Câu chuyện về cuộc đời của Yến lay động cả những khán giả khó tính nhất.
Cuộc đời của Yến do đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ thực hiện là một ca lạ ở làng phim điện ảnh Việt Nam thời hiện tại. Không như nhiều bộ phim khác, Cuộc đời của Yến chẳng có xung đột cao trào, phim lại càng không chứa đựng những tình tiết ướt át, ủy mị hay lãng mạn, ngọt ngào. Cuộc đời của Yến đơn giản chỉ là bộ phim kể về những thăng trầm trong cuộc đời của Yến - một cô bé nông thôn xinh xắn, hồn nhiên phải về nhà chồng từ lúc 10 tuổi. Xoay quanh từng biến cố mang đậm hơi thở cuộc sống, Yến từng bước trưởng thành và trở thành một người phụ nữ đảm đang, nhân hậu.
Cuộc đời của Yến chắc chắn không phải là một bộ phim đơn thuần chỉ để giải trí, phim chứa đựng khá nhiều tư tưởng nhăn văn, thể hiện một phần đời sống người dân miền Bắc. Mở đầu phim, tình tiết tập trung miêu tả về thời thơ ấu của Yến và Hạnh (chồng của Yến). Với bối cảnh là một làng quê Bắc Bộ những năm giữa thế kỉ trước, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đề cập tới vấn đề tảo hôn khá phố biến của người Việt thời xưa. Đó là việc hứa hẹn hôn ước, áp đặt con cái theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” để rồi khi cưới về thì cô dâu vẫn ngủ với mẹ chồng, còn chú rể vẫn mãi mê với những trò chơi con nít.
Yến lấy chồng từ năm 10 tuổi và chưa biết thế nào là cuộc sống hôn nhân.
Câu chuyện cô bé Yến lấy chồng khi mới 10 tuổi phần nào giúp khán giả thấy được những quan niệm lạc hậu mà người Việt đã từng trải qua. Ngoài vấn đề tảo hôn, đạo diễn cũng đã đề cập tới sự phân biệt đối xử trong xã hội thời xưa - chỉ có con trai mới được học chữ còn con gái thì không. Tuy nhiên, phim cũng mang đến cảm xúc dạt dào khi khéo léo lồng ghép những tình tiết tươi vui, hồn hậu về lối sống của người dân miền Bắc những ngày vẫn còn nhiều thiếu thốn.
Đến đoạn Yến - Hạnh vào tuổi cập kê, những chi tiết đắt giá quanh mối tình nảy nở của cả hai khiến khán giả không khỏi nao lòng. Chỉ cần 1 ánh mắt, nụ cười cũng đủ làm cho đôi trẻ say trong tình yêu tuổi mới lớn. Và khi tình yêu hòa cùng tình nghĩa vợ chồng, Yến - Hạnh bắt đầu xây dựng một cuộc sống hôn nhân với 3 đứa con kháu khỉnh, thông minh. Trong lúc hạnh phúc tưởng chừng viên mãn, Yến bất ngờ đón nhận từng cơn sóng dữ ùa vào nhà.
Hạnh bị cách chức ở hợp tác xã vì nỗi hàm oan tham lạm của công, gia đình đồng thời cũng phải bán hết đồ đạc để trả món nợ khá lớn. Từ đó, Hạnh thối chí làm ăn, bắt đầu nghĩ tới chuyện đi vùng kinh tế mới và cặp kè với người phụ nữ khác. Yến sau đó cũng bị đặt trong tình cảnh ngặt nghèo, bị chồng bỏ rơi mà vẫn phải nặng mang trọng trách nuôi dưỡng 3 đứa con nhỏ đang vào tuổi ăn tuổi học.
Yến trưởng thành và làm mẹ của 3 đứa con nhỏ.
Cách Cuộc đời của Yến đưa ra tình tiết rồi giải quyết nó mang đậm hơi thở đời thường. Không đao to bứa lớn như nhiều bộ phim khác, Cuộc đời của Yến chỉ đơn giản để cho nhân vật được sống với đúng lương tâm và đạo nghĩa ở đời. Yến - người phụ nữ bị chồng bỏ rơi vì quê mùa, dốt nát đã mạnh mẽ đứng dậy, trở thành chỗ dựa vững chắc cho các con. Yến ngày ngày đi làm, tối đến lại chong đèn học chữ. Yến không buông bỏ niềm tin về đạo nghĩa vợ chồng, mà trái lại cô tự thay đổi bản thân, gồng mình lên học chữ để không còn bị cái dốt vẩn quanh nữa.
