Trẻ biếng ăn dễ gây thiếu hụt dinh dưỡng, rối loạn tăng trưởng, suy giảm hệ miễn dịch, dễ bị bệnh và đặc biệt trí não chậm phát triển. Vậy trẻ biếng ăn phải làm sao?
Chăm sóc một đứa trẻ từ khi sơ sinh cho tới khi chúng lớn lên đòi hỏi các bậc cha mẹ phải trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng. Hiện tượng trẻ biếng ăn không quá hiếm gặp và gây nhiều lo âu cho bố mẹ và khiến trẻ chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ còn lại.
Trẻ biếng ăn là gì?
- Đối với trẻ sơ sinh: Hiện tượng trẻ sơ sinh biếng ăn là một rối loạn tiêu hóa, thường xuất hiện từ những tháng đầu đời cho tới khi trẻ 3 tuổi. Trẻ sơ sinh biếng ăn nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bởi các bác sĩ chuyên khoa sẽ gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của bé.
- Đối với giai đoạn 1 - 6 tuổi: Hiện tượng này khá thường gặp, trẻ không chịu ăn hoặc ăn ít, ăn không đủ lượng dinh dưỡng cần thiết.
Trẻ biếng ăn có thể gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí não. Ảnh minh họa
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ em và trẻ sơ sinh
Hiện tượng biếng ăn ở trẻ em và trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau, những nguyên nhân cụ thể thường khó xác định.
1. Những nguyên nhân trẻ sơ sinh biếng ăn
- Trẻ biếng ăn, chán ăn có thể là do đang trong quá trình mọc răng
- Bất thường ở miệng của trẻ như việc vệ sinh lưỡi không sạch, bé bị bệnh ở miệng… cũng gây ảnh hưởng tới quá trình bú, sợ bú, không bú.
- Một số các loại thuốc được sử dụng trong quá trình chuyển dạ của mẹ cũng có thể ảnh hưởng tới trẻ sơ sinh
- Trẻ gặp phải một số vấn đề sức khỏe khác như ốm, sốt, viêm nhiễm...khiến trẻ bỏ ăn, biếng ăn, chán ăn.
Đối với trẻ sơ sinh biếng ăn các bố mẹ không nên tự ý tìm cách chữa, hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ và làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Phát hiện sớm và có những cách xử lý kịp thời để không làm ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển của bé.
2. Những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn chậm hấp thụ
Đối với trẻ em từ 1 - 6 tuổi hiện tượng biếng ăn, chán ăn cũng khá thường xuyên xuất hiện và đa số những nguyên nhân gây biếng ăn của bé đều xuất phát từ những sai lầm trong chăm sóc. Cụ thể như sau:
- Cho trẻ sử dụng thiết bị thông minh quá mức: Các bố mẹ hiện nay đang lạm dụng thiết bị điện tử thông minh để dỗ con ăn, con ngủ, con chơi...vô tình đã gây nên ảnh hưởng tới trẻ. Việc trẻ mải nghịch điện thoại, Ipad...không màng tới ăn uống hay vừa ăn vừa xem cũng gây ảnh hưởng tới trẻ. Trẻ ăn sẽ không còn cảm thấy ngon miệng, việc hấp thụ sẽ gặp vấn đề và nếu cứ như thế việc trẻ vẫn ăn đủ nhưng bị suy dinh dưỡng cũng không quá hiếm gặp, đôi khi là còn bị đau dạ dày khi còn quá nhỏ.
- Tạo thói quen xấu cho trẻ: như để trẻ ăn quá lâu, ngậm thức ăn, cơm lâu không nhai, nuốt...Những điều đó có thể khiến trẻ ngại ăn thức ăn cứng như cơm, rau, củ quả, thịt cá...chỉ muốn ăn những loại dạng lỏng dễ nuốt…
- Ép trẻ ăn bằng mọi giá: Bé từ 0 - 12 tháng tuổi tăng trưởng nhanh nhưng khi được 1 tuổi đến 2 tuổi thì tốc độ sẽ chậm dần lại. Nếu cha mẹ cứ ép trẻ ăn có thể sẽ khiến trẻ biếng ăn, sợ ăn, chán ăn và hiện tượng tâm lý này sẽ kéo dài tới khi trẻ 3 - 4 tuổi.
- Thời gian cho trẻ ăn chưa khoa học: Điều này cũng gây ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa của trẻ. Trẻ còn chưa kịp đói các cha mẹ đã cho trẻ ăn tiếp khiến trẻ không có cảm giác đói, no, tâm lý ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc bố mẹ thấy trẻ ăn ít, không chịu ăn nên chán không muốn đổi món, chế biến cầu kỳ...sẽ khiến trẻ không còn hứng thú với ăn uống.
