Với những bí quyết dưới đây, đảm bảo chỉ sau 1 tuần bé nhà bạn sẽ tự giác ngồi vào bàn và xúc ăn khi cảm thấy đói.
Tại Việt Nam các bác sĩ nhi khoa thường đưa ra lời khuyên trẻ sơ sinh nên được bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau sinh. Sau 6 tháng trẻ cần được bổ sung sữa công thức và bắt đầu quá trình ăn dặm để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho quá trình phát triển của cơ thể.
Tuy nhiên, ở một số nước khác như Pháp, hầu hết các bà mẹ đã bắt đầu tập cho con ăn dặm dần ở thời điểm cuối 4 tháng tuổi và đầu 5 tháng tuổi. Điều đó cũng hoàn toàn có cơ sở bởi tùy vào từng cơ địa của mỗi bé tại thời điểm đó nếu bé phát triển bình thường và có dấu hiệu đòi ăn thì có thể bắt đầu giới thiệu thực phẩm ăn dặm. Tuy nhiên, điều này cũng cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ để tránh xảy ra trường hợp không mong muốn.
Ảnh minh họa.
Đối với hầu hết tất cả các bé, khoảng thời gian ăn dặm không hề dễ dàng. Lúc này, bé bắt đầu học cách hình thành một kĩ năng mới là nhai và tiếp xúc với những thức ăn thô (không chỉ là nước và sữa như hồi mới ban đầu). Vì thế, phản xạ của bé sẽ là không mấy hợp tác với mẹ trong chuyện ăn uống và mẹ thường xuyên phải ép.
Dưới đây là một số bí quyết giúp con tự giác ăn uống không cần mẹ ép được các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa nêu ra, các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
Đừng quá quan trọng bữa ăn của con
Ăn dặm đầu đời là những tháng ngày quan trọng trong quá trình ăn uống của con nhưng mẹ không nên tạo đó làm áp lực cho cả mẹ và con. Rất nhiều người khi thấy con có những biểu hiện lười ăn là cuống cuồng đọc sách, tìm hiểu nghiên cứu rồi mỗi ngày áp dụng một biện pháp cho con ăn. Thậm chí còn sử dụng những thực phẩm đắt tiền.
Tuy nhiên mẹ có biết, tất cả mọi thứ thuận theo tự nhiên là cách phát triển nhanh và tốt nhất, miễn là mẹ không quá xuề xòa, bỏ bê con là được.
Một số người còn chia sẻ rằng, họ thậm chí còn... bỏ đói con vài tiếng để bé biết được cảm giác đói và cần phải ăn là như thế nào. Như thế bé sẽ dần hình thành ý thức mỗi lần đói là nhu cầu tự nguyện ăn chứ không cần phải bắt buộc.
Thi thoảng cho bé đói một lúc để biết được cảm giác thèm ăn như thế nào. Ảnh minh họa
Thực phẩm tốt nhất là những thực phẩm thông thường
Theo như chia sẻ ở trên, hầu hết thực phẩm có trong cuộc sống hàng ngày mà người lớn hay dùng đều rất tốt cho trẻ nhỏ. Mỗi thực phẩm bổ sung một loại chất dinh dưỡng khác nhau. Chính vì thế, thay đổi và cho con ăn đa dạng các thực phẩm khác nhau ở mỗi bữa là được, không nhất thiết phải đặt mua những thực phẩm đắt tiền, nhập ngoại, nếu không biết rõ nguồn gốc xuất xứ có thể gây hại cho con.
Những ngày tháng đầu tiên ăn dặm của bé cũng không nhất thiết phải là thực phẩm loãng, có thể cho ăn rau củ, trái cây và tăng độ thô dần cho đến phần tinh bột. Những thực phẩm này cần được chế biến thật chín mềm và cắt dài vừa đủ độ cầm của bé.
Cho con tự xúc ăn cũng chính là cách để tự bé điều chỉnh độ thức ăn vào trong cơ thể. Nếu thấy lượng thức ăn mà con ăn vào chưa đủ, mẹ có thể khuyến khích nhẹ nhàng bé ăn thêm.
Cho con ăn cùng gia đình
Đây là một cách nhanh nhất dạy cho con tính tự giác. Trẻ nhỏ học hỏi những điều diễn ra xung quanh cực nhanh, thậm chí tốt hơn người lớn. Vì thế, nếu mẹ cho con ngồi vào bàn ăn như người lớn đang thực hiện, đối xử với con như một người bình thường, không cần ê a, nuông chiều, lâu dần bé sẽ tự ý thức được việc mình cần làm là ăn để no. Ngoài ra, khi được tự cầm thìa, dĩa xúc ăn bé sẽ sớm làm quen hơn cảm giác tự nguyện.
Đối với những bữa ăn phụ của bé, mẹ có thể cho con ngồi vào ghế ăn tự bốc hoặc xúc để ăn và đi làm việc khác.
Nếu những bữa ăn đầu bé còn lúng túng chưa biết phải ăn như thế nào, mẹ và mọi người có thể làm mẫu cho con. Vừa làm mẫu vừa trò chuyện bằng cả miệng và ánh mắt thân thiện để bé hiểu được rằng ăn là một cảm giác hạnh phúc.
Tạo tâm lý thoải mái và tránh tiếng ồn
Vừa cho con ăn vừa dùng điện thoại để dỗ dành bé là cách làm sai lầm. Ảnh minh họa
Không một ai hoàn thành tốt công việc nếu bị bắt buộc và có tâm lý căng thẳng. Việc ăn đối với con nhỏ cũng vậy.
Ngoài ra, lựa chọn điện thoại, tivi, máy tính hay đồ chơi làm vật để bắt buộc con ăn là một cách hoàn toàn sai lầm của một số bà mẹ. Lâu dần sẽ tạo cho bé thói quen "nếu được thỏa mãn yêu cầu mới ăn". Và lúc đó bé sẽ chỉ chăm chú vào thứ đồ chơi, tivi, điện thoại mà quên mất ăn cũng là một nhu cầu cấp thiếp. Lúc đó mẹ sẽ phải ngồi xúc cho con ăn từng thìa.
Hướng dẫn bé tự giác trong các công việc khác
>>> Xem thêm: Bé chậm nói, mẹ phải làm sao? |
Để hình thành thói quen tự xúc ăn, tự giác ăn khi đói mẹ cần phải giúp con tự giác trong tất cả các công việc khác. Như thế là hình thành thói quen và ý thức cho con.
Tự đi vệ sinh, tự mặc quần, tự giữ gìn vệ sinh cá nhân.... là những cách giúp bé tự làm chủ được bản thân mình. Đừng làm giúp bé những việc mà bé có thể, như thế càng làm tăng cảm giác ỷ lại của trẻ.
Chúc các bậc cha mẹ thánh công.