết. Hàng có nhiều hình thù nhân vật hoạt hình được trẻ em yêu thích, mẫu mã đẹp lại nhiều màu sắc mà lại rẻ nên bán chạy lắm. Còn xuất xứ ở đâu thì em cũng không biết”.
Bên cạnh đó, một số hàng bán đồ chiên rán do “tiết kiệm” nên họ không dùng dầu ăn đóng chai mà mua mỡ lợn ở chợ về rán lấy mỡ dùng chế biến.
Đó là những loại mỡ không rõ nguồn gốc, miễn làm sao giá thành càng rẻ càng tốt. Không ít hàng đã mua lại dầu rán từ những nơi chế biến cỗ thuê với giá thành chỉ không bằng một nửa.
Chuyên gia nói gì?
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, rất nhiều xúc xích, nem chua được bán rong có nguồn gốc không rõ ràng, được chế biến từ thịt ôi thiu trong những cơ sở tư nhân thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đồ chiên rán như nem chua rán thường dùng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần gây biến chất vì tạo thành axit béo dạng xấu (transfat) không có lợi cho sức khỏe, gây đầy bụng, khó tiêu, nguy hiểm khiến người ăn sẽ bị béo phì và bị bệnh tim mạch.
Ăn nhiều xúc xích, nem chua rán, trẻ có thể lâm vào tình trạng thừa năng lượng dẫn đến béo phì, dễ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, đặc biệt, nếu các bé ăn nhiều, ăn trong thời gian dài, các chất độc có thể tích tụ lại, gây nên bệnh ung thư, thậm chí tử vong...
Phần lớn những đồ ăn này đều có xuất xứ không rõ ràng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, hầu hết các món quà vặt được bày bán trước cổng trường đều không rõ nguồn gốc và nguy hại đối với sức khỏe của trẻ. Như, "thịt đà điểu, thịt hổ"... có giá chỉ 3.000 đồng/gói. Bao bì của những gói sản phẩm này, cả mặt trước và mặt sau đều toàn chữ Trung Quốc, không có mã vạch, không biết là ngày sản xuất hay hạn sử dụng.
Các loại xúc xích, nem chua, quẩy rán... không rõ nguồn gốc xuất xứ được bán với giá vài nghìn đồng một chiếc. Hoa quả "dầm" đường hóa học, màu đỏ choét, ngọt lịm phơi bày giữa nắng giữa mưa, không có che đậy. Các loại kem rẻ tiền chứa các loại hạt, màu nhân tạo hoặc chất tạo hương vị…
Ngoài ra, các loại nước giải khát như nước cam, nước dâu, nước chanh... thực chất là sử dụng siro phẩm màu có màu sắc rất đậm.
Chiêu nhận biết tôm, bò, gà bơm hoá chất, tránh mua cho con ‘Ngã ngửa’ chất độc từ mỳ tôm – món ‘tủ’ của trẻ nhỏ |