Đầu xuân năm mới, cha mẹ nên rũ bỏ những thói quen xấu và hoàn thiện lối dạy con hơn bằng những việc làm sau.
Thời điểm chuẩn bị bước sang năm mới là lúc người ta nên nhìn lại những việc làm trong quá khứ, rũ bỏ những thói quen xấu và học những thói quen mới tốt đẹp để hoàn thiện mình hơn. Trong quá trình nuôi dạy con, không thể tránh khỏi những lúc cha mẹ mắc phải sai lầm. Nhân dịp năm cũ qua đi, năm mới đến, mời các bậc phụ huynh tham khảo những thói quen tốt nên thực hiện để dạy con ngoan ngoãn, vâng lời hơn.
Khi định quát con, hãy dừng lại hít thở sâu
Chẳng hạn như khi bạn bảo con mình dọn dẹp đồ chơi để chuẩn bị đi ngủ, tuy nhiên 5 phút sau bạn quay lại thì mọi thứ vẫn vậy. Bạn bắt đầu cảm thấy người nóng hừng hực.Hãy quay lưng lại, nhắm mắt và hít thở. Dành một chút thời gian để lấy lại bình tĩnh và cảm xúc, tiếp tục suy nghĩ bạn sẽ hành động như thế nào trước việc làm của con để có kết quả tốt nhất.
Đừng vội vàng phạt con khi thấy trẻ làm sai
Khi bạn dạy con tập đi xe đạp, bạn có phạt con khi chúng không thể đạp được lần đầu tiên không? Tất nhiên là không, mà bạn sẽ hướng dẫn, hỗ trợ, giảng dạy cho con hiểu. Tương tự như vậy, khi con bạn đánh nhau với bạn khác trên trường,việc chửi mắng trẻ lúc ấy chẳng khó khăn gì, nhưng thay vì thế bạn hãy nhẹ nhàng khuyên bảo và giải thích cho trẻ biết tại sao đánh bạn lại sai.
Sống có quy tắc
Bố mẹ hãy luôn là một người gương mẫu cho trẻ noi theo bằng cách giữ kiên định và bình tĩnh xử lý tình huống. Vì trẻ rất thích bắt chước hành động của người lớn nên nếu bạn luôn giữ lời hứa thì đó sẽ là một điểm cộng lớn cho bạn trước mặt bé.
Mềm mỏng nhưng nghiêm khắc
Lời giảng dạy bố mẹ đưa ra cần vừa nghiêm nghị vừa nhẹ nhàng. Khi mẹ giữ được một giọng nói bình tĩnh nhưng cứng rắn và ôn hòa thì trẻ sẽ dễ dàng nghe và hiểu. Nếu bạn nói càng bình tĩnh và nhẹ nhàng thì lời nói của bạn sẽ có ảnh hưởng đến bé lớn hơn. Không chỉ bé hiểu được vấn đề nhanh hơn mà bạn cũng không bị mất giọng vì la hét.
Cha mẹ không nên chỉ chăm chăm thay đổi con cái mà còn cần xem lại bản thân để thay đổi chính mình, giúp việc nuôi dạy con trở nên hiệu quả hơn. (Ảnh minh họa)
Giúp trẻ bộc lộ cảm xúc
Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến trẻ cư xử xấu là do trẻ chưa học được cách diễn đạt cảm xúc của mình nên trẻ hay dùng hành động. Ví dụ như khi con bạn đẩy một bạn khác vì đã làm đổ đồ của mình, bạn hãy nói với trẻ rằng:” Mẹ biết con bực mình khi bạn A làm đổ đồ của con. Con giận dữ thì được nhưng khi ấy con hãy nói với bạn A là tớ hơi bực chứ con không nên đẩy bạn”
Khen ngợi con nhiều hơn
Khi trẻ bị mắng nhiều thì tính cách chúng cũng bị ảnh hưởng theo hướng xấu do lời nói của bố mẹ. Vậy nên thay vì quát nạt, bố mẹ hãy dùng lời nhẹ nhàng hơn để khuyên nhủ con cái.
Tăng cường quan hệ cha mẹ - con cái
Ở độ tuổi còn nhỏ trẻ con rất muốn gần bố mẹ. Nếu như bạn tận dụng được điều này và củng cố mối quan hệ giữa bạn và con thêm gắn bó thì bé sẽ càng kính trọng bạn và trẻ cũng dễ vâng lời hơn.
Đặt mình vào tình huống của trẻ
Bạn có cảm thấy đau đớn khi bị ai đó mắng mỏ vào mặt mình? Con bạn cũng sẽ có cảm giác giống như vậy. Mục đích làm cha làm mẹ đó là dạy dỗ con cái nên người và hình thành nên nhân cách tốt cho trẻ, chứ không phải làm trẻ đau khổ. Khi chúng ta nói nặng lời với trẻ thì chính chúng ta đang làm tổn hại đến lòng tự trọng của trẻ, khiến trẻ xấu hổ và mệt mỏi. Bạn hãy thử đặt mình vào trường hợp của trẻ để có cách giải quyết phù hợp.
Thói quen ăn ngủ tốt
Nhiều bố mẹ xem thường khả năng ảnh hưởng của một chế độ ăn cân bằng và một giấc ngủ sâu đủ tới hành vi của trẻ. Nếu bạn suy nghĩ kĩ thì 2 vấn đề chính khiến bé cư xử thô lỗ, đó chính là đói và mệt mỏi.Một đứa trẻ càng được nghỉ ngơi, ăn uống tốt thì càng ít có vấn đề về hành vi. Tương tự, nếu bố mẹ ăn ngủ tốt thì có thể giữ mình thoải mái, biết kiềm chế bản thân khỏi việc mắng con.
Chấp nhận rằng không ai là hoàn hảo
Đôi khi dù chúng ta cố gắng thế nào thì chúng ta vẫn có thể mất kiểm soát và mắng con. Điều đó có thể chấp nhận được miễn là chúng ta biết cách sửa chữa. Sau mỗi lần lỡ nạt nộ con, bạn nên giải thích cho con hiểu rằng bạn không cố ý bực tức với con mà là vì con không nghe lời, và hãy yêu cầu bé cải thiện hành động của mình và bạn cũng sẽ làm như thế.