Theo chị Trang, tất cả các lý do khiến con biếng ăn đều nằm ở các mẹ, chứ không phải là ở con.
Có một em bé biết “ăn cả thế giới”, tự dùng thìa/ đũa chén sạch mỗi bữa ăn hay ngon lành gặm nhấm đến chút thịt cuối cùng của một 1/2 con tôm hùm, chị Lương Thùy Trang (23 tuổi, hiện đang sống ở Hà Nội) đã từng phải nghe không ít lời phán xét kiểu như “con chị dễ nuôi, chị nói cái gì chả đúng”.
Thế nhưng, ít ai biết để có được một em bé như thế, người mẹ đã vất vả luyện rèn, kiên trì thế nào. Và cách chị Thùy Trang đanh thép lật ngược lại vấn đề đã khiến cho những lời phán xét khi xưa trở thành... quê cục.
Clip bé Mon chén sạch con tôm hùm khiến các mẹ vô cùng thích thú, ngưỡng mộ.
Loạt câu hỏi “Vì đâu con biếng ăn?”
Trước khi nói về bé dễ nuôi hay khó nuôi, chị Trang đưa ra loạt câu hỏi khiến các mẹ giật mình thon thót. Bởi đó là những lỗi cơ bản nhất của mẹ khiến con biếng ăn.
“Mẹ có chắc chắn rằng con không ăn, không uống, không ti mẹ, không ăn vặt, đến bữa mời ăn nhất định không ăn 3-4 ngày liền. Mà con vẫn chạy nhảy ầm ầm không biết mệt hay không?”
“Các mẹ bảo các mẹ đã tôn trọng nhu cầu của con, không ăn nữa thì không ép. Vậy sau giờ ăn mẹ có bù sữa vì xót con không? Có cố nài thêm vài ngụm sữa không? Có cho con ăn vặt cái bánh, cái kẹo, tí hoa quả hay hộp sữa chua không?”
“Con không uống sữa các mẹ có dũng cảm cất ngay bình sữa đi và mặc kệ con không? Hay sẽ cầm bình theo nài cố được ngụm nào thì cố?”
“Mẹ có tôn trọng các kỳ biếng ăn sinh lý của con hay không? Hay thấy con đang ăn tốt rồi đùng cái không ăn, mẹ lại lo sốt vó lên ép ép nài nài, xong đi tìm đủ mọi loại cốm men kích ăn?”
“Mẹ có giờ giấc sinh hoạt đều đặn và phù hợp cho con chưa?”
“Đêm các mẹ có cho ti đêm liên tục không?”
“Ngày con ti có đúng bữa đúng cữ không? Hay thích lúc nào ti lúc đó?”
Chị Trang luôn đổi món, chế biến hấp dẫn, ngon lành từng bữa ăn của con.
“Lượng sữa con ăn có quá nhiều không?"
“Các cữ ăn có quá dày không?”
“Mẹ nấu đã ngon chưa? Đã hợp khẩu vị con chưa?”
“Mẹ đã cung cấp đúng dạng thực phẩm cho con chưa?”
“Con đã được ăn theo đúng cách con thích chưa?”
“Mẹ đã từng ép con ăn, quát nạt đánh đập con trong bữa ăn hay chưa?”
“Mẹ có dụ ti vi điện thoại, đi rong cho con ăn cố hay không?”
“Mẹ đã đưa con đi xét nghiệm kiểm tra vi chất hay chưa?”
“Mẹ đã để con được đói đúng cách chưa?”
Chị Trang tin rằng chỉ cần trả lời được loạt câu hỏi trên, các mẹ sẽ có thể biết được chính xác nguyên nhân con biếng ăn. Đương nhiên phát hiện ra nguyên nhân thì sẽ có cách giải quyết và điều cần nhất sau đó là mẹ phải kiên trì.
Tóm gọn của vấn đề, là dù cho con có không chịu ăn, nhưng đến giờ ăn hay giờ sữa, mẹ cũng phải chuẩn bị đồ cho con. Ăn ít hay không ăn mẹ có thể dẹp đi, chứ không phải là “khóa trái tủ lạnh” để mặc con cứ thế đói.
