Mặc dù dư thừa hoa hậu, nhưng việc tìm người thi quốc tế năm nay cực kỳ nan giải.
Kỳ 1: Lạc vào cường quốc... loạn hoa hậu
"Loạn Hoa hậu": Đột nhập lò đào tạo (Kỳ 2)
Khái niệm "clapper" thường hay được dùng trong các cuộc thi Hoa hậu - ám chỉ khi một thí sinh không lọt vào bảng xếp hạng và cũng không đoạt giải thưởng gì, cô ấy thường chỉ đứng sau để làm nền và vỗ tay cổ vũ cho những người khác.
Không hề đơn giản để cử được một người đẹp đến với đấu trường nhan sắc quốc tế, vì vấn đề to nhất mà không phải ai cũng biết - kinh phí dự thi. Hầu hết các người đẹp Việt muốn lên đường đến Miss World hay Miss Universe đều cần có các nhà tài trợ, thường là các ngân hàng. Tất cả đều dự thi tự phát theo lời mời ngẫu nhiên của đơn vị giữ bản quyền, ngoại trừ Hoa hậu Thùy Lâm - cô là người biết trước mục tiêu của mình từ lúc viết đơn đăng ký.
Chính bởi không có kinh phí, không có đơn vị hỗ trợ, không được rèn luyện và chuẩn bị tâm lý nên các đại diện của Việt Nam những năm gần đây luôn được giao vị trí "clapper", mà theo như cách nói hoa mỹ là một cuộc giao lưu và học hỏi.
Đi thi cốt để giao lưu
Trong 3 cô gái đoạt ngôi vị cao nhất Hoa hậu Việt Nam 2012 - chỉ duy nhất Á hậu 2 Hoàng Anh được "trưng dụng" cử đi thi Hoa hậu Trái đất. Còn năm 2010, chỉ có Á hậu 1 Hoàng My muốn đi thi quốc tế và cô "ẵm" luôn tấm vé đến cả Miss World và Miss Universe.
Người muốn đi thi thì không được thi, người được khán giả kỳ vọng lại từ chối thẳng thừng.
Đã qua 3 kỳ Hoa hậu Việt Nam liên tiếp, người chiến thắng bằng nhiều lý do không thể quảng bá hình ảnh quốc gia bằng một cuộc "so găng" toàn cầu. Phải chăng chúng ta đang tìm kiếm những người đẹp chỉ để "lăng-xê" và ngắm nhìn vẻ đẹp của họ, chứ không cần một cuộc chinh phục đỉnh cao xứng đáng với sự kỳ vọng của khán giả.
Hoa hậu Thùy Dung rất muốn được đại diện Việt Nam tại một cuộc thi nào đó, nhưng hết năm này qua năm khác cô không được lựa chọn. Trái lại, Hoa hậu Ngọc Hân từ chối thẳng thừng vì cô không còn mặn mà gì với các cuộc thi nhan sắc. Còn lại Hoa hậu Thu Thảo khá... lấp lửng, không từ chối cũng không "máu chiến", dù rất nhiều khán giả đặt niềm tin ở đương kim Hoa hậu Việt Nam.
Chính vì các cô gái đoạt danh hiệu cao quý nhất không bước ra biển lớn, nên đơn vị giữ bản quyền như Elite Việt Nam hay Unicorp khá đau đầu trong việc tận dụng tấm vé của Việt Nam. Các nhà đầu tư lẫn khán giả không khó để biết trước thành tích của một số người đẹp - luôn luôn là vị trí clapper bởi chúng ta chẳng bao giờ có sự đầu tư thỏa đáng.
Duy nhất Hoa hậu Hương Giang (Á hậu 2 Miss Vietnam Global - một cuộc thi nhan sắc nhỏ diễn ra tại Mỹ) lọt tới top 17 Miss World với sự hậu thuẫn rất lớn từ việc Việt Nam tuyên bố đăng cai kỳ Miss World tiếp theo. Sau đó, việc đơn phương hủy tổ chức kéo theo hệ quả là một dàn người đẹp Việt đến Miss World chỉ để... dạo chơi.
Tương tự với Miss Universe, ngoại trừ Thùy Lâm, Unicorp luôn phải tìm lại những người đẹp đăng quang nhiều năm trước đó hoặc có danh hiệu ở một cuộc thi không xứng tầm để thi thố. Điều này gây cản trở rất nhiều cho các cô gái dù về ngoại hình họ không thua kém bất cứ ai. Vì danh không chính, ngôn chưa thuận; một cô gái có danh hiệu Hoa khôi Thể thao sao có thể trở thành Miss World, một cô gái đăng quang cách đây 7 năm sao có thể làm nên chuyện ở Miss Universe?
Ai khổ bằng người đẹp Việt thi quốc tế?
Tại phần lớn các quốc gia trên toàn thế giới, mỗi năm họ đều tổ chức từ một đến hai cuộc thi nhan sắc lớn nhằm mục đích tìm được đại diện để thi quốc tế. Các cô gái được biết trước nhiệm vụ của mình và có rất nhiều thời gian để tự chuẩn bị. Các tổ chức hoa hậu quốc gia có nhiệm vụ dìu dắt, giúp đỡ và huấn luyện những cô gái đẹp có đủ hành trang trước khi lên đường, bao gồm luôn cả khâu đứng ra tổ chức cuộc thi trong nước.
