Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 6h30 sáng 4/3.
Từ trước Tết Nguyên đán, sức khỏe của nghệ nhân Hà Thị Cầu đã sút đi trông thấy và hình như cái “điềm” ấy đã vận vào từng câu nói hàng ngày của bà… Có bận đang ngồi giữa nhà, bà chỉ lên cái bóng điện và bảo: “Khi nào cái bóng điện này cháy là trùm Xẩm gọi bu đấy”. Vài ngày sau thì bóng điện cháy, bà cũng lịm đi từ đấy. Con cháu chăm sóc thuốc men, sâm, cháo thế nào cũng không “vực” bà dậy được. Dù tuổi đã cao, xưa nay nghệ nhân Hà Thị Cầu vẫn nổi tiếng tinh anh và dí dỏm, nhưng rồi trận ốm này đã “quật” bà mê man, không còn nhận ra ai, ngay cả những người bà yêu quý nhất. Nhiều nghệ sĩ là học trò của bà nghe tin bà ốm cũng vội vã về thăm. Và rồi người giữ hồn cho Xẩm đã trút hơi thở cuối cùng vào một ngày trở gió, 3-3-2013.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu tên thật là Hà Thị Năm, sinh năm Mậu Thìn, 1928 tại Ý Yên - Nam Định trong một gia đình 3 đời hát xẩm. Năm lên 8 tuổi, bà đã bê chiếc thau đồng theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê hành nghề hát xẩm kiếm sống. Quãng thời thơ ấu khắp mọi góc chợ bà đã nhập tâm nhiều điệu hát. Khi bà vừa tròn 16 tuổi thì cha mất, bà theo mẹ về sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, Ninh Bình, và xẩm vẫn là cách giúp hai mẹ con bà mưu sinh. Không hiểu sao, bà đã chấp nhận làm vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu, một người có tài đàn hát. Kể từ đó, bà tiếp tục theo chồng rong ruổi đi hát ở bến tàu, bến xe, nhà ga, góc chợ… suốt dọc từ Hải Phòng vào tận đất Thanh Hóa, Nghệ An. Như định mệnh, cái duyên, cái nợ với xẩm cứ thế đeo đuổi bà cho tới tận khi bà nhắm mắt xuôi tay về với tiên tổ.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu một đời gắn bó với hát xẩm
Cả đời bà chỉ biết có xẩm, sống nhờ vào đồng tiền lẻ, nhờ củ khoai củ sắn, con cá, mớ rau… của những người vì yêu tiếng hát của bà mà san sẻ. Không ít lần, bà khóc khi kể về quãng đời khó nhọc và cô đơn, nước mắt lặng lẽ rơi trên khuôn mặt khắc khổ, hằn sâu những vệt thời gian. Khổ một đời, nghèo suốt kiếp người, nhưng lạ cái, chưa lúc nào bà ngừng hát. Tiếng hát của bà vang lên dù ở trong ngôi nhà vốn chẳng khang trang của bà, hay trên những sân khấu lớn mang tầm quốc gia thì điệu xẩm vẫn thế, não nề, như là rút cả ruột gan.
Rồi bà lo xa, rằng khi mình mất đi, ai sẽ là người nối nghiệp giữ nghề xẩm. Biết bao lần, trong nhà gạo chẳng còn lấy một hạt, nhưng bà vẫn cứ vui vẻ chỉ dạy cho đám trẻ hát xẩm. Cả đời gắn bó cùng xẩm, nghệ nhân Hà Thị Cầu được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian năm 2004, sau này bà được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, nghệ nhân Hà Thị Cầu tiếp tục nhận giải thưởng Đào Tấn - giải thưởng dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Hơn 2 năm trước, nghệ nhân Hà Thị Cầu trở thành nhân vật chính của bộ phim tài liệu “Xẩm đỏ”. Khi làm phim về bà, nghe những chuyện đời ngang trái của bà, đạo diễn Lương Đình Dũng đã hỏi, có bao nhiêu nghề khác sao bà không chọn, lại chọn xẩm làm gì để rồi nghèo đói, cơ cực cả đời. Câu trả lời của bà chỉ đơn giản là: “Tham làm gì con?”. Có lẽ cũng vì thế nên dù có được danh hiệu, dù sau này có được tôn vinh là “báu vật nhân văn sống” thì bà vẫn nghèo khổ như thuở ôm con đi hát rong, không ruộng vườn, không cả lương hưu… Cuộc đời nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu như con tằm đã xong kiếp nhả tơ.
Lễ viếng nghệ nhân Hà Thị Cầu được bắt đầu từ lúc 6h30 sáng 4-3 sau đó được an táng vào lúc 9h30 sáng 5-3 tại nghĩa trang Đầm Thuần (xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình).