Không ít trẻ biếng ăn là do sự chăm sóc “lơ là” và không đúng cách của các mẹ.
Con trai tôi năm nay mới 5 tuổi, nhưng khi cháu đứng cạnh những bạn cùng lứa hay thậm chí là các anh chị thì cháu vẫn nhỉnh hơn cả về chiều cao và cân nặng. Để con phát triển tốt, tôi luôn chú trọng đến dinh dưỡng và chế độ ăn cho cháu. Con tôi không phải là một đứa trẻ biếng ăn, nhưng tôi hiểu cảm giác của các bà mẹ có con rơi vào tình trạng "ăn mãi không xong". Nhiều mẹ luôn nghĩ đến việc cho con ăn là một cuộc chiến không ngừng, luôn phải hò hét, tức giận khi bản thân đã chuẩn bị rất nhiều món ngon mà bé vẫn dứt khoát không ăn.
Nhiều mẹ nuôi con chỉ mong được thấy con mong con khỏe mạnh, đừng thấp còi, đừng suy dinh dưỡng là được. Tuy nhiên mong muốn đó của các mẹ đâu có dễ để thành hiện thực khi con lâm vào tình trạng biếng ăn. Trẻ biếng ăn phần lớn lại là do chính cha mẹ. Tôi xin kể ra 5 sai lầm “kinh điển” của các bà mẹ khiến con biếng ăn.
1. Mẹ không làm gương cho trẻ
Trẻ luôn có xu hướng học và bắt chước theo người lớn. Do đó, bố mẹ thường là tấm gương cho con cái. Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi thói quen ăn uống của cha mẹ. Chính vì thế mà điều đầu tiên mẹ có thể làm để giúp trẻ có một chế độ ăn uống lành mạnh đó chính là người lớn cũng phải làm những việc tương tự, ít nhất là trước mặt trẻ.
Nếu con thấy bố mẹ hầu như không bao giờ ăn đủ ba bữa mỗi ngày hoặc vừa ăn vừa mải đọc báo, xem tivi…thì chắc chắn bé sẽ không có được thói quen ăn uống lành mạnh. Để tránh con rơi vào tình trạng biếng ăn, thấp còi, mẹ không nên có thói quen ăn uống theo cảm xúc hoặc thường xuyên nói trước mặt con rằng mình không thích món này hoặc không muốn ăn món kia.
Ví dụ, mẹ không thích ăn cà rốt và thường xuyên hay phàn nàn kêu ca khi thấy cà rốt xuất hiện trong bữa ăn gia đình. Việc làm này của mẹ sẽ khiến trẻ chú ý khi họ nhận ra rằng mẹ không bao giờ ăn cà rốt và các món được chế biến từ nó. Trong một thời gian dài, sự chú ý đó trở thành thói quen và trẻ sẽ thờ ơ với thực phẩm này.
Nếu mẹ muốn con ăn uống đầy đủ dinh dưỡng thì nên gạt bỏ đi “cái tôi” cá nhân, đừng vì lấy khẩu vị của mình mà áp đặt lên con. Dù có không thích ăn món gì, mẹ cũng nên ăn một ít trước mặt con và nói cho con biết về tác dụng của chúng. Hãy giúp con có thói quen ăn uống tốt bằng cách cùng ngồi ăn với con bằng thái độ tích cực và nói với con về tác dụng của những món có mặt trên bàn ăn.
2. Đe dọa, hứa hẹn cho con ăn
Khi nuôi con, nhiều mẹ có sử dụng từ ngữ đe dọa hoặc hứa hẹn hay thậm chí là vũ lực để trẻ có thể ăn hết bát cơm. Tình trạng này khiến cho bữa cơm của gia đình luôn luôn căng thằng, ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ.
Đối với những em bé không thích ăn một món gì đó thì việc bị cưỡng chế sẽ càng khiến trẻ ghét không muốn ăn. Thay vì dọa dẫm hay quát nạt con, các phụ huynh nên trích dẫn các câu chuyện liên quan đến món ăn để giúp các bé loại bỏ sự ác cảm, tăng sự hứng thú với việc ăn uống.