Hai mẹ con chị Trang và bé Mon.
Bình tĩnh cùng con xuống dốc rồi lại lên dốc trên hành trình ăn dặm
Bé Mon hiện tại được 16 tháng tuổi đã có thể ăn uống rất tốt, nhưng kết quả này hoàn toàn không phải được duy trì từ khi bắt đầu đến hiện tại. Bé Mon được mẹ cho ăn dặm theo phương pháp BLW vì bé không hợp tác với kiểu truyền thống và kiểu Nhật.
Giai đoạn 8-9 tháng, bé chỉ nhai và nhả mà không chịu nuốt, kéo dài 1 tháng. Từ 9 tháng, bé dù bắt đầu nuốt, nhưng lượng ăn không nhiều. Thậm chí có những giai đoạn con không ăn cơm, không ăn rau, chỉ ăn mỗi thịt.
Nhưng kiên trì đi qua mỗi giai đoạn, chị Trang lại được hưởng quả ngọt khi con vui vẻ ăn uống trở lại. Và hiện tại, chị nói vui là con “ăn như thần lợn nhập”, còn phải phanh bớt lại. Bí quyết của chị Trang hoàn toàn nằm trong mấu chốt của những câu hỏi mà chị đã đặt ra ở bên trên. Từ khi mang thai, chị đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu về ăn dặm và chuẩn bị sẵn sàng tinh thần thép để cho con một hành trình ăn dặm thật khoa học.
Các nguyên tắc của chị Trang được chia sẻ lại: “Đến bữa mẹ chỉ việc nấu và dọn lên cho con các món ăn đầy đủ các món ăn đầy đủ các nhóm chất. Ăn gì, ăn bao nhiêu là việc của con. Con không ăn, mẹ vui vẻ mời con ra khỏi ghế. Mẹ vui vẻ ngồi ăn phần của mẹ cho con nhìn.
Luôn có một giờ ăn uống và sinh hoạt ổn định cho con. Đúng bữa mới cho ăn, đúng giờ mới uống sữa. Cắt ăn vặt, không bù sữa (đến giờ uống sữa thì cho uống, nhưng không ép con uống nhiều hơn hoặc cho con uống nhiều hơn để bù vì con ăn ít).
Mẹ chưa bao giờ cáu gắt quát nạt hay đánh con trong bữa ăn. Dù nhiều lúc rất điên người nhưng vẫn phải bấm bụng nhịn. Cần nghiêm khắc thì mặt mẹ sẽ nghiêm túc, không cười cợt nhưng cũng không tức giận với con”.
Bé Mon luôn được mẹ cho khám phá, thưởng thức đồ ăn theo cách của riêng mình.
Theo chị Trang, câu nói “Trẻ con làm gì biết đói là gì đâu?” mà các mẹ thường thốt ra là điều rất vô lý. Bởi nếu một đứa trẻ không biết đói, đẻ ra sẽ chẳng bao giờ oe oe đòi sữa mẹ. Khoảng nửa ngày không cho ti, trẻ sẽ khóc ngằn ngặt ra. Vậy nên trẻ hoàn toàn biết đói, chứ không phải là không biết gì.
Những lần bé Mon bị ốm, không ăn gì, chị vẫn bình tĩnh cho con nhịn. “Nhiều mẹ hỏi mình con ốm không ăn để con đói lả ra thì chính xác là vậy. Con mình ốm, không muốn ăn, mình hoàn toàn tôn trọng con. Con không ti mẹ, mẹ cũng chiều con, không ti đêm.
Nhưng chỉ được khoảng 1 ngày 1 đêm là con gào rú lên để được ăn. Dù đau con cũng cố nín đau mà nuốt cầm hơi, không ăn được nhiều cũng cố gắng ăn một chút chứ bản thân con không bao giờ để con đói đến kiệt sức”.
Mọi mấu chốt vấn đề nên bắt đầu từ mẹ
Đó là điều mà chị Trang đúc rút lại qua việc quan sát rất nhiều cặp mẹ con và trải qua trên hành trình cùng con ăn dặm.