- Sử dụng quá nhiều thực phẩm trong một bữa ăn của trẻ: Điều này thường xuất hiện khi trẻ ăn dặm, đang ở trong giai đoạn nhũ nhi. Các mẹ xay nhuyễn quá nhiều thực phẩm thành một hỗn hợp nghĩ là như thế sẽ đủ dinh dưỡng cho trẻ nhưng vô tình lại tạo cho món ăn có hương vị khó ăn hơn, trẻ cảm thấy không ngon, sợ ăn.
- Cho trẻ ăn quá nhiều thứ chúng thích hoặc không thích: Nhiều cha mẹ thường chiều bé, cho bé ăn món chúng thích suốt một thời gian dài bỏ qua những món ăn khác khiến dinh dưỡng bị thiếu hụt. Hoặc bắt trẻ ăn món mà chúng không thích trong một thời gian dài. Dù là món trẻ thích hay không thích thì ăn quá nhiều và quá lâu cũng sẽ khiến chúng chán ngán và không còn hứng thú trong ăn uống.
- Không khí căng thẳng trong bữa ăn cũng phần nào khiến trẻ sợ hãi, tâm lý, không muốn ăn, sợ ăn, chán ăn.
- Thiếu hụt hoặc quá thừa: Hiện tượng các bố mẹ cho trẻ ăn quá nhiều rau mà ít hoa quả cũng gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thụ của trẻ. Trẻ lười ăn trái cây cũng là nguyên nhân khiến trẻ thiếu hụt các Vitamin cần thiết như D, B, C, E...gây nên nhiều chứng bệnh đường miệng như viêm lợi, sưng lợi, dễ chảy máu răng miệng...gây ảnh hưởng tới hứng thú ăn uống, không khiến trẻ ngon miệng, chán ăn và sợ ăn.
Ngoài những nguyên nhân chủ quan do sai lầm của các bố mẹ thì cũng có những nguyên nhân khách quan khác như:
- Trẻ đang gặp phải một số vấn đề sức khỏe: như chúng bị ốm, bị bệnh răng miệng, bị rối loạn tiêu hóa, vị nhiễm khuẩn, bị các bệnh viêm nhiễm khác...cũng ảnh hưởng tới hứng thú ăn uống của trẻ.
- Yếu tố môi trường ảnh hưởng tâm lý trẻ. Sự thay đổi hormone xảy ra khi trẻ bước sang tuổi dậy thì hay áp lực thi cử, vấn đề gia đình...cũng gây ảnh hưởng tới trẻ.
- Yếu tố sinh học và di truyền cũng là một nguyên nhân khiến bé biếng ăn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé biếng ăn. Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết bé biếng ăn từ sớm
Bé biếng ăn sẽ làm chậm quá trình phát triển của bé nếu không phát hiện sớm và có cách xử lý sẽ ảnh hưởng sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ. Những dấu hiệu bé biếng ăn như sau:
- Thời gian ăn mỗi bữa của bé kéo dài quá 30 phút thậm chí là tới gần 1 giờ. Đó là dấu hiệu ban đầu của biếng ăn.
- Cân nặng của trẻ nhẹ hơn so với chuẩn cân nặng theo từng độ tuổi của bé. Các bố mẹ nên biết thêm về bảng chiều cao cân nặng chuẩn của trẻ từ giai đoạn sơ sinh cho tới khi 10 - 12 tuổi để tiện theo dõi.
- Trẻ có dấu hiệu quấy nhiễu trong thời gian ăn, khóc, ngậm thức ăn…
- Số lượng thức ăn và số bữa ăn của trẻ ít hơn so với các bạn cùng lứa.
Trẻ biếng ăn phải làm sao?
Trẻ biếng ăn nếu không được xử lý có thể khiến trẻ bị thiếu hụt dưỡng chất, dễ gây rối loạn tăng trưởng và phát triển. Ngoài ra, hệ miễn dịch của trẻ cũng yếu hơn, dễ bị nhiễm bệnh hơn so với trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường khác. Một hậu quả lớn của hiện tượng biếng ăn ở trẻ em đó là trí não phát triển chậm hơn, kém thông minh hơn. Vì vậy, cần phải phát hiện tình trạng biếng ăn sớm và có những cách xử lý kịp thời nhất.
1. Trẻ sơ sinh biếng ăn bố mẹ phải làm sao?
Đối với trẻ sơ sinh khi có những biểu hiện như bỏ bú, không chịu bú, cân nặng sụt giảm, chậm lớn, hay quấy khóc… thì bố mẹ cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ chuyên khoa để chẩn đoán chính xác tình trạng của trẻ.
