NSND Lê Khanh nói tiền tài, danh vọng, vật chất chỉ là thứ yếu, không liên quan đến cuộc sống của mình.
Bốn tháng tu nghiệp tại đất nước mặt trời mọc, NSND Lê Khanh lại dành thêm 2 tháng nữa tới Nhật dựng vở mới của mình. Vất vả, khó khăn đến mức nhiều đêm ngồi khóc một mình nhưng Lê Khanh bảo chị rất sung sướng vì đã học được nhiều từ chuyến đi đấy.
Tìm sự chuyên nghiệp
“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” - Lê Khanh nói vậy sau chuyến đi dài. Những tháng ngày ở Nhật để dựng vở rối cổ kết hợp kịch nói “Con vịt trời trúng độc” đã guồng chị vào một quy trình làm việc chuyên nghiệp, không được phép chậm trễ. “Chuyên nghiệp, nghe thì không quá phức tạp nhưng đó là cả một vấn đề. Trước đây, chúng ta đã từng chuyên nghiệp nhưng sự chuyên nghiệp ấy rơi rụng dần vì các nghệ sĩ cứ bằng lòng và tưởng mình vẫn chuyên nghiệp một cách hối hả. Phải đối diện với sự thật là chúng ta không còn chuyên nghiệp nữa” - nghệ sĩ Lê Khanh tâm sự.
Lê Khanh bảo thời gian ở Nhật đã cho chị nhiều bài học đáng giá mà đầu tiên là phải cải thiện nếp làm việc. “Giản dị thôi, trong bài đạo đức của chúng ta đã nói nhiều, lãnh đạo cũng hay nói với nhân viên, đó là tính kỷ luật. Người Nhật chỉ cho xê xích 4 giây, còn ở Việt Nam, điều đó thật là hoang đường. Chúng ta có thể tìm đủ mọi lý do để biện minh cho sự chậm trễ của mình” - Lê Khanh chia sẻ.
Thứ nữa là sự chú tâm tuyệt đối trong môi trường làm việc, môi trường sáng tác chung. Tính tự giác để lo những phần việc của mình. Cuối cùng là trách nhiệm và không bao giờ được thỏa mãn sự sáng tạo. “Chúng ta cứ gần đến đích là coi như xong, sơ duyệt xong là yên tâm. Nhưng với các bạn, trước giờ diễn, họ diễn như chưa bao giờ được diễn, tập nhưng chưa bao giờ đã đóng gói, luôn luôn nghĩ về những điều đang ở phía trước, đó là chưa kể không khí tập trung trước giờ diễn, thật sự thiêng liêng. Họ đối xử với khán giả một cách trân trọng và khán giả cũng trân trọng họ nhưng ở Việt Nam thì không có điều ấy” - nghệ sĩ Lê Khanh.
NSND Lê Khanh (ảnh do nghệ sĩ cung cấp).
Cần vai gai góc
Lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, bố là NSND Trần Tiến, mẹ là NSND Lê Mai, cả hai chị, em gái của Lê Khanh là Lê Vân - Lê Vy cũng đều gắn bó với nghệ thuật thứ bảy. Mười tám tuổi chính thức lên sân khấu, sự nghiệp diễn xuất của Lê Khanh gắn liền hàng trăm vai diễn sân khấu cùng nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Lê Khanh cho biết cuộc sống quá ưu ái mình vì đã cho chị sự sống, được làm nghề yêu thích, không ai cản trở hay ép buộc. Tuy nhiên, theo Lê Khanh, dù may mắn nhưng nếu không tận tâm, tận lực thì cũng khó có được sự thành công. “Nếu tôi không lao động một cách nghiêm túc, không hết mình, không đau đáu, không đam mê vật vã với nghề thì mọi người cũng chẳng biết Lê Khanh là ai” - chị tâm sự.
NSND Lê Khanh với các tạo hình rối trong vở diễn “Con vịt trời trúng độc”. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Những năm 1980, Lê Khanh chỉ đóng vai đào thương, cô Tấm, những vai trong trẻo, thánh thiện. Thế nhưng, chị bảo cuộc sống đâu chỉ có những vai như thế, cần phải có những vai gai góc hơn, đi ngược dòng cuộc sống để chiến thắng số phận. Khi khẳng định mình ở một mẫu nhân vật, ngay lập tức, Lê Khanh muốn khẳng định mình ở một mẫu nhân vật khác, gai góc hơn. Chị bảo mình may mắn khi được làm việc với chuyên gia nước ngoài, những người từ nơi khác đến, mang đến suy nghĩ khác, cái nhìn khác và khám phá ra những điều mới mẻ mà chính nghệ sĩ cũng không biết mình đang có. “Người Việt xưa nay diễn chủ yếu là nói lời, ít sử dụng ngôn ngữ hình thể. Xem kịch Việt Nam, người nước ngoài rất khó hiểu. Nếu không gặp các chuyên gia Nga, Pháp thì tôi sẽ không khám phá ra những chất liệu tiềm ẩn, phong phú, gây ngạc nhiên hằng ngày trong những vai thiếu nhi, vai anh hùng như Jeane d’Arc, sau đó là những vai phản diện và thậm chí làm cả hài. Nếu không được gặp họ, tôi cũng không khác ban đầu là mấy. Tôi cũng may mắn có những người thầy giỏi Nguyễn Đình Nghi, Xuân Huyền, Phạm Thị Thành… để từ đó trưởng thành, khẳng định mình” - Lê Khanh cho hay.
