Dustin Nguyễn: Không biện minh nếu Lửa Phật thất bại

Ngày 25/08/2013 19:30 PM (GMT+7)

"Tôi là đạo diễn, phải gánh vác hết mọi đánh giá hay dở về bộ phim".

Từ những gì bản thân đã trải qua và đã vượt qua, Dustin Nguyễn nói anh muốn chuyển tải vào nghệ thuật, chia sẻ với cộng đồng và tin rằng nghệ thuật có thể tạo nên những năng lực rất khác

- Anh có bị "sốc" khi phim Lửa Phật bị chê nhiều?

Làm phim thì luôn luôn phải chấp nhận lời khen tiếng chê. Tôi cũng từng bị chê tan nát với vai diễn trong phim Cánh đồng bất tận nhưng không sao, nếu sợ thì đã không làm rồi. Bản thân tôi cũng tự biết điểm mạnh điểm yếu của mình là gì. Thật tình là rất khó nói trước được điều gì về công chúng điện ảnh Việt, có phim bị báo chí chê lại có doanh thu cao và ngược lại.

Dustin Nguyễn: Không biện minh nếu Lửa Phật thất bại - 1
Dustin Nguyễn vào vai chính kiêm đạo diễn trong phim Lửa phật.

- Hơn 5 năm ấp ủ dự án, hằng tháng trời rong ruổi làm phim trong điều kiện khắc nghiệt, khi xem lại phim, anh có điều gì tiếc nuối?

Tôi tiếc là phải cắt quá nhiều để câu chuyện gói gọn trong thời lượng 105 phút. Bản dựng đầu tiên là 162 phút, đến lần thứ hai còn 142 phút, tôi hài lòng nhất với bản dựng này. Nhưng cuối cùng cũng phải ngồi lại cân nhắc cắt tiếp nhiều phân đoạn nữa dù biết chắc sẽ ảnh hưởng đến câu chuyện, tâm lý nhân vật. Nhưng tôi là người luôn sẵn sàng chấp nhận thực tế. Chọn lựa là của mình, không ai ép cả nhưng một khi đã lựa chọn thì phải sống chết với nó, phải biết chấp nhận lèo lái mọi thứ trong điều kiện thực tế và cả những tác động của ngoại cảnh.

- Có điều gì đó đã đi sai biểu đồ tưởng tượng của anh khi thực hiện bộ phim này?

Tôi là đạo diễn, phải gánh vác hết mọi đánh giá hay dở về bộ phim. Tôi cũng không muốn đổ lỗi vì lý do này hay lý do kia mà Lửa Phật không được như mong đợi. Nhưng nói đến sự thiếu thốn về kỹ thuật hay điều kiện làm việc khắc nghiệt ảnh hưởng đến phim là chắc rồi. Tôi nghĩ đạo diễn nào cũng sẽ nói như vậy. Sự đòi hỏi của tôi đôi lúc quá tải so với điều kiện của điện ảnh Việt. Ðã có nhiều điều tôi không hài lòng nhưng cũng phải tìm mọi cách để có thể đạt được một kết quả tốt nhất có thể. Nếu không được đến 10 thì cũng là một con số nào đó trong dãy số từ 1 đến 10 vậy.

Dustin Nguyễn: Không biện minh nếu Lửa Phật thất bại - 2
"Tôi không muốn làm phim trong bối cảnh hiện đại".

- Nhưng những gì bị chê không nằm ở điều kiện thực hiện phim. Phim bao quát nhiều thể loại, muốn chuyển nhiều thông điệp nhưng cuối cùng cái gì cũng chưa đạt đến mức đủ tinh tế và đủ chiều sâu. Ðiều này thuộc về tư duy sáng tạo?

Mục đích chính của tôi không phải xây dựng nhân vật anh hùng mà chính là xoáy sâu vào tình cảm gia đình. Khi con người đã phải chiến đấu với quá nhiều sóng gió ngoài đời thì gia đình luôn là cội nguồn bình yên nhất để họ trở về, tựa vào và đủ sức mạnh để đứng lên. Lâu nay, người ta cứ nghĩ người anh hùng phải là những nhân vật phi thường nhưng đôi khi một người đàn ông bình thường chăm lo chu toàn cho gia đình của họ, như nhân vật Hiền của Thái Hòa trên phim, cũng chính là một người anh hùng của đời thường.

Tôi không muốn làm phim trong bối cảnh hiện đại, con người hiện đại bởi nếu như thế phim chỉ đơn giản là một bi kịch của gia đình hiện đại. Tình yêu, hạnh phúc, con người thì cho dù ở thời đại nào, nền văn hóa nào cũng vậy. Tôi muốn đặt nhân vật của mình trong thế giới giả tưởng, và đó cũng là tạo ra một trải nghiệm điện ảnh cho khán giả.

- Có vẻ trải nghiệm về thế giới giả tưởng, sự hoành tráng vẫn chưa đủ khi những cảnh chiến binh huyền thoại chiến đấu bảo vệ đất nước lại được xử lý bằng tranh minh họa…?

Thật sự mà nói, dựng được những đại cảnh chiến đấu đòi hỏi kinh phí rất cao. Ðiện ảnh Việt còn rất non kém, khó có thể bỏ quá nhiều tiền để đầu tư cho những đại cảnh. Có những điều thị trường không cho phép.