Trẻ sơ sinh biếng ăn bố mẹ không nên tìm mẹo chữa mà phải đưa trẻ đi gặp bác sĩ và tuân thủ theo chỉ dẫn để đảm bảo trẻ được điều trị, chăm sóc tốt nhất.
2. Trẻ biếng ăn, chậm tăng cân phải làm thế nào?
Tùy vào từng nguyên nhân gây nên tình trạng biếng ăn ở trẻ mà có những cách xử lý phù hợp nhất. Tốt nhất các bố mẹ nên đưa con tới gặp bác sĩ và có những chẩn đoán phù hợp, cách xử lý tốt nhất.
Ngoài ra, các bố mẹ cũng có thể áp dụng một số cách chữa chứng biếng ăn ở trẻ em như sau:
- Tập cho trẻ thói quen ăn đúng giờ và nên cho trẻ ăn cùng bữa với gia đình
Không nên cho trẻ ăn trước thứ gì trước bữa ăn chính và cũng nên thông báo với trẻ trước bữa ăn từ 10 - 15 phút rằng đã sắp đến giờ ăn. Đặc biệt, tạo không khí vui vẻ trong bữa ăn để trẻ ăn ngon miệng và thích thú hơn.
- Chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ
Chia nhỏ khẩu phần ăn và chia thêm cả những bữa phụ đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng.
- Cho con ăn nhẹ bằng những thực phẩm tốt cho sức khỏe của bé
Những loại trái cây tươi, bánh ít ngọt… đều có thể dùng cho bữa phụ của trẻ.
- Không ép buộc trẻ ăn, không la mắng khi trẻ không muốn ăn
Trong trường hợp muốn cho trẻ ăn món ăn mới, hãy cho trẻ ăn vào bữa sáng, tập cho trẻ làm quen, ăn từ từ, dần dần từng chút một.
- Tạo thực đơn đa dạng, trang trí đẹp mắt, thu hút trẻ
Nên có ít nhất một món ăn mà bé thích trên mâm cơm. Khuyến khích trẻ ăn tất cả những món ăn có trên bàn ăn với một tâm lý vui vẻ nhất.
- Trong bữa ăn, không cho trẻ uống quá nhiều nước
Việc uống quá nhiều nước khi ăn sẽ khiến bé no bụng, không còn hứng thú với món ăn. Ngoài ra, các bố mẹ cũng nên hạn chế cho trẻ uống sữa đêm vì có thể sẽ gây ảnh hưởng tới bữa sáng hôm sau.
- Cho bé tham gia nấu ăn cùng
Tùy vào từng độ tuổi có thể phân việc cho trẻ. Khi trẻ được tham gia cùng chúng thường thích thú hơn, mong chờ giờ cơm hơn, hào hứng hơn rất nhiều.
- Hạn chế thời gian xem tivi, xem máy tính, điện thoại của trẻ
Điều này rất cần thiết, dứt trẻ ra khỏi những thiết bị điện tử thông minh, tập trung vào những trò vận động sẽ tăng khả năng tiêu thụ năng lượng và cần trao đổi chất nhiều hơn. Trẻ nhanh đói hơn.
- Nên khuyến khích trẻ tự ăn
Để trẻ tự xúc đồ ăn vừa giúp trẻ khám phá thêm những điều mới, hứng thú hơn với bữa cơm.
- Hãy luôn đảm bảo một bữa ăn đủ dinh dưỡng
Một bữa ăn luôn đảm bảo đủ chất, các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể cũng sẽ giúp bé có hứng thú với bữa ăn hơn. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu kẽm như thịt bò, thịt gà, cá và các loại rau có màu xanh đậm cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu ăn của trẻ.
- Cho trẻ vận động thể chất đầy đủ
Hãy cho trẻ vận động thường xuyên, chạy bộ, nhảy dây, đuổi bắt, đá banh… tiêu thụ năng lượng tích tụ, bé vui vẻ hơn, thích thú hơn và cũng sẽ tốt cho chứng biếng ăn.
Đối với những trẻ biếng ăn do mắc phải bệnh lý, các trường hợp đặc biệt khác cần có ý kiến của các bác sĩ chuyên gia về cách xử lý. Ngoài ra, bất cứ lúc nào bố mẹ lo lắng “trẻ biếng ăn uống thuốc gì” hay “trẻ biếng ăn phải làm sao”... hay những nghi ngờ về sức khỏe của bé thì nên đưa bé tới gặp bác sĩ chuyên khoa, có những chẩn đoán chính xác và cách xử lý phù hợp nhất, tốt nhất cho bé.