Và khi Yến thay đổi chính mình, cuộc sống quanh cô cũng có nhiều khác lạ. Từ một người phụ nữ quanh năm chỉ biết bếp núc, ruộng vườn, Yến nay có thể đọc chữ, bốc thuốc chữa bệnh cho con. Yến làm người xem kinh ngạc vì nghị lực phi thường. Yến có rơi nước mắt nhưng lại không bi quan, ủy mị. Các tình tiết Yến khóc trong phim chỉ càng làm người xem cảm thương cho cô, một phụ nữ vì quá yêu chồng mà chấp nhận thay đổi bản thân. Điều này, nói ra thì dễ nhưng trong thực tế cuộc sống chẳng mấy ai có đủ dũng khí để làm!
Nét đẹp dung dị toát ra từ nhân vật Yến đã được diễn viên Thúy Hằng khắc họa trọn vẹn. Cái hay ở đây là Yến đã làm sống lại những phẩm chất quý giá của người phụ nữ. Sự thủy chung, son sắt “không đem mây mưa đánh đổi đá vàng” của Yến càng làm cho bộ phim có giá trị hơn. Từ cách nhân vật Yến hành xử, bài học về tình yêu và hôn nhân cũng được chuyển tải một cách rõ ràng. Khi người đàn ông mắc phải lỗi lầm, thay vì nặng lời mắng chửi, cách người phụ nữ tha thứ và bỏ qua còn có giá trị hơn bất cứ ngôn từ nào.
Yến chưa từng thôi nỗ lực học tập.
Ở Cuộc đời của Yến, ai cũng là nhân vật chính diện, chẳng có ai là nhân vật phản diện, độc ác đến mức khiến khán giả ghét cay ghét đắng. Cuộc đời của Yến chọn cách xây dựng nhân vật với góc nhìn đa chiều, không lẩn quẩn, nhập nhằng phản diện - chính diện. Từ người chồng mang tiếng phụ bạc Hạnh (Lâm Tùng) cho đến cô kế toán Lanh (Minh Hương) biết người ta đã có vợ mà vẫn đắm đuối lao vào. Nhân vật nào trong phim cũng có câu chuyện, cũng có bước chuyển biến tâm lý làm người xem thấu hiểu và sẻ chia. Lối khắc họa nhân vật này càng làm bộ phim mang đậm hơi thở đời thường và nhân văn hơn cả.
Một điểm sáng đáng quan tâm nữa là Cuộc đời của Yến đã làm thỏa mãn người xem bởi những cảnh quay đẹp mắt và nhạc phim du dương, lắng đọng. Giống như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến tận dụng tối đa mảng xanh tươi mát trong loạt cảnh quay về đồng quê. Đạo diễn 27 tuổi Đinh Tuấn Vũ khéo léo lồng ghép hình ảnh, âm thanh xuyên suốt 107 phút của bộ phim. Nếu như không có sự hỗ trợ đắc lực này, Cuộc đời của Yến sẽ khó lòng gây được cảm xúc cho khán giả. Cách chọn lọc hình ảnh, âm thanh tinh tế làm bộ phim thêm phần giá trị. Cộng với lớp tình tiết có sức lay động lòng người, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đã thực sự tạo ra một Cuộc đời của Yến đẹp cả về nội dung lẫn hình thức.
Những năm gần đây, nền điện ảnh nước nhà liên tục chứng kiến những bước chuyển mình đầy ngoạn mục từ các đạo diễn trẻ. Và với Đinh Tuấn Vũ cùng Cuộc đời của Yến, sẽ lại là một nốt thăng đáng trân trọng. Nốt thăng này đánh dấu bước đi tiên phong, mở đường cho những sự sáng tạo, tìm tòi có giá trị hơn trong tương lai. Khi mà văn hóa thưởng thức của đại bộ phận công chúng ngày một tăng cao, cần lắm bàn tay chung sức để cổ vũ, động viên cho những người trẻ tuổi.