Khát vọng thay đổi
Đắm đuối với sân khấu, Lê Khanh tự thừa nhận mình là một “kẻ điên” trong nghệ thuật. Sau khi khám phá nhiều ngóc ngách của bản thân trong diễn xuất, từ bi kịch, tâm lý chính luận tới hài kịch, chị tiếp tục học đạo diễn ở tuổi không còn trẻ. Năm đầu tiên thi trượt, năm sau Lê Khanh thi đỗ, rồi tốt nghiệp loại xuất sắc. Chị tiếp tục học lên thạc sĩ để tính chuyện sau này đi dạy, truyền nghề cho đàn em. Nhà hát Tuổi Trẻ cử người tu nghiệp tại Nhật, Lê Khanh xin đi trong khi nhiều người cười vì chị già rồi còn “tăng động”.
Lê Khanh học múa rối với nghệ nhân Nhật Bản.
Lê Khanh tâm sự khi nào còn có thể làm nghề, chị còn cống hiến cho nghệ thuật. Những năm đầu thập kỷ 80, “Romeo và Juliet” của Nhà hát Tuổi Trẻ với dàn diễn viên 17, 18 tuổi trong trẻo, non nớt, mộc mạc mà lay động lòng người, một ngày diễn 4 suất, liên tục trong 1 năm. Nhiều tác phẩm khác cũng thế. Nhưng sau này, xã hội thay đổi, sân khấu cũng thiếu những kịch bản gắn với đời sống. Sân khấu đi sau cả báo chí, nghèo nàn và mất dần khán giả. “Không diễn nhiều thì diễn viên không được tôi luyện, không giỏi nghề và cứ như vậy, chúng ta cùng nghiệp dư trong quá trình tiến hóa” - Lê Khanh ngậm ngùi.
Chị cũng buồn khi các đồng nghiệp Nhật từng có những lúc khó khăn như Việt Nam nhưng họ đã đi lên rất nhanh bằng cách nghĩ khác, hành động khác. “Bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ của Nhật Bản đã phải ra nước ngoài để xem, học các nghệ sĩ Anh, Pháp, Mỹ… để tìm hiểu người ta đang diễn gì, đang có trào lưu gì rồi mang cái mới về. Chúng ta cũng dành nhiều tiền để đi xem nhưng không xem hết, không nghĩ sâu mà dành thời gian ngủ, đi shopping...” - Lê Khanh trăn trở. Vì thế, sau những ngày tháng “học nghề” tại Nhật Bản, khát vọng của nghệ sĩ này là có thể thay đổi để sân khấu hấp dẫn hơn.
NSND Lê Khanh bên poster vở “Con vịt trời trúng độc”.
“Chúng ta phải học cách sáng tạo, sử dụng lại những tác phẩm kinh điển, khai thác nó theo những cách khác nhau chứ không phải thấy người khác dựng rồi thì mình không dựng nữa. Tôi tin khi “Con vịt trời trúng độc” công diễn tại Hà Nội và Hải Phòng vào tháng 5 tới, những người làm nghề sẽ được nhìn thấy một tác phẩm thú vị, cái mà chúng ta trước đây không nghĩ đến hoặc nghĩ đến một cách tương đối. Chúng ta sẽ thấy một tác phẩm hợp tác giữa các thể loại, sẽ thấy cái không thể trở thành có thể, rối cổ và diễn viên kịch nói kết hợp với nhau một cách hài hòa, không có mấu nối, không có khoảng cách, người ta cảm nhận như là 2 trong 1. Trước đây, Easola Thủy khi đem múa đương đại về Việt Nam đã bị ném đá tơi bời. Chúng ta quen kể, quen xem một kiểu nên chúng ta là hàng độc với thế giới” - nghệ sĩ gạo cội này chia sẻ.
Yêu cuộc sống từng phút giây Nhiều người nói Lê Khanh khác thường ở năng lượng sống, tình yêu cuộc sống và sự lạc quan vượt qua khó khăn. Cuộc sống xã hội gấp gáp, bức bối nhưng Lê Khanh thì không. Hỏi chị tại sao, Lê Khanh bảo cha mẹ sinh ra chị yếu đuối vì thiếu tháng. Lúc đó, chị chỉ nặng 1,6 kg, chào đời khóc một hồi thì được 1,7 kg, dài 32 cm, lại bị ngạt nên người thâm tím, sống được đã là may mắn lắm rồi. Chính vì thế mà chị yêu cuộc sống này hơn mọi người, trân trọng và tranh thủ sống từng giây từng phút. Dù gặp bất kể tình huống nào cũng thích nghi và sống một cách lạc quan nhất, không thì phí đi cuộc sống trời cho. “Có một cách sống khác người, bẩm sinh đã sống nhiều về tinh thần, đích cuộc sống là sáng tạo nghệ thuật nên tôi tự tạo cho mình một môi trường sống thanh nhẹ. Tiền tài, danh vọng, vật chất chỉ là thứ yếu, không liên quan đến cuộc sống của Lê Khanh” - nghệ sĩ nổi tiếng cho hay. |