Rốn trẻ sơ sinh sau 7 đến 10 ngày chào đời sẽ tự rụng. Tuy nhiên nếu rốn bé có mùi hôi xuất hiện kèm dịch có thể là dấu hiệu của việc nhiễm trùng, mẹ nên lưu ý.
1. Vì sao rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi?
Bé sơ sinh ở trong bụng mẹ nhận dưỡng chất và oxy qua nhau thai, được gắn vào thành tử cung của mẹ. Nhau thai nối với bé bằng dây rốn. Sau khi chào đời, dây rốn của bé sẽ được kẹp và cắt phần dây rốn nối với mẹ.
Thời gian để dây rốn khô và rụng là từ 7 đến 10 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu mẹ không giữ vệ sinh sạch sẽ cho bé thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào rốn bé gây ra nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng rốn sẽ dẫn đến cuống rốn có mùi hôi.
Sau 7 đến 10 ngày rốn bé sơ sinh sẽ tự rụng. (Ảnh minh họa)
Rốn bé sơ sinh có mùi hôi có thể là biểu hiện của các bệnh sau:
Viêm rốn: Nếu rốn bé sơ sinh có mùi hôi cộng thêm các dấu hiệu sưng, chảy mủ và lâu rụng thì đó là biểu hiện của viêm rốn. Bé có thể bị sốt nhẹ, hay khóc. Khi này mẹ nên vệ sinh sạch sẽ cho bé bằng oxy già, thay băng hàng ngày. Tốt nhất mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để chữa trị.
Nhiễm khuẩn rốn: Nếu rốn bé sơ sinh rụng muộn, ướt và hôi kéo dài, sau một thời gian sưng phù có mủ thì rốn bé có thể đang bị nhiễm khuẩn. Trường hợp nghiêm trọng có thể khiến toàn thân bé sưng phù, chướng bụng và tiêu hóa rối loạn.
Hoại tử rốn: Trước hoặc sau khi nhiễm khuẩn rốn, bé có thể bị hoại tử rốn. Triệu chứng của hiện tượng này là rụng rốn sớm, rốn bé sưng đỏ rồi chuyển sang tím bầm. Rốn bé bị chảy mủ, đôi khi kèm theo máu. Trong trường hợp này mẹ cần đưa bé đi cấp cứu ngay vì bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Viêm mạch máu rốn: Mạch máu rốn bao gồm động mạch và tĩnh mạch. Hai mạch máu này giúp vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ đến bé khi bé chưa chào đời. Sau khi sinh, các mạch máu này cũng cần thời gian để xơ hóa và biến mất. Nếu mẹ không vệ sinh sạch sẽ rốn cho bé thì vi khuẩn có thể thâm nhập sâu bên trong mạch máu gây ra tình trạng viêm nhiễm.
2. Rốn trẻ sơ sinh có mùi hôi có sao không?
Rốn khỏe mạnh sẽ có phần lỗ rốn và cuống rốn khô, sạch sẽ và không bị chảy dịch. Một số bé sơ sinh có thể có một ít dịch ướt màu nâu trước và sau khi rụng rốn. Dịch này có mùi lạ nhưng mẹ không cần quá lo lắng nếu hiện tượng này không đi kèm với triệu chứng sưng đỏ và bé vẫn ăn ngủ bình thường.
Nếu bé sơ sinh chưa rụng rốn mà phần rốn có mùi hôi kéo dài, dịch tiết ra nhiều và lâu khô thì mẹ cần phải đưa bé đi khám bác sĩ vì bé có thể đang bị nhiễm trùng rốn.
3. Cách vệ sinh rốn cho bé
Khi rốn bé chưa rụng, mẹ không được làm ướt rốn bé khi tắm. (Ảnh minh họa)
Để đảm bảo an toàn cho rốn bé, mẹ cần thực hiện các biện pháp vệ sinh sau đây cho đến khi rốn bé rụng:
- Mẹ cần giữ cho dây rốn bé sạch và khô. Khi gấp tã cho bé mẹ cần tránh phần rốn. Điều này giúp cho phần rốn bé được lưu thông và ngăn ngừa tiếp xúc với nước tiểu.
- Cho bé tắm bằng nước đun sôi để nguội. Khi tắm tránh làm ướt phần rốn bé. Mẹ không nên tắm bồn cho bé vì dễ khiến rốn bị ướt.
- Không nên băng rốn cho bé vì sẽ khiến rốn bị bí bách, ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Nếu thời tiết ấm áp, mẹ cho bé mặc quần áo mỏng để phần rốn được thoáng mát, nhanh khô.
- Tránh mặc quần áo cho bé quá chật.
- Để rốn rụng tự nhiên.
- Mẹ không sử dụng cồn y tế để làm sạch rốn của bé. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ từng khuyên làm sạch phần cuống rốn bằng cồn y tế. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng để tự nhiên thì rốn bé sẽ nhanh lành hơn và ít có rủi ro viêm nhiễm hơn. Thay vào đó mẹ có thể dùng bông y tế tiệt trùng nhúng nước sạch để rửa cho bé. Tuy nhiên mẹ phải chấm thật nhẹ nhàng, không làm mạnh tay.