Trẻ bị sốt siêu vi thường biểu hiện rõ ở thân nhiệt, mắt và da.
Sốt siêu vi là một bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ thường xảy ra vào lúc thời tiết chuyển mùa. Bố mẹ cần theo dõi bé cẩn thận để đề phòng các biến chứng xảy ra.
Nội dung bài viết bao gồm:
Sốt siêu vi là gì?
Tổng hợp các triệu chứng sốt siêu vi ở trẻ
Cách điều trị khi trẻ bị sốt siêu vi
Cách phòng ngừa sốt siêu vi cho trẻ
SỐT SIÊU VI LÀ GÌ?
Sốt siêu vi là chẩn đoán dùng chung cho những trường hợp bé bị sốt do nhiễm các loại siêu vi khác nhau.
Sốt siêu vi là thuật ngữ chỉ các loại sốt do virus gây ra. (Ảnh minh họa)
Các loại virus gây bệnh thường gặp nhất là:
- Rhinovirus: Khi bị nhiễm rhinovirus bé sẽ có các dấu hiệu cảm lạnh như nghẹt mũi, sổ mũi, đôi khi bị viêm tai, viêm phổi, viêm xoang hoặc hen suyễn, viêm phế quản.
- Adenovirus: Đây là virus gây cảm lạnh, viêm họng và đôi khi viêm phổi ở trẻ em. Bệnh có thể bùng phát thành dịch.
- Coronavirus: Virus gây ra các triệu chứng như cảm lạnh.
- Virus cúm A, B, C: Các virus này là nguyên nhân gây ra cúm A, B, C ở trẻ nhỏ.
- Virus hợp bào hô hấp: RSV gây ra viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ em, cảm lạnh ở người lớn và viêm phổi ở người cao tuổi.
- Virus Echo và Coxsackie: Các virus này gây bệnh “cúm mùa hè”, Bornholm, tay-chân-miệng, sốt phát ban.
TỔNG HỢP CÁC TRIỆU CHỨNG SỐT SIÊU VI
Sốt siêu vi có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại siêu vi bé mắc phải. Sau đây là những triệu chứng phổ biến do sốt siêu vi gây ra:
Sốt cao là dấu hiệu phổ biến của sốt siêu vi. (Ảnh minh họa)
- Sốt cao: Trong các trường hợp sốt siêu vi, bé thường bị sốt cao từ 38 đến 39 độ C, đôi khi nhiệt độ có thể lên cao đến 41 độ C.
- Nhức đầu: Sốt siêu vi cũng gây ra các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, quay cuồng do tuần hoàn máu diễn ra mạnh và các mạch máu bị căng ra. Bé sẽ mệt mỏi, ngủ li bì, mắt sưng húp và mặt sưng phù. Trong một số trường hợp bé có thể vẫn tỉnh táo dù bị đau đầu.
- Viêm đường hô hấp: Khi bị sốt siêu vi bé thường có các triệu chứng viêm đường hô hấp như đau họng, cổ họng sưng đỏ, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi…
- Nôn mửa: Nôn cũng là một dấu hiệu phổ biến khi bị sốt siêu vi.
- Viêm kết mạc mắt: Sốt siêu vi khiến mắt bé bị đỏ, lờ đờ và chảy nước mắt.
- Phát ban: Sau 2 đến 3 ngày nhiễm bệnh bé sẽ bị phát ban.
- Rối loạn tiêu hóa: Nếu bé bị sốt siêu vi do nhiễm các loại virus đường tiêu hóa thì có thể gây ra tình trạng tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng.
- Đau nhức mình: Cơ thể đau nhức là một triệu chứng thường thấy khi bé bị sốt siêu vi. Đối với các bé nhỏ chưa biết nói thì bé sẽ hay quấy khóc vì khó chịu, mệt mỏi. Đôi khi bé bị nhiễm virus có thể bị viêm thoái hóa khớp, viêm hông tạm thời. Bé sẽ đi lại khập khiễng, bị đau hông, đau đầu. Trong các trường hợp này bố mẹ cần cho bé đi khám để được theo dõi.
- Nổi hạch: Đầu, cổ, mặt của bé có thể xuất hiện các hạch sưng to, đau có thể sờ thấy rõ.
- Khó thở: Bé sẽ thở khò khè, thở gấp hoặc khó thở.