Còn ở Việt Nam lại khác, đơn vị tổ chức khác đơn vị nắm giữ bản quyền, các hoa hậu không chịu sự quản lý của bất cứ đơn vị nào và luôn hoạt động độc lập. Mục tiêu của các cuộc thi nhan sắc trong nước không phải để thi quốc tế, mà chỉ để: hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ biển, thắt chặt tình đoàn kết dân tộc... Điều mà bất cứ công dân nào cũng có thể làm được.
Thế mới có chuyện các người đẹp Việt loay hoay tự chuẩn bị, tự đi xin tài trợ để lên đường. Nhưng nếu không đoạt thành tích gì, hoặc để xảy ra sơ xuất, họ có thể bị dư luận và truyền thông chỉ trích rất nặng nề. Những cụm từ như "trắng tay", "thất bại" được gán cho các người đẹp có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý của họ, vì trước đó họ đâu có được đầu tư thích đáng?
Không có tổ chức quản lý, hướng dẫn vào đào tạo các hoa hậu trước và trong nhiệm kỳ.
Cá biệt, có trường hợp một cô Hoa hậu Việt đăng quang tại một cuộc thi cỡ lớn; sau đó cô dự thi Hoa hậu Trái đất và đoạt thứ hạng khá cao. Tiếp đó 2 năm, cô tiếp tục được mời dự thi Hoa hậu Hoàn vũ theo tính chất cá nhân. Vậy nhưng khi bị phát hiện đã có chồng trước khi thi Hoa hậu Hoàn vũ, những người tổ chức cuộc thi ban đầu lại đòi... tước vương miện của cô, dù rằng cô chẳng có sai phạm gì trong suốt quá trình dự thi tại quê nhà.
Trường hợp của Hoa hậu kể trên là hệ quả của việc không có sự đào tạo, quản lý các hoa hậu chuyên nghiệp. Nhưng khi xảy ra hệ lụy, có vẻ như chỉ duy nhất Hoa hậu là người phải chịu hoàn toàn trách nhiệm?
Ai sẽ thi quốc tế năm 2014?
Hiện nay, duy nhất cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được tổ chức bài bản và chuyên nghiệp, dù rằng hai năm mới tổ chức một lần. Những người chiến thắng cuộc thi này không bị cản trở bởi danh hiệu và hoàn toàn có quyền sáng ngang với đại diện các quốc gia khác.
Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo sau một năm cáo lui vì bận học, năm nay cô được cho là sẽ đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Hoàn vũ 2014. Thông tin này xuất phát từ việc hình ảnh Thu Thảo thường xuyên luyện tập hình thể được chia sẻ trên các mạng xã hội, ngoài ra cô cũng rất chăm chỉ học Tiếng Anh. Không những thế, khả năng biểu cảm, tương tác với khán giả qua ông kính của Thu Thảo đã được tăng lên một bậc, cô rất thân thiện và thông minh trong cách ứng xử.
Tiếp đến, Á hậu Các dân tộc Việt Nam Nguyễn Thị Loan nhiều khả năng sẽ tranh tài tại Hoa hậu Thế giới 2014. Mới đây, trong một bài phỏng vấn Nguyễn Thị Loan từng cho biết cô có dịp gặp gỡ và trò chuyện với John - con trai bà Chủ tịch Miss World Julia Morley và úp mở chuyện sẽ góp mặt tại một cuộc thi sắc đẹp quốc tế trong năm nay. Khi hỏi về khả năng chiến thắng tại cuộc nhan sắc quốc tế, Nguyễn Thị Loan thẳng thắn: “Tôi chắc 100% là chiến thắng rồi. Đó là chiến thắng chính sự e ngại với giới hạn bản thân mình”.
Các Hoa hậu Việt Nam sẽ mãi "làm nền" cho những người đẹp quốc tế?
Tuy nhiên, rào cản của cả hai người đẹp chính là việc danh hiệu của họ đều đã cũ hoặc không liên quan, thế nên vô tình hạn chế tầm ảnh hưởng đối với truyền thông cũng như khán giả quốc tế. Việc các đơn vị trong nước chậm trễ công bố đại diện cũng vô tình làm giảm sự ủng hộ của khán giả dành cho "gà nhà".
Ngoài ra, các cuộc thi nhan sắc khác như HH Siêu quốc gia, HH Trái đất, HH Quốc tế chắc chắn sẽ bị bỏ trống hoặc cử một đại diện không quá xuất sắc dự thi.
Còn cuộc thi nhan sắc lớn nhất trong năm - Hoa hậu Việt Nam 2014 phải đợi đến tháng 12 mới tìm ra người chiến thắng. Nhìn ở nhiều chiều khác nhau, đó có thể là một sự chậm trễ vì người chiến thắng không kịp thi thố gì cả, hoặc cũng có thể coi là một thay đổi đáng ghi nhận để tìm kiếm một đại diện mới có đủ thời gian nỗ lực chuẩn bị cho năm sau. Khán giả có quyền hy vọng những thế hệ người đẹp Việt tiếp theo luôn có tinh thần cầu thị, niềm tin và bản lĩnh trước những danh hiệu được trao, để một ngày nào đó, chúng ta tự hào trở thành tâm điểm trên sân khấu sắc đẹp, thay vì vị trí clapper buồn chán suốt bao năm nay.