Đã qua 2 mùa thi, các tiết mục ca hát luôn chiếm ưu thế tại Vietnam’s Got Talent.
Giữa thời bùng nổ các cuộc thi trên truyền hình để tìm kiếm tài năng âm nhạc, các tiết mục ca hát vẫn chiếm số lượng lớn tại một sân chơi tổng hợp – Tìm kiếm tài năng Vietnam’s Got Talent. Qua 2 mùa thi, quá nhiều các tiết mục ca hát khiến khán giả… “phát ngán”, dù rằng số người trở thành “hiện tượng âm nhạc” sau sân chơi này chỉ đếm trên một bàn tay.
Phải chăng Got Talent là một cơ hội rộng mở với những ai yêu thích “hát cho vui” vì dễ thi, ít đối thủ so với các cuộc thi chuyên nghiệp khác, hay vì nguồn tài năng đang ngày một khan hiếm, cạn kiệt giữa thời nhà sản xuất phải “giành nhau” để có đủ thí sinh thi truyền hình thực tế?
Dễ lên truyền hình vì… ít đối thủ?
Hai mùa Got Talent mỗi năm có 4 tiết mục lọt vào đêm chung kết xếp hạng, và năm nào cũng có đến 3 phần thi là ca hát. Nhiều khán giả cho rằng Vietnam’s Got Talent đang quá dễ dãi với âm nhạc trong khi bản thân nhà sản xuất và các thí sinh thừa hiểu tài năng ca hát ở đây khó lòng sánh được với Vietnam Idol, Giọng hát Việt… Mỗi thí sinh lọt vào đêm chung kết cũng chỉ có 3 màn trình diễn ở các vòng trước để chinh phục người nghe, chừng ấy thời gian liệu có đủ để chương trình tìm kiếm và đào tạo những tài năng âm nhạc mới cho đất nước?
Chung kết xếp hạng Vietnam's Got Talent luôn có 3/4 tiết mục là ca hát.
Có thể nhận thấy một điều là Vietnam’s Got Talent chỉ tuyển chọn những thí sinh gần như… vô danh để tham gia dự thi năng khiếu ca hát. Thế nên hầu hết tất cả những gương mặt đến với show tài năng này đều chưa từng trải qua một cuộc thi âm nhạc nào khác. Cũng chính vì tiêu chí “hàng độc” mà các thí sinh được cầm mic hát trên sân khấu Got Talent đa phần là dân “nghiệp dư”, bởi những người xác định gắn bó lâu dài với nghiệp cầm mic sẽ chọn lựa các cuộc thi chuyên biệt về âm nhạc.
Dễ thấy thí sinh thi hát tại Got Talent có thể phân chia thành 3 nhóm: nhóm tài năng thiên bẩm, nhóm dễ chiếm thiện cảm của công chúng và nhóm có hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó, quân át chủ bài của nhà sản xuất bao giờ cũng nằm trong nhóm thứ 2, nhóm thứ nhất để tăng chất lượng cho chương trình và nhóm còn lại nhằm thu phục sự chú ý của khán giả.
Hương Thảo và Hữu Kiên chinh phục khán giả bằng tài năng hát Opera xuất chúng.
Đại diện cho nhóm thí sinh đi thi hát tại Got Talent bằng tài năng đích thực chính là Hương Thảo với tài năng hát Opera – Á quân mùa đầu tiên và chàng luật sư Trần Hữu Kiên – quán quân Vietnam's Got Talent mùa thứ 2. Với Hữu Kiên, chẳng những sở hữu giọng hát hiếm người có mà theo lời bật mí của nhạc sỹ Đức Trí là anh có thể “chạm” tới những nốt cao ngang với Mỹ Linh.
Sự hiện diện của những nhân tố mới như Hữu Kiên, Hương Thảo đem lại cả “chất” và “lượng” cho chương trình, nhất là khi bước lên bục vinh quang, chẳng ai có thể chê trách tài năng của họ. Nhưng nếu đặt Hữu Kiên hay Hương Thảo vào một cuộc thi khác – Giọng hát Việt, xét trên mọi phương diện, chưa chắc họ đã có thể tỏa sáng đến thế. Đơn giản là vì tìm được một tài năng xuất chúng như Hữu Kiên, Hương Thảo tại sân chơi không chuyên Got Talent thật chẳng dễ chút nào.
Võ Trọng Phúc và Kiều Anh chẳng những hát hay, chơi đàn giỏi mà còn có ngoại hình đẹp.
Nhóm thứ 2 vốn dĩ xuất hiện trên truyền hình là để hấp dẫn công chúng, phải kể ngay đến những cái tên: Võ Trọng Phúc, Kiều Anh. Ở họ có một điểm chung là ngoại hình rất bắt mắt, dễ mến cộng với một chút tài năng là đã có thể tỏa sáng ở Got Talent. Ngoài ra, chương trình cũng dành sự ưu ái đăng biệt cho các ca sỹ nhí: Tri Giao, Thanh Trúc (mùa 1), Ngọc Anh, Đức Anh (mùa 2) để hấp dẫn lứa tuổi thiếu nhi và cả các bậc phụ huynh. Lợi thế một phần cũng là bởi ở tuổi các em ít có cuộc thi ca hát nào phù hợp trên truyền hình tính đến thời điểm này.
Quyết Thắng và Phương Anh là những thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt.