“Khi mẹ đã tránh tất cả những điều trên rồi, nhưng lượng ăn của con không nhiều. Thì mình lại xin hỏi các mẹ là: “Đối với các mẹ thế nào là đủ? Ăn đủ với con hay đủ với mẹ? Nhu cầu cơ thể con chỉ cần đến thế thì sao mẹ cứ ép phải đủ theo nhu cầu của mẹ làm gì?”.
Về bản chất tất cả các nguyên tắc về ăn uống chỉ nhằm mục đích cho các con ăn ĐỦ, ăn VUI, ăn trong SUNG SƯỚNG. Chứ không phải ăn theo khoa học là để nhằm mục đích con ăn được NHIỀU. Mẹ ăn nửa bát cơm mẹ đủ năng lượng làm việc 1 buổi. Bà hàng xóm ăn 3 bát cơm thì đến bữa sau bà cũng phải nạp năng lượng tiếp để làm việc cơ mà. Sao mẹ cứ phải ép con ăn nhiều hơn mức con cần?”.
Hãy cho con những ngày tháng vui vẻ đúng nghĩa và mẹ có một hành trình ăn dặm trong hòa bình với con.
Chị Trang cũng chia sẻ, chị chứng kiến có đứa trẻ 4 tuổi rồi vẫn ăn cháo, mẹ phó mặc cho bác giúp việc ép con 1 bát cháo trong 2 tiếng đồng hồ không xong. Hay có những mẹ tuân thủ nguyên tắc nấu cháo cho con như bỏ nguyên khúc cá sống, gạo, rau và đổ nước vào nấu cho con.
Nhưng vẫn lên mạng than thở: “Ngày nào cũng đổi món mà con không chịu ăn". Lại có mẹ bảo rằng: “Con không ăn cơm thì đành cho bé ăn bánh kẹo ăn vặt, không đói quấy nhèo nhẹo, mà con chỉ đòi bánh kẹo thôi”, “Ôi bé không ăn cơm đâu, nên chị đành ép cố tí sữa, cơm cháo chả ăn nhưng sữa ngày hết cả lít”. Cũng có mẹ con hơi ọ ẹ là nhét ti vào miệng, hở ra là thấy ngậm ti, đêm ti liên tục, xong lại than: “Ôi con tôi biếng ăn, không chịu ăn gì cả”...
Tất cả những vấn đề trên, khi nhắc lại mẹ chắc chắn đều nhận ra bản chất vấn đề, nhưng lại thường ngó lơ đi mà không tìm cách khắc phục triệt để. Các mẹ phần lớn chỉ biết nói “Nhưng”, “Do”, “Tại vì”...
Theo quan điểm của chị Trang, nhiều mẹ lí luận rằng “3 năm đầu đời là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và trí não. Mẹ không quan tâm lượng ăn của con, thế con ăn ít, không ăn, thì lấy gì để phát triển?”, thực chất là mẹ lại càng hiểu sai vấn đề.
Mẹ biết nguyên tắc vậy rồi thì cần phải tìm hiểu và cho con cách ăn đúng, để con biết đói, biết quý trọng đồ ăn chứ hoàn toàn không phải là bắt ép con phải ăn bằng mọi giá. Mẹ cần nuôi dưỡng kỹ năng ăn uống chủ động cho con. Khi con có nề nếp ăn uống tốt rồi, con sẽ ăn đủ theo đúng nhu cầu của cơ thể để phát triển được.
Cuối cùng, chị Trang cho rằng có thể cách nói thẳng của chị khiến nhiều mẹ khó chịu, mất lòng hay thậm chí bất đồng quan điểm. Nhưng chị muốn các mẹ nhận ra việc mình cần phải thay đổi để có thể cùng con bước trên hành trình ăn dặm một cách nhẹ nhàng, bình thản hơn.
Tuổi thơ của con qua đi rất nhanh, giai đoạn ăn dặm cũng vậy, hãy xây dựng từng đoạn đời thật đẹp và thật vui cho con.