Dustin Nguyễn: Không biện minh nếu Lửa Phật thất bại - 3
Dustin Nguyễn trong ngày công chiếu Lửa Phật.

- Cũng chính vì thị trường điện ảnh Việt, với cái gọi là "thị hiếu khán giả" nên các đạo diễn thường chiều lòng người xem bằng cách đan xen nhiều mảng miếng hài khiến nhiều đạo diễn Việt kiều cũng bị nhận định là "xuống tay". Ở Lửa Phật cũng thấy nhiều mảng hài khá "dị ứng"…

Mỗi người có một "gu" thẩm mỹ, hài hước riêng. "Gu" hài của tôi thể hiện trong Lửa Phật có người chấp nhận hoặc là không. Ðó là một sự mạo hiểm của chính tôi khi phim đan xen nhiều chi tiết mà có ý kiến cho là nhạy cảm và không cần thiết. Nhưng đó là cách tôi muốn làm cho phim của mình. Giống như khi tôi chọn ca khúc Sắc màu làm nhạc phim, nhiều người cũng nghĩ rằng tôi lạc đề nhưng bản thân tôi tin mình sẽ tìm được cách phối ca khúc hài hòa với bộ phim. Tôi không ngại mạo hiểm, trường hợp xấu nhất là thất bại hoàn toàn, còn không thì thất bại 7 phần cũng còn lại thành công 3 phần.

Còn bàn về sự "xuống tay" của nhiều đạo diễn Việt kiều khác như lâu nay dư luận đã phán xét, tôi nghĩ người làm nghề buộc phải như vậy nếu muốn tiếp tục làm nghề. Nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ kéo dài mãi.

- Và anh đã chọn chính tâm tư mình cho sáng tạo đầu tiên, khoác lên nó một chiếc áo phim giả tưởng - như hành trình đi tìm chân lý cao xa của nhân vật Ðạo trong phim?

Có thể nói những gì thuộc về bên trong của tôi cũng đã được thể hiện rất rõ nét trong phim Lửa Phật. Những triết lý Phật giáo tôi đã cố gắng áp dụng trong cuộc đời mình. Ðó là điểm tựa cho cuộc sống của mỗi người mà chỉ khi nào gặp sóng gió, chúng ta mới nhận diện được rõ nhất. Hành trình của Ðạo hay những câu nói của nhà sư cũng chính là những thông điệp tôi muốn chia sẻ với khán giả.

Dustin Nguyễn: Không biện minh nếu Lửa Phật thất bại - 4
"Tôi rất tin nghệ thuật có thể tạo nên những năng lực rất khác".

Tôi luôn tha thứ cho mình, cho những thất bại hoặc là sai lầm để có thể tiếp tục sống. Từ những gì đã trải, đã vượt qua, cảm xúc của chính mình tôi muốn chuyển tải vào nghệ thuật, chia sẻ với cộng đồng. Tôi rất tin nghệ thuật có thể tạo nên những năng lực rất khác, dù có thể cảm nhận của mỗi người rất khác nhau.

- Phải chăng sẽ là bình thường nếu Lửa Phật không được đặt quá nhiều kỳ vọng và được thực hiện bởi một ê- kíp "đẳng cấp"?

Tôi hiểu kỳ vọng của mọi người nhưng ở một góc nhìn khác, không phải tôi không tôn trọng khán giả và nghề nghiệp của chính mình mà tôi nghĩ Lửa Phật trước sau gì cũng là một phim giải trí. Ðó giống như là cuộc chơi của một "nhóm người lớn" nhưng thích đặt mình vào thế giới giả tưởng như kiểu trẻ con ngày xưa đã từng làm. Tôi thật sự không tiếc nuối vì mình đã làm hết sức có thể rồi. Tôi nhớ nhất một câu nói của ba tôi (nghệ sĩ Xuân Phát): "Trước sau gì con cũng nên nhớ là con đã làm được những điều mà người khác tưởng là con không làm được". Có khi tôi chỉ cần một câu nói như vậy là đã đủ hạnh phúc. Cho dù không được nhưng mọi người mong đợi, nhưng tôi tin Lửa Phật vẫn là bộ phim đáng xem.

- Có bao giờ anh nghĩ rằng nếu ở lại với Hollywood thì anh sẽ có môi trường, điều kiện làm việc, sáng tạo và phát triển hơn?

Tôi sống ở môi trường Hollywood lâu rồi, trưởng thành từ đó và cũng đã có những thành công nhất định, hiểu rằng kỹ thuật, kỹ xảo và điều kiện làm việc mọi thứ ở đó đều tốt hơn nhưng chưa chắc tôi đã có cơ hội sáng tạo nghệ thuật tốt hơn. Ðó là sự thật. Ðược cái này thì mất cái kia, quan trọng là chọn lựa của mỗi người. Tôi không tiếc nuối những lựa chọn của mình khi quay về Việt Nam, quê hương đã cho tôi mảnh đất rộng hơn để sáng tạo nghệ thuật.

Xin cám ơn đạo diễn Dustin Nguyễn!

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hậu trường showbiz