Nhóm thứ 3 – những người có hoàn cảnh đặc biệt khi đi thi ca hát sẽ rất được chú ý. Tại VGT, công chúng được biết đến Dương Quyết Thắng – chàng trai không có hai cánh tay, chàng trai khiếm thị Trần Văn Thương, cô bé xương thủy tinh Phương Anh hay Vũ Khánh Vân – cô gái bị bệnh bạch tạng sở hữu giọng hát trong veo. Không phủ nhận họ phải có tài năng thì mới được xuất hiện trong show truyền hình này, nhưng nếu để xét một cách công bằng thì một số thí sinh giọng hát không phải xuất chúng vẫn được tiến sâu hòng chiếm cảm tình và lấy đi nước mắt của khán giả.
Với cả 3 nhóm trên, suy ra một công thức Got Talent chính là “miền đất hứa” của những tài năng xuất chúng nhưng vẫn còn vô danh, bạn có thể mặc sức đi thi mà không lo sức ép từ các đối thủ như nhiều cuộc thi khác. Nếu có lợi thế về ngoại hình, tuổi tác hoặc có hoàn cảnh đặc biệt thì lại càng được chú ý. Xem ra con đường tìm kiếm tài năng âm nhạc tại Got Talent cũng không quá gian nan, tấm vé lọt vào vòng bán kết, chung kết luôn có số lượng nhiều hơn các tài năng khác.
Đường dài mới biết sức ngựa
Mặc dù có nhiều tấm vé được trao cho các tài năng âm nhạc, nhưng điểm lại những tên tuổi im đậm trong lòng khán giả nhờ tiết mục ca hát trên sân khấu Vietnam’s Got Talent không nhiều. Hình tượng thành công nhất đến thời điểm này có lẽ là thầy giáo Võ Trọng Phúc và chàng luật sư Trần Hữu Kiên – những “tay ngang” trong âm nhạc.
Chiến lược của nhà sản xuất dành cho các thí sinh ca hát xuyên suốt quá trình thi không được dài hơi và bài bản, bởi mỗi người chỉ đứng trên sân khấu trung bình 2 đến 3 tiết mục, người lọt vào đêm chung kết xếp hạng mới được hát đến lần thứ 4. Chừng ấy thời gian không đủ để khán giả thỏa mãn với tài năng của họ, nhất là nếu so sánh với các cuộc đua âm nhạc dài hơi đến nửa năm trời. Vì thế, nếu chọn Got Talent làm bàn đạp cho sự nghiệp âm nhạc lâu dài là một điều hết sức liều lĩnh, thậm chí là con số 0 vì đây là cuộc thi mang tính chất giải trí nhiều hơn yếu tố chuyên môn.
Got Talent chấp cánh ước đam mê hát cho mọi lứa tuổi.
Vietnam’s Got Talent mùa thứ 2 bị đánh giá là nhạt nhẽo, thiếu muối chính bởi không có nhiều tài năng xuất chúng ở các lĩnh vực mới, không có scandal nổi cộm để “vớt vát”, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là hát, hát và hát. Nhà sản xuất hẳn ý thức được họ không thể cạnh tranh với sân chơi âm nhạc chuyên biệt, nhưng tại sao vẫn luôn dang rộng vòng tay chào đón những người muốn trở thành ca sỹ? Liệu có phải nguồn tài năng đủ để biểu diễn dài lâu trên sân khấu đang ngày một khan hiếm, nhất là khi không ai vẽ một bức tranh, thổi một bài sáo đến vài lần?
Không riêng gì Got Talent, nhiều thí sinh là người chiến thắng của các cuộc thi âm nhạc cũng rơi vào trạng thái “hẫng” sau khi kết thúc mùa thi. Danh hiệu là thứ duy nhất đọng lại, họ phải tự mình xoay sở đủ mọi công việc để tồn tại được trong giới showbiz. Thế nên khó mà dám chắc những ca sỹ gắn mác “Got Talent” có thể sống mãi trong lòng khán giả, nhất là khi nhiều người trong số họ đến với sân chơi này chỉ vì thích ca hát, muốn được thử sức với tinh thần “vui là chính”.
Vietnam's Got Talent không giới hạn độ tuổi của các thí sinh muốn thể hiện tài năng ca hát, từ bà cụ 74 tuổi đến cô bé 8 tuổi đều công bằng như nhau. Không thể phủ nhận cơ hội vàng mà Got Talent đem lại, chỉ mấy mươi giây cất tiếng hát trên truyền hình thôi cũng có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời bạn.
Susan Boyle mãi là biểu tượng âm nhạc thành công của Got Talent.
Hiện tượng Susan Boyle của Britain’s Got Talent là một ví dụ, chỉ sau một đêm cô được nhiều người trên toàn thế giới biết đến. Nữ ca sỹ 52 tuổi mặc dù không giành ngôi vị quán quân nhưng vài phút trên truyền hình cũng đủ để cuộc đời Susan Boyle sang một trang mới sau nhiều năm nghèo khổ, thất nghiệp. Mặc dù sau cuộc thi, cô không có nhiều hoạt động trong âm nhạc nhưng cho đến nay, Susan Boyle vẫn được coi là biểu tượng thành công hiếm hoi của chương trình này.
Nếu là người có tài năng âm nhạc, chẳng tội gì không tham gia Vietnam's Got Talent để thử sức mình hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ với mọi người. Nhưng nên nhớ sân chơi này cũng đầy khắc nghiệt nếu thí sinh vô tình lọt vào tầm ngắm của nhà sản xuất để trở thành “quân át chủ bài” hút khán giả chỉ vì một phút sơ sểnh nào đó. Còn nếu nói đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc đích thực, có lẽ thời gian sẽ đem đến câu trả lời chính xác hơn là vài phút biểu diễn ngắn ngủi của thí sinh với những lời tâng bốc, suýt xoa ngọt lịm mà cũng dễ dàng chìm vào quên lãng.