Sau 15 năm làm biên tập viên truyền hình, nhà báo Kim Ngân bất ngờ rẽ hướng sang một địa hạt mới: Viết kịch bản phim truyền hình. Lý do thì có nhiều và chị không dối lòng rằng, sự thay đổi ấy còn xuất phát từ cuộc sống riêng của chị không còn tròn vẹn như xưa, khi mà “cái tổ” của “người xây tổ ấm” đ
Nhà báo Kim Ngân (ảnh nhân vật cung cấp).
Vì không muốn lên hình
Đang là một biên tập viên nổi tiếng của chương trình “Người xây tổ ấm”, “Chuyện đêm muộn”, “Không thể lãng quên”, “Rubic 8”... vì sao chị rời bỏ để chuyển sang viết kịch bản phim cho Đài Truyền hình Việt Nam vậy?
- Có nhiều lý do lắm. Khi mà bạn có một kho tàng giàu có về các câu chuyện qua mười mấy năm làm truyền hình thì phải nghĩ cách để “đào bới” nó. Thứ hai là sức khỏe của tôi không còn đủ để đi nhiều như trước. Tôi chọn viết kịch bản cũng là để không phải lên hình nữa. Ngay từ khi về Đài Truyền hình Việt Nam, việc lên hình là rất khiên cưỡng với tôi. Việc đó làm tôi phải chỉn chu trong ăn mặc, trang điểm nữa, mà con người tôi thì vốn thích sự đơn giản.
Không học truyền hình và bắt đầu với nó khi đã 30 tuổi, nhưng rồi chị vẫn trở thành một nhà báo giỏi. Giờ cũng có thể hình dung rằng, dù là “tay ngang” với nghề viết kịch bản thì chỉ vài phim nữa thôi là chị sẽ lại nổi tiếng?
- Tôi vào nghề chẳng giống ai cả, mọi thứ đều như học sinh vỡ lòng. Ở kịch bản đầu tay, đạo diễn Đỗ Thanh Hải chấp nhận để cho tôi nghĩ gì viết nấy, đuổi theo nhân vật của mình. Và từ ngày ấy, tôi luôn là “học trò” có ý thức học hỏi cao – như lời nhận xét của đạo diễn Đỗ Thanh Hải. Tôi đã hoàn thành một số lượng kịch bản kha khá. Nếu suôn sẻ, năm nay sẽ có 2 kịch bản của tôi được dựng phim với 2 ê kíp đạo diễn khác nhau. Bây giờ, việc viết kịch bản có vẻ hợp với tôi vì ít nhất là tôi có thể đi cả tháng mà không phải cuống cuồng chạy về nhà đúng lịch để lên hình nữa.
Có mối liên hệ nào không khi kịch bản đầu tiên mà chị thực hiện lại có tên là “Ngoại tình” (sau đó được đạo diễn đổi thành “Mưa bóng mây”- PV)?
- Mối liên hệ thì có nhiều lắm. Từng ấy năm theo đuổi “Người xây tổ ấm” là hàng ngàn những câu chuyện gia đình éo le, phức tạp, nhiều niềm vui nhưng cũng không ít nước mắt. Trong “Mưa bóng mây”, ai cũng thấy một chút nhà mình trong ấy, tôi cũng vậy. Dù bạn có mong muốn cháy lòng cho một hạnh phúc trọn vẹn nhưng mấy ai được ông trời chiều hết. Cuộc sống gia đình khó có thể nói sẽ yên ấm mãi được. Với bản thân mình, tôi xem chuyện đó cũng nhẹ nhàng lắm, hết duyên với nhau rồi thì thôi. Mình không phải là một bà vợ đảm nên chả trách được ai.
Đôi khi, gia đình tan vỡ không phải do người vợ hay người chồng không tốt. Chị nghĩ sao về nhận định này?
- Điều ấy đúng với gia đình tôi đấy. Một người đàn ông thông minh, giỏi giang, lịch thiệp, yêu vợ chiều con, có trách nhiệm với gia đình, kiếm ra tiền. Một người phụ nữ không giỏi việc nhà nhưng hết lòng vì chồng con và luôn có ý thức hoàn thiện mình. Không ai xấu phải không? Nhưng còn bao nhiêu thứ xung quanh bạn nữa, cuộc sống bận rộn và đầy áp lực, thời gian dành cho nhau ít dần, sự chia sẻ thiếu vắng do điều kiện, những cạm bẫy của thời hiện đại giăng ra khắp nơi…
Sự bình yên đồng nghĩa với nhàm chán
Chị là người giữ chuyên mục “Người xây tổ ấm”, từng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, liệu có phải “dao sắc không gọt được chuôi”?
