Những lối mòn nào đang lặp lại ở Việt Nam của show thực tế "ế khách" này?
Đất nước khai sinh ra cuộc thi Cặp đôi hoàn hảo với tên gọi đúng chuẩn - Just the two of us chỉ theo dõi chương trình này có... 2 mùa. Người dân nước Anh đã chán chờ đợi để thấy các ngôi sao không chuyên cất tiếng hát trên kênh BBC từ năm 2007. Trong khi người Mỹ thậm chí không biết đến sự tồn tại của show truyền hình này.
Một show truyền hình quy tụ người nổi tiếng thể hiện tài năng ở lĩnh vực không chuyên là ca hát có phần kém hấp dẫn khi chính khán giả cũng có thể làm ban giám khảo đánh giá được ai giỏi, ai kém. Hơn nữa, đây được coi là cuộc đua "ngầm" của các ca sỹ không phải về giọng hát mà phụ thuộc vào thế lực và yếu tố may mắn. Thí sinh không thể chiến thắng nếu có bạn cùng cặp hát dở tệ và cuộc đua bày tỏ sự thiếu tính công bằng ở chỗ đó.
Một cặp đôi mùa đầu tiên của bản gốc Just the two of us.
Ngược lại, Bước nhảy hoàn vũ (Dancing with the stars) vẫn là show truyền hình hấp dẫn trên toàn cầu, vì ở đây các ngôi sao được thi đúng với tài năng và thực lực của mình chứ không bị chi phối bởi cái bóng quá lớn của một... bạn nhảy.
Cùng đặt Cặp đôi hoàn hảo 2013 lên... "bàn mổ" để xem những lối mòn nào đang lặp lại ở phiên bản Việt Nam của show truyền hình "ế khách" này?
Lạm dụng yếu tố thương mại
Yếu tố quảng cáo trên truyền hình là điều cần thiết, bởi khán giả đang được phục vụ hoàn toàn miễn phí, thế nên người trả "tấm vé" cho khán giả thưởng thức chính là nhà tài trợ. Sẽ dễ dàng chấp nhận nếu đơn vị tài trợ của các show truyền hình thực tế biết lựa chọn cách quảng cáo văn minh, thay vì ép khán giả uống... dầu gội đầu hay ăn mì vì kinh tế khó khăn như một số show truyền hình hiện tại.
Tiết mục cảm động đến mấy, CĐHH mất... hoàn hảo vì mời khán giả ăn mì.
CĐHH 2013 là một minh chứng điển hình cho việc lạm dụng quảng cáo quá mức. Lần đầu tiên có một đơn vị tài trợ là một nhãn hàng mì gói. Vì thế nhà sản xuất không thể bắt thí sinh lúc nào cũng cầm điện thoại trên tay, hay ban giám khảo liên tục uống nước ép trái cây như các show trước đây. Cho nên cách mà CĐHH 2013 lựa chọn có vẻ rất tổng hợp: bắt các thí sinh ăn mì trong một năm, cho ca sỹ mặc đồ làm từ bao bì mì gói và phát biểu về việc ăn mì, tặng một cặp mì bằng vàng...
Bộ trang phục bất hủ của Cặp đôi hoàn hảo 2013.
Chưa hết, sân khấu của CĐHH cũng phải làm nổi bật tên nhãn hàng ở ngay chính giữa. Chính điều này khiến khán giả... phát ngán, phát sợ khi giữa đêm mùa hè nóng bức vẫn phải hình dung một tô mì nghi ngút khói đang lan tỏa khắp sân khấu. Người xem có quyền tắt tivi khi "bị ép" xem những thương hiệu đang cố ý "đập vào mắt" họ chẳng dễ chịu chút nào.
Xung đột liên tiếp nổ ra
"Không cãi nhau không phải Cặp đôi hoàn hảo" đã trở thành câu slogan quen thuộc trên mặt báo khi nhắc đến show truyền hình này. Khi cuộc đua chưa diễn ra, ai cũng cảm thấy vui vẻ, phấn khởi. Nhưng cứ hễ có người bị loại, hoặc cặp nào đó bị cho điểm kém là y như rằng hôm sau sẽ... có ý kiến bất bình trên báo.
Cái ôm hòa giải của Lưu Thiên Hương và Mỹ Lệ.
Những gương mặt nổi tiếng vì phát ngôn gây "sốc" tại CĐHH 2013 phải kể đến: NSƯT Kim Oanh, Thảo Trang, Cát Phượng, Phan Đinh Tùng và Mỹ Lệ. Những xung đột liên tiếp nổ ra từ liveshow này qua đêm thi khác, dù rằng trên sân khấu, những người trong cuộc vẫn ôm ấp nhau đầy tình cảm, nhưng ở ngoài họ sẵn sàng công kích nhau. Một số trường hợp còn có cả sự "tranh luận" của... người nhà thí sinh cũng vào cuộc với đầy bực tức, khó chịu.
"Tôi sẽ thắng nếu chơi công bằng", "Tôi không bao giờ phục nhận xét của Lê Hoàng" hay "... nông cạn đến tội nghiệp" là những phát ngôn mới nhất xoay quanh chương trình, dù rằng mùa thi đã kết thúc với kết quả được sự đồng tình của đại đa số công chúng. Thế mới biết showbiz Việt phức tạp đến nhường nào và làm giám khảo thì không hề dễ.
Ban giám khảo, MC bị... chê
Một show truyền hình với những điểm số được ngầm hiểu như sau: điểm 8 là kém, điểm 9 là bình thường, còn điểm 10 là tốt, và các giám khảo chỉ quanh đi quẩn lại ba mức điểm này vô tình tạo cảm giác nghi ngờ về trình độ và sự công tâm của giám khảo trong con mắt người xem.