- Mất cảm giác thèm ăn: Sốt siêu vi cũng khiến bé không muốn ăn, ăn kém hay bỏ ăn.
- Co giật: Với các bé dưới 5 tuổi sốt siêu vi có thể gây ra tình trạng co giật.
Khi bé bị sốt siêu vi bố mẹ cần theo dõi sát sao để đề phòng các biến chứng nghiêm trọng.
CÁCH ĐIỀU TRỊ SỐT SIÊU VI
Bé bị sốt siêu vi thường sẽ khỏi bệnh sau 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không điều trị sớm thì bệnh có thể biến chứng thành viêm phế quản phổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé. Sốt siêu vi do virus gây ra nên hầu hết chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng.
Các biện pháp bố mẹ có thể áp dụng tại nhà để điều trị sốt siêu vi bao gồm:
- Hạ sốt: Sốt cao có thể gây nguy hiểm cho bé nên bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên. Khi bé bị sốt cao bố mẹ có thể sử dụng thuốc hạ sốt cho bé. Hãy nhớ hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé uống bất kì loại thuốc hạ sốt nào. Khi cho bé uống thuốc hạ sốt bố mẹ nhớ cho bé mặc đồ thoáng mát, không đắp chăn.
- Lau người bằng khăn ấm: Mẹ chuẩn bị một chiếc khăn bông và một bát nước ấm. Để bé nằm trong phòng nhiệt độ thích hợp. Sau đó dùng khăn bông đã nhúng nước ấm nhẹ nhàng lau cơ thể cho bé.
- Uống nhiều nước: Sốt cao có thể khiến bé bị mất nước, rối loạn cân bằng điệng giải. Vì vậy mẹ nên cho bé uống nhiều nước và uống thêm dung dịch bù điện giải như oresol.
- Vệ sinh sạch sẽ: Bố mẹ chống bội nhiễm cho bé bằng cach vệ sinh sạch sẽ, nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Mẹ nên cho bé ăn các loại thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, đa dạng và giàu chất dinh dưỡng. Cho bé ăn nhiều rau, củ, quả để tăng cường vitamin.
- Cách ly bé: Sốt siêu vi có khả năng lây lan cao vì vậy nên cách ly bé khi bé bị bệnh.
Khi bé có dấu hiệu sốt cao trên 38,5 độ hoặc mệt mỏi, li bì, biếng ăn hoặc sốt kéo dài trên 5 ngày thì bố mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
CÁCH PHÒNG NGỪA SỐT SIÊU VI
Để phòng ngừa sốt siêu vi bố mẹ nên thực hiện các biện pháp sau:
- Tiêm chung vắc xin phòng ngừa các loại virus phổ biến mỗi năm.
- Hạn chế cho bé đến những nơi đông người khi có dịch sốt siêu vi.
- Không cho bé tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh chân tay và tai mũi họng sạch sẽ.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng.
ThS.BS. Đinh Thạc (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, những điều nên tránh khi chăm sóc trẻ bị sốt: - Không nên ủ ấm, mặc nhiều lớp quần áo cho trẻ khi trẻ đang sốt. - Không nên dùng nước đá lạnh để lau máu hạ sốt cho trẻ. - Không nên pha rượu, cồn hoặc dấm vào nước để lau mát cho trẻ. - Tuyệt đối không được sử dụng Aspirin để hạ sốt vì có thể gây tổn thương cho não của trẻ (hội chứng Reye). - Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát tích cực… mà trẻ vẫn không hạ sốt, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ điều trị thích hợp hơn. - Ngoài ra, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi: trẻ dưới 2 tháng tuổi bị sốt trên 380C; trẻ lừ đừ, ngủ li bì; trẻ bị nôn tất cả mọi thứ; trẻ bị co giật hoặc bị sốt kèm tay chân lạnh run; trẻ bú kém, bỏ bú hoặc bỏ ăn; trẻ không uống được bất cứ thứ gì; trẻ nhỏ có thóp trước (mỏ ác) phồng lên; trẻ có dấu hiệu cổ cứng; trẻ có dấu hiệu xuất huyết; nổi chấm đỏ trên da, chảy máu cam, chảy máu lợi, ói ra máu, đi tiêu phân đen như bã cà phê hoặc những trẻ có biểu hiện lừ đừ, tím tái, tay chân nhớp lạnh. |