Những khi mẹ tắc sữa, bố chẳng ngại hút sữa giúp mẹ, chẳng ngại đêm hôm lặn lội đi tìm bác sĩ châm cứu.
Suốt 6 tháng mẹ mang thai con cũng là quãng thời gian ba con chưa có được việc làm ổn định. Một mình mẹ với đồng lương ít ỏi phải khéo tính toán để tạm đủ chi tiêu. Nhưng bù lại phần lớn thời gian ba dành cho hai mẹ con mình, từ việc đưa đón mẹ đi làm, chia sẻ cùng hai mẹ con những khó khăn của kì thai nghén. Mẹ biết ba rất buồn vì lúc này chưa để cho vợ và con có cuộc sống thật sự thoải mái nhưng mẹ biết ơn ba vô cùng vì những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ, lại cho mẹ sức mạnh để mẹ tin tưởng rằng, mẹ và con đang có một tổ ấm thật hạnh phúc.
Có vài lần, cứ ăn cơm xong, ba lại quần áo chỉnh tề đi ra ngoài, lúc đi có vẻ háo hức nhưng khuya về thì mặt mày buồn thiu. Mẹ biết ba đi chạy xe ôm để phụ thêm tiền với mẹ nhưng nhìn ba con thì ai nghĩ là anh xe ôm mà là chàng thư sinh đến nhà người yêu mới đúng. Lúc ba con tự hỏi, sao lần nào đi cũng chẳng được cuốc nào mẹ đã đùa vui với ba con như vậy nhưng quay đi mẹ nghẹn ngào lau vội nước mắt.
Rồi trước ngày mẹ sinh con, ba cũng đã có một công việc ổn định, mức lương cũng khá. Công việc đó chiếm hết thời gian của ba, giờ giấc thì không ổn định, có bất kì thời gian nào rảnh thì ba chỉ lăn ra ngủ. Mẹ bỗng chạnh lòng nhưng lại gạt cảm giác đó đi rất nhanh vì mẹ biết, ba vẫn rất yêu và thương hai mẹ con mình.
Ngày mẹ sinh con là một ngày mưa đổ như trút, mẹ được bà ngoại đưa tới bệnh viện, lúc mẹ làm thủ tục nhập viện thì khi đó ba con mới đang trên đường đi. Mẹ vào phòng đẻ mà vẫn không được nhìn thấy ba con. Nhưng mẹ nghe thấy giọng nói trầm ấm của ba rằng: “Cố lên vợ yêu nhé! Em sẽ làm tốt mà”.
Con mang lại mùa xuân cho bố mẹ (ảnh minh họa)
Con là một cô công chúa giống ba từ hình dáng tới nết ăn, nết ngủ. Nhưng chỉ ít ngày xuất viện về nhà thì mẹ bị lại rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh. Nhìn thấy ba là nước mắt mẹ cứ tuôn rơi vì mẹ nghĩ mình xấu xí, nghĩ ba vì bận rộn công việc nên đã quên mẹ. Mẹ lại nhớ tới giây phút một mình vượt cạn chẳng chồng kề bên. Tất cả mọi việc chăm sóc con đều một tay mẹ xoay xở. Mẹ đòi ba cho về bà ngoại.
Những ngày đầu tiên ba còn lắng nghe và dịu dàng trấn an mẹ nhưng rồi ba cũng mệt mỏi vì công việc thức đêm, dậy sớm, cứ mỗi khi về nhà nhìn thấy mẹ với khuôn mặt nhăn nhó, mệt mỏi rồi khóc lóc ba lại bực mình.
Rồi mẹ giận và thấy ghét ba con, mẹ còn nghĩ ba con đã thay đổi, mẹ không còn muốn nói chuyện với ba nữa. Cuộc sống của hai vợ chồng những ngày đầu có con cứ trôi qua trong căng thẳng như vậy.
Cho tới ngày mẹ phát sốt vì bị tắc tia sữa. Mẹ đau, người mẹ nóng hừng hực, hai bầu ngực cương cứng như đá, sờ vào chỉ thấy cục là cục. Ba đã không quản đêm hôm chạy đến tận nhà bác sĩ châm cứu. Ba đã không quản mệt mỏi, massage cho mẹ, hút sữa cho mẹ, cho con ăn, thay bỉm cho con. Nhìn mặt lo lắng nhưng tràn đầy yêu thương và nghị lực của ba, mẹ cảm thấy vô cùng xúc động.
Hai ngày sau mẹ hết sốt, người cũng tỉnh táo lên nhiều. Gần sáng tỉnh giấc mẹ vẫn thấy gương mặt đáng yêu của con đang ngon giấc lành và ba con thì đang ngủ gục bên giường từ lúc nào. Hai cha con cùng một kiểu ngủ chép chép miệng đáng yêu, bỗng dưng mẹ mỉm cười mà lòng nhẹ vui.
Công việc của ba đã ổn định nhiều, tuy vậy thời gian ba dành cho hai mẹ con không thể nhiều được nhưng ba vẫn luôn dặn con rằng: “Con phải ngoan, phải khỏe cho mẹ đỡ vất vả, mẹ mèo hen của con bé người mà dũng cảm lắm đó”. Tết này, con gái mẹ đã gần một tuổi rồi, thời gian trôi nhanh chứ không như tháng đầu sau khi mẹ sinh con, phải trải qua những cảm giác khó khăn về cả sinh lý và tâm lý.
Nhưng con gái ơi! Con là mùa xuân của ba mẹ, là cầu nối cho tình cảm ba mẹ. Nhìn con lớn khôn từng ngày, mẹ lại có thêm động lực, niềm vui để vượt qua bao khó khăn của chặng đường xây đắp một gia đình.