Sai lầm khi nấu cháo khiến mất chất, con chậm tăng cân

Ngày 22/10/2017 15:36 PM (GMT+7)

Nấu cháo bằng nước xương, quên không cho dầu ăn, vo gạo quá kỹ... là những sai lầm nghiêm trọng trong cách nấu cháo của mẹ làm bé chậm tăng cân.

Dù đã rất chăm chút đến việc tăng hương vị và chất dinh dưỡng trong cháo cho con ăn hàng ngày, tuy nhiên nhiều bà mẹ vẫn thấy con không tăng cân. Lí do có thể do trong quá trình nấu cháo cho bé, mẹ đã mắc phải những sai lầm dưới đây.

1. Chỉ nấu cháo bằng nước xương hầm

Có không ít bà mẹ hầu như ngày nào cũng chăm chỉ hầm xương để lấy nước nấu cháo cho con vì nghĩ rằng việc này sẽ giúp cung cấp thêm nhiều chất dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là canxi, sẽ giúp con cứng cáp hơn. Nhưng thực tế thì việc hầm xương chỉ có tác dụng cho vị ngọt và mùi thơm. Những chất đạm vẫn còn trong xác thịt, xương.

Do đó, khi nấu cháo bằng nước xương mẹ vẫn phải nấu cho bé ăn cả phần cái (xác) của thực phẩm bằng cách băm nhuyễn, cắt nhỏ, nấu mềm… và một tuần mẹ chỉ nên ninh xương nấu cháo cho con từ 1-2 lần để bé không chán ăn.

Sai lầm khi nấu cháo khiến mất chất, con chậm tăng cân - 1

Chỉ nấu cháo bằng nước xương hầm là một sai lầm mà các mẹ cần sửa ngay. (Ảnh minh họa)

2. Cho thêm ngũ cốc vào cháo

Khi nấu cháo cho trẻ ăn dặm, nhiều mẹ có thói quen bỏ thêm các nguyên liệu khác nhau vào cháo như ngũ cốc để tăng thêm dinh dưỡng cho con. Tuy nhiên, đây lại là điều sai lầm.

Mặc dù ngũ cốc khá giàu chất dinh dưỡng nhưng gần như lại không hoàn toàn phù hợp với hệ tiêu hóa còn khá non yếu của con (đặc biệt là với các bé dưới 1 tuổi), dễ khiến con bị khó tiêu hóa, có cảm giác lưng lửng dạ và lâu dần sẽ gây ra hiện tượng biếng ăn ở trẻ.

3. Không cho dầu ăn vào cháo của bé

Suy nghĩ cho dầu ăn vào cháo sẽ khiến bé bị đau bụng và khiến bé không thể nào hấp thụ được dưỡng chất là hoàn toàn sai lầm, bởi dầu ăn cung cấp nhiều năng lượng và hỗ trợ cơ thể hấp thu được nhiều chất dinh dưỡng khác.

Bên cạnh đó, dầu ăn cũng được xếp vào danh sách nhóm thực phẩm cung cấp chất béo cho cơ thể, cùng với những thực phẩm giàu chất béo khác như là mỡ thực vật, bơ… Chính vì vậy, khi cháo sắp chín, mẹ nên cho vào đó từ 1 đến 2 thìa dầu ăn (bao gồm cả dầu thực vật, mỡ và dầu cá…). Mẹ nên nhớ không cho dầu ăn ngay từ khi bắt đầu nấu.

Sai lầm khi nấu cháo khiến mất chất, con chậm tăng cân - 2

Khi cháo sắp chín, mẹ nên cho vào đó từ 1 đến 2 thìa dầu ăn, bao gồm cả dầu thực vật, mỡ và dầu cá… (Ảnh minh họa)

4. Cho trẻ ăn quá mặn

Sai lầm lớn nhất chị em hay mắc phải khi nấu cháo cho trẻ là cho thêm quá nhiều gia vị. Theo các chuyên gia, trẻ từ 1 tuổi trở lên mới nên ăn thức ăn có gia vị. Trước đó, trẻ nên ăn thực phẩm với vị nguyên bản. Bởi ăn gia vị sớm dễ gây rối loạn vị giác, nguyên nhân hàng đầu dẫn tới chứng chán ăn và biếng ăn ở trẻ.

Không những vậy, việc ăn quá nhiều muối có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh huyết áp cao, đau tim, đột quỵ và cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sức khỏe không tốt khi còn nhỏ.

5. Cho rau củ quả vào nấu cùng một lúc với thịt, cá

Nhiều mẹ có thói quen cho nước cốt rau củ tan vào cháo ngay từ đầu mà không biết rằng việc làm này sẽ khiến cháo bị nồng làm cho trẻ khó ăn, đồng thời lượng vitamin có trong rau củ cũng bị hao hụt. Vì thế, các mẹ cần nhớ khi cháo, thịt và cá chín mới cho nước cốt rau hoặc rau đã băm nhỏ vào, nấu sôi, sau đó, nhấc xuống để nguội rồi cho bé ăn.

6. Vo gạo quá kỹ dẫn đến mất vitamin B1

Vitamin B1 hay còn gọi là thiamin rất quan trọng đối với trẻ nhỏ. B1 có vai trò chuyển hóa Gluxit giúp kích thích ăn. Do đó ở trẻ nhỏ, thiếu vitamin B1 sẽ gây ra hiện tượng đặc trưng nhất là mất cảm giác ngon miệng, biếng ăn và táo bón.

Trước khi nấu cháo cho bé, mẹ không nên vo gạo quá kỹ làm mất lớp cám gạo chứa nhiều vitamin B1. Thực hiện đúng nghĩa rửa gạo: tức là cho gạo vào xoong, nồi… khuấy nhẹ tay, gạn nước nhằm loại trừ trấu, sạn. Khi nấu cháo cho bé chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1 (có thể mất tới 60%). 

Sai lầm khi nấu cháo khiến mất chất, con chậm tăng cân - 3

Khi nấu cháo cho bé chỉ cho nước vừa đủ, không cho nhiều để phải chắt bỏ nước cơm làm mất vitamin B1. (Ảnh minh họa)

7. Nấu cháo cho bé ăn cả ngày

Vì việc nấu cháo mất khá nhiều thời gian, nên nhiều mẹ thường tiện thể nấu cho con 1 nồi cháo to đùng để ăn cả ngày cho đỡ mất công, nhưng lại không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. Bởi ở điều kiện nhiệt độ bình thường, cháo chỉ có thể để trong vòng 2 giờ là đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu. Nếu bảo quản trong tủ lạnh thì các dưỡng chất trong cháo cũng bị mất đi đáng kể.

Do đó, nếu có điều kiện tốt nhất mẹ nên nấu bữa nào cho con ăn bữa đó, tránh để thừa đến bữa sau. Nếu quá bận rộn thì mẹ nên nấu riêng cháo trắng và thực phẩm ăn kèm. 

>> XEM TIẾP: Dạy mẹ cách nấu cháo, lên thực đơn cho trẻ 1 tuổi "lớn nhanh như thổi"

Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ.

Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. 

Thanh Loan (TH)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn dặm