Giám khảo Just the two of us không có chuyện "sợ" thí sinh.
Nhưng như đã nói, vị trí giám khảo cũng vô cùng áp lực, nhất là với những vị "thảo mai" như Lê Minh Sơn hay Lưu Thiên Hương - luôn luôn cho điểm cao để đỡ mếch lòng các thí sinh lão làng. Lê Hoàng mặc dù luôn luôn bị ném đá, bị các thí sinh "ghét", bị giới chuyên môn tỏ ra "xem nhẹ", nhưng nếu không có anh, đây sẽ trở thành show truyền hình không phân biệt thắng bại vì tiết mục nào cũng quá... hoàn hảo!
Lê Hoàng là vị giám khảo duy nhất có chính kiến riêng?
Chỉ tính riêng trong đêm chung kết với phần thi của 3 cặp đôi, các giám khảo đã 20 lần giơ bảng điểm 10, 14 lần cho điểm 9 và chỉ có 2 lần bảng điểm 8 xuất hiện. Hai điểm 8 hiếm hoi cũng chính là của đạo diễn Lê Hoàng dành cho tiết mục của Thanh Thúy - Dương Triệu Vũ và tiết mục của cặp Khương Ngọc - Mỹ Lệ.
Cặp đôi "làm dâu trăm họ" Trấn Thành - Vy Oanh.
Cặp MC Trấn Thành - Vy Oanh cũng tạo nên nhiều sự tranh cãi trên các diễn đàn. Trấn Thành thì thường cố gắng "cứu nguy" bạn diễn nhưng cũng đành lực bất tòng tâm vì Vy Oanh quá "hồn nhiên" và hay quên lời, ngoài ra cô nàng này còn thường xuyên "được" lên báo với những màn nói hớ, nói nhịu. Tuy nhiên, cũng giống như áp lực của những người cầm cân nảy mực, vị trí MC cũng chịu nhiều "soi xét" của khán giả và thật khó để có thể làm hài lòng tất cả mọi người.
Kết quả dễ đoán trước
Việc thường xuyên dẫn đầu trong các đêm thi với điểm số cao chót vót so với các cặp đôi còn lại, cộng với việc giữ gìn hình ảnh "sạch" trong suốt quá trình thi, cặp đôi Dương Triệu Vũ - Thanh Thúy lên ngôi "hoàn hảo" là điều hiển nhiên.
Dương Triệu Vũ - Thanh Thúy vô địch vì quá... an toàn!
Điều này cũng giống như ở CĐHH 2012, khi cặp Đoan Trang - Trấn Thành luôn giữ khoảng cách rất xa so với các đội còn lại. Thế nên yếu tố mà khán giả quan tâm chỉ còn là việc tìm xem ai sẽ là quán quân, ai sẽ đoạt giải 3. Việc tạo dựng hình ảnh quá... hoàn hảo về một cặp đôi vô tình làm cho khán giả cảm thấy nhàm chán, thay vì coi đây là một cuộc đua ngang tài ngang sức giữa nhiều đội chơi với kết quả tưởng như bất phân thắng bại.
Nhiều cặp đôi không cần thi đã biết mình bị loại ngay từ đầu, như Quang Hào - Kim Oanh hay Thùy Linh - Hoàng Hải. Bớt ngờ hiếm hoi của mùa thi năm nay là việc dừng bước quá sớm của cặp đôi Thảo Trang - Thuận Việt vốn được nhiều khán giả rất yêu thích.
Thời lượng quá dài
Có tất cả 10 đêm thi CĐHH 2013, dài hơn mùa đầu tiên 2 liveshow với số lượng cũng nhiều hơn 2 cặp đôi. Như vậy, số sao Việt tham gia một mùa CĐHH lên tới 20 người, điều này khiến cho khán giả dễ bị phân tán sự tập trung, khó lòng nhớ mặt hết tất cả và tìm được người mình yêu thích ngay từ những vòng đầu.
Quá nhiều ngôi sao xuất hiện tại CĐHH 2013 vô tình làm "loãng" chương trình.
Chất lượng các thí sinh cũng chưa đồng đều, khi có những ngôi sao gạo cội thi thố cùng đàn em mới vào nghề như Mỹ Lệ đấu với Hà Thúy Anh, hay việc nghệ sĩ chưa bao giờ cầm mic hát trên sân khấu như Kim Oanh khó lòng sánh được với diễn viên có kiến thức chuyên môn, thậm chí còn biết sáng tác như Khương Ngọc... Chính điều này tạo nên sự bất công cho một số cặp đôi. Vì yếu tố "hoàn hảo" ở đây không phải do tài năng hay được rèn luyện mà thành, đúng hơn phải dùng khái niệm "bản năng" và sự may mắn để cấu thành nên hai chữ nghe chẳng mấy liên quan - "hoàn hảo".
Mùa Cặp đôi hoàn hảo 2013 cuối cùng cũng qua đi, những tưởng sẽ... trả lại yên bình cho khán giả, thế nhưng những người trong cuộc vẫn tiếp tục "gây bão" trên mặt báo. Xem ra các sao nên rút kinh nghiệm, tìm hiểu kỹ về sân chơi mà mình có nguy cơ "bị dìm" trước khi quyết đinh tham gia. Nhà sản xuất cũng nên "lọc máu" toàn bộ những điểm trừ nói trên nếu như không muốn bị khán giả ngoảnh mặt làm ngơ thay vì kêu... "mệt" như ở mùa giải năm nay.