Trẻ biếng ăn đôi khi xuất phát từ việc dọa dẫm, thúc ép. (Hình minh họa)
3. Chế biến bữa ăn quá đơn giản
Hiện nay có nhiều bà mẹ vì quá bận rộn với công việc nơi công sở mà bỏ qua các bữa ăn gia đình. Đây chính là sai lầm lớn nhất của mẹ. Mẹ thường cho rằng trẻ em sẽ có đủ chất dinh dưỡng nếu chúng được ăn đầy đủ thịt, cá, trứng và sữa trong các bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên suy nghĩ này là không chính xác bởi vì trẻ em thường thích các bữa ăn rất hấp dẫn và có nhiều màu sắc.
Những món ăn được chế biến đơn giản với màu sắc không bắt mắt sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn của trẻ. Thậm chí nếu mẹ thường xuyên kéo dài tình trạng này, con dần dần ghét những món đó và bé lười ăn dẫn đến thấp còi, chậm phát triển.
Các chuyên gia dinh dưỡng đều khuyến khích các bà mẹ nên chuẩn bị đa dạng các món ăn, hạn chế sự lặp lại bởi vì cho trẻ ăn quá lâu một món ăn sẽ khiến trẻ quen và không chịu tiếp xúc với món ăn khác. Khi cho con tiếp xúc với một món ăn mới, mẹ nên kiên trì, những lần đầu, mẹ đừng ép trẻ ăn quá nhiều mà hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, lặp lại vào những ngày gần kề với số lượng tăng dần.
Các mẹ nên tham khảo các công thức nấu ăn để từ một loại thực phẩm mẹ có thể chế biến đa dạng thành nhiều món ăn. Mẹ cần chú ý đến hương vị, màu sắc và chất dinh dưỡng để tăng cường ham muốn đối với thực phẩm của trẻ.
4. Cho trẻ ăn đồ ăn nhẹ trước bữa chính
Trước bữa ăn, trẻ em có thói quen ăn một số đồ ăn vặt như loại bánh, kẹo, nước ngọt. Nếu mẹ tiếp tay cho con làm vậy sẽ làm tăng đường huyết và gây cảm giác “no giả tạo”, nhưng thực chất là trẻ vẫn đói và vẫn bị thiếu dinh dưỡng.
Các chuyên gia khuyên rằng mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn vặt tối đa vì nó ảnh hưởng đến khẩu vị và cảm giác thèm ăn của trẻ. Mẹ nên chọn những đồ ăn vặt có giá trị dinh dưỡng cao và thích hợp với từng độ tuổi của trẻ như lương khô, hoa quả khô, mứt trái cây, sữa chua… Bên cạnh đó, mẹ cũng “lập thời gian biểu” cho bữa phụ giống như bữa chính, lưu ý trước khi ăn cơm và trước khi ngủ không nên cho trẻ ăn vặt. Đối với những trẻ không thích ăn cơm thì càng phải kiểm soát các bữa ăn phụ, nên cất giữ các đồ ăn vặt ở nơi trẻ không chú ý đến.
5. Mẹ thiếu kiến thức về dinh dưỡng
Nhiều mẹ cố nhét cho con ăn nhiều thịt nhưng trẻ vẫn bị thiếu cân so với bạn bè cùng lứa. Các chuyên gia cho biết rằng ăn thịt nhiều cũng không hẳn là tốt. Bữa ăn của trẻ cần phải có nhiều thực phẩm khác nhau như rau, củ quả, chất đạm, chất béo. Các mẹ đôi khi chỉ dựa trên những suy nghĩ thông thường, trực giác và kinh nghiệm của họ để cho bé ăn thì điều này có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng khiến trẻ lười ăn và mất cân bằng dinh dưỡng.