- Bạn có biết rằng, những người tư vấn rất giỏi lại là những người cực kỳ vấp váp trong cuộc đời không? Vì họ phải trải qua rồi thì mới tư vấn được tốt và trúng như thế. Người có gia đình tròn trịa mà nói về giữ gìn hạnh phúc thì tôi không tin đâu. Với tôi cũng vậy, nếu để tư vấn cho ai đó, tôi có thể nói “ngon lành” và khuyên họ biết vị tha, biết chăm lo cho gia đình nhiều hơn... nhưng đó chỉ là lời tư vấn cho đẹp lòng xã hội. Câu bạn hỏi cũng chính là cái khó của tôi. Khán giả vẫn nhìn nhận rất áp đặt rằng, nếu tôi là MC chương trình “Người xây tổ ấm” thì tôi đương nhiên phải là người mẫu mực. Điều đó làm tôi cảm thấy không ổn. Nhưng mình không thể trách dư luận vì họ mong muốn và yêu cầu như thế thì mới “xây tổ ấm” cho người khác được. Chính vì vậy mà tôi rời xa chương trình đó. Viết kịch bản thì tôi có thể là bất cứ ai mà không phải băn khoăn gì cả.
Chị nói nhiều về thiếu sót của bản thân, vậy sao chị không khắc phục nó để không dẫn đến chia tay?
- Tôi không phải là người vừa giỏi nghề, vừa chu toàn gia đình và nấu ăn ngon. Đó là thiếu sót của tôi. Nhưng thiếu sót ấy không phải là lớn khi tôi rất biết cách sắp xếp mọi việc gia đình ổn thoả. Thiếu sót lớn nhất của tôi là khắt khe quá và không khoan nhượng nổi những vấp váp của đàn ông. Khắc phục thiếu sót ấy, theo bạn, có dễ không?
Tôi nhớ có một đồng nghiệp của chị từng phát biểu rằng, nếu phải lựa chọn giữa gia đình và công việc thì cô ấy sẽ nghiêng về gia đình. Đã có khi nào chị nghĩ như thế?
- Tôi cho đó là cách lựa chọn tiêu cực. Vấn đề là ở chỗ, điều gì xảy ra trong gia đình khiến bạn không muốn chọn? Ở thời điểm đó, tôi không muốn chọn gì cả. Chọn gia đình thì phải quên đi mọi chuyện đã qua, chọn công việc thì phải khoác lên mình bộ mặt cười giả tạo... Mọi thứ ấy quá sức của tôi. Tôi chọn thứ dễ hơn là lẩn vào một góc nào đó để viết. Ít ra thì tôi cũng phải sống cho mình chứ. Bao năm làm việc như trâu, cũng uốn lượn khéo léo để gia đình bớt sóng gió. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, nếu bạn mất đi thứ gì quý thì bạn sẽ được thứ khác quý hơn. Nếu tôi cứ kéo lê cái gia đình mà tôi đã mất niềm tin, mất sự tôn trọng như thế thì ai bảo tôi sẽ hạnh phúc? Và ai bảo tôi sống một mình, mỗi năm con cái về được một lần sẽ không hạnh phúc? Nói chung, làm như thế nào để mình cảm thấy ổn nhất, thoải mái nhất thì đó là đúng. Điều day dứt với tôi đó chính là những đứa con, dù chúng có lớn thế nào, có vị tha đến đâu thì tôi vẫn luôn cảm thấy mình có lỗi là đã không giữ được gia đình như chúng muốn.
Nếu còn “duyên muộn”, chị có mở lòng đón nhận hạnh phúc mới không?
- Tôi chưa nghĩ đến chuyện đó mà đang thích tận hưởng cuộc sống hơn. Công việc viết kịch bản không mất nhiều thời gian lắm vì tôi viết khá nhanh. Thời gian còn lại thì tôi đi du lịch, kinh doanh. Rảnh thì ra quán bia hơi dỏng tai lên nghe đàn ông hùng hồn bày tỏ quan điểm về vợ con, gia đình, lấy chất liệu cho những kịch bản gia đình sinh động. Tôi là người thích cuộc sống luôn chuyển động- cho dù sóng gió- chứ không thích sự bình yên. Với tôi, bình yên đồng nghĩa với sự nhàm chán. Sắp tới, có thể tôi sẽ thử sức với những cái mới, ví dụ như viết chuyện vụ án chẳng hạn.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!.
Nhà báo Kim Ngân chia sẻ: “Duy trì một “gia đình” đủ 4 người, xuất hiện cùng nhau, thiên hạ nhìn vào thấy có vẻ như hạnh phúc, người đàn bà kia vẫn “có chồng”... đó là cách nhiều phụ nữ vẫn đang chịu đựng, mặc dù mỗi cuối ngày lê bước về nhà là thấy mình trống rỗng. Tôi đã không chọn cách như thế nữa vì tôi biết, đã đến lúc tôi cần sống cho chính bản thân mình. Để có sự chọn lựa ấy thật không dễ dàng gì, bởi vì tôi là một trong những người “nổi tiếng””. |