Khi cảm thấy nguy hiểm ở dưới nước, trẻ có thể tự thả lỏng cơ thể và nín thở. Sau đó, quạt tay và đạp chân để người tiến vào gần bờ hoặc ra tín hiệu bị đuối nước xin cầu cứu người lớn.
Mới đầu hè, nước ta đã xảy ra 3 vụ đuối nước khiến 14 học sinh gặp nạn. Ngày 31/3, tại khu vực Suối Cả- Cẩm Mỹ (Đồng Nai) diễn ra vụ tai nạn dưới nước với hậu quả 3 học sinh lớp 7 bị chết đuối. Tiếp đó, vụ đuối nước thương tâm ngày 15/4 trên sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) đã cướp đi sinh mạng của 9 nam sinh lớp 6. Gần đây (18/4), vụ cứu nhau dưới nước bất thành ở Bà Rịa- Vũng Tàu đã khiến 2 học sinh tử nạn. Chứng kiến và biết các vụ đuối nước trên, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra hoang mang và lo sợ những rủi ro cho con trẻ khi hè về.
Để giải tỏa tâm lý của các bậc phụ huynh, chúng tôi đã liên hệ và có cuộc trao đổi với thày giáo Trịnh Phương Giang (GV thể dục trường TH Thành Công B - Ba Đình), người có 8 năm kinh nghiệm dạy trẻ học bơi. Thày Giang sẽ đưa ra các kiến thức trang bị kỹ năng phòng tránh đuối nước quan trọng dành cho các bé.
Độ tuổi thích hợp cho trẻ học bơi
Theo thày Trịnh Phương Giang, ba mẹ nên cho con đi học bơi từ lúc 6-7 tuổi. Bởi, ở lứa tuổi này trẻ đã phát triển đầy đủ về thể chất lẫn trí tuệ để có thể tiếp thu và thực hiện tốt những động tác bơi lội do giáo viên hướng dẫn. Ngoài ra, bố mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ sơ sinh 7-10 ngày tuổi, cuống rốn chưa rụng học bơi sớm giống các clip nước ngoài.
Ba mẹ nên cho con đi học bơi từ lúc 6-7 tuổi
“Trên thực tế, tôi có thấy một số thày cô dạy bơi sớm cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, bố mẹ không nên cho con học bơi sớm như vậy. Thứ nhất, các bể bơi chưa đảm bảo cho trẻ sơ sinh. Trong khi đó, da của các bé sơ sinh rất nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng ngoài da hoặc mắc các bệnh về da liễu. Thứ 2, trẻ sơ sinh có thể được làm quen với nước nhưng để bơi như trẻ 6-7 tuổi thì không được”, thày Giang cho biết.
Đối với những trẻ sợ nước, bố mẹ có thể tập bơi tại nhà cho trẻ bằng phương pháp tắm vòi hoa sen và xả nước từ trên đầu xuống. Sau đó, yêu cầu con nín thở và lấy hơi bằng miệng. Tuyệt đối, không cho trẻ lấy hơi bằng mũi sẽ khiến sặc nước.
Kỹ năng giúp trẻ phòng tránh và ứng phó với tai nạn đuối nước
Hiện nay, nhiều phụ huynh học sinh đã lựa chọn cho con đi học thêm tại các lớp dạy bơi. Do vậy, rất nhiều trẻ đã biết bơi và học được cách ứng phó với tai nạn ở dưới nước. “Tại lớp học bơi, các con được thày hướng dẫn đầy đủ động tác chuẩn bị, bắt đầu và thực hiện. Đặc biệt, sau khóa học bơi, các con được thày trau dồi thêm kỹ năng xử lý đuối nước bằng cách đứng nước, nhảy xuống nước và bơi”, thày giáo Trịnh Phương Giang cho hay.
Sau khóa học bơi, các con được thày trau dồi thêm kỹ năng xử lý đuối nước
Thày Giang cho biết thêm, trẻ học bơi sẽ được hướng dẫn tập thả lỏng cơ thể dưới nước và nín thở khi cảm thấy nguy hiểm. Vì, cơ thể người có không khí nên khi nín thở và thả lỏng, cơ thể có thể tự động nổi lên trên mặt nước. Lúc đó, trẻ chỉ cần quạt tay và đạp chân để người tiến vào gần bờ hoặc vào gần những vật nổi trên mặt nước như phao bơi, những mảnh xốp,… Sau đó, trẻ cố gắng ra tín hiệu bị đuối nước xin cầu người lớn.
Bên cạnh đó, bố mẹ của trẻ nên dặn bé tuyệt đối không nhảy xuống cứu người bị đuối nước vì sức các con còn yếu. Thậm chí, trẻ biết bơi cũng không nên nhảy xuống cứu người. Việc trẻ cần làm khi đối diện với trường hợp này là ném cho người dưới nước một tấm xốp lớn để họ bám vào và khẩn trương đi gọi người lớn đến cứu.
Trẻ nhỏ tuyệt đối không nhảy xuống cứu người bị đuối nước
“Tại lớp học bơi, các bé được thày huấn luyện kiểm soát kỹ nên khó xảy ra các trường hợp rủi ro. Tuy nhiên, khi trẻ tự bơi, cần có người lớn đi cùng và phải bơi ở những địa điểm được phép bơi như bể bơi, bãi biển. Ngoài ra, trẻ nhỏ nên tắm ở nơi có mực nước ngang với ngực”, thày giáo Trịnh Phương Giang đưa ra những lưu ý đối với bố mẹ khi đưa con đi bơi.
Clip các em bé nước ngoài tập bơi siêu giỏi
4 quy tắc dạy con nổi tiếng thay đổi cuộc đời 1 đứa trẻ Nàng 9x dạy con thông minh bằng bơi |