Giữa showbiz "trong sáng", người nhạc sĩ lập tức trở thành "tội đồ" vì đi ngược quy luật.
Nghệ sĩ là những người nhạy cảm, dễ vui, dễ buồn, dễ giận hờn, dễ tự ái, được ví như nàng Lâm Đại Ngọc trong Hồng lâu mộng, một cánh hoa rơi cũng đau lòng. Nhưng với không ít những Lâm Đại Ngọc của showbiz Việt, những ai dám làm “nàng” đau, chắc chắn sẽ phải chịu sự “trừng phạt” thích đáng.
“Đồng lòng” như showbiz Việt
Tâm lý người Việt ngại đụng chạm. Đây là con dao hai lưỡi. Với ngành giải trí, suy nghĩ này từ lâu đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người. Mỗi khi một nghệ sĩ được đề nghị nhận xét về một cá nhân nào đó, khán giả khỏi suy nghĩ cũng đoán được đó là những màn ca ngợi tâng bốc nhau. Trong các cuộc thi, thậm chí những người đóng vai trò là ban giám khảo cũng ngại đưa ra những nhận xét thẳng thắn vì sợ mất hình tượng, dù đây là là nhiệm vụ đáng lẽ phải làm tốt của họ.
Thực tế, điều này không quá khó hiểu, vì những người trong giới chạm mặt nhau suốt ngày, chẳng lẽ có điều gì không hài lòng lại huỵch toẹt ra trước giới truyền thông, thay vì, cứ thuận mặt nhau thì kiểu gì cũng có lợi. Hơn nữa, nghệ sĩ lúc nào chẳng diễn? Mà diễn vai người tốt chắc chắn luôn được thích hơn vai phản diện.
Theo thời gian, điều này đã biến showbiz Việt thành môi trường “trong sáng” và “thánh thiện” đến không ngờ. Trong đó, người người yêu nhau, nhà nhà thương nhau, ai cũng nghĩ là mình hay và giỏi.
Nghệ sĩ Việt thường khó chấp nhận những lời chê, dù là lời chê của đàn anh, đàn chị đến giới truyền thông.
Để rồi đến khi có những cá nhân dám nói lên chính kiến của mình, nếu bất lợi cho người khác, ngay lập tức trở thành “tội đồ”.
Đó là Nguyễn Ánh 9 với “Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót”, là Thanh Lam với “Uyên Linh cũng thường thôi”, cũng là Thanh Lam: "Đàm Vĩnh Hưng và Hồ Ngọc Hà sẽ dạy thí sinh The Voicebằng cái gì?", Bảo Yến chê Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Hồ Ngọc Hà... không khác gì con rối, Công Lý với “Trấn Thành diễn hài cứ luyên thuyên”…
Cứ mỗi lần như thế, showbiz Việt lại được phen “chấn động” bởi có người… dám chê. Như thể cái chê trong giới này quý và lạ đến vô cùng.
Tâm tư người bị chê
Với một người khi vấp phải những lời bình luận bất lợi, chưa biết ai đúng ai sai, ắt hẳn phản ứng đầu tiên sẽ là sự tủi thân, bực bội.
Như Đàm Vĩnh Hưng, đang ở đỉnh cao sự nghiệp và được tôn làm “ông hoàng”, bỗng dưng bị phán là “xứng làm ca sĩ hạng C hát lót” thì không tủi thân sao được. Nhưng cái tủi của anh không được mọi người đồng cảm và chia sẻ, bởi trong một phút cao hứng, nó đã bị biến thành sự phản kháng với người đáng tuổi cha chú của mình là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Rõ ràng nam ca sĩ sự tính toán có chủ đích mới có thể viết nên những từ ngữ có phần nặng nề trong một bức thư được chia sẻ trên trang cá nhân như vậy.
Trong khi đó, Mỹ Tâm cũng là người có liên quan đến vụ việc này, nhưng nữ ca sĩ này lại một lần nữa được lòng người hâm mộ khi chọn cách trả lời nhẹ nhàng và có tình hơn.
Cái khác giữa Mỹ Tâm và Đàm Vĩnh Hưng: cách ứng xử.
Đây không phải là lần đầu Đàm Vĩnh Hưng có phản ứng mạnh mẽ trước những lời nhận xét của đồng nghiệp. Anh từng “từ mặt” Phương Thanh, Thanh Lam, đến Bảo Yến và giờ là Nguyễn Ánh 9, liệu đó có còn phải là những sự bộc phát cá nhân vì một phút tủi thân hay không?
Nhiều người cho rằng sở dĩ Mỹ Tâm có thể bình tĩnh được như vậy vì cô không bị nhận lời nhận xét quá nặng nề như đồng nghiệp của mình. Nhưng lật lại những chuyện trước đây, ngoại trừ việc mắc phải những thông tin ảnh hưởng đến uy tín và danh dự, Mỹ Tâm cũng ít khi đáp trả những lời bình luận, chê bai về khả năng ca hát, diễn xuất của mình. Và đây chính là điểm khác nhau lớn nhất giữa cô và Đàm Vĩnh Hưng mà khán giả thường nhắc đến: cách ứng xử!
Nói về trường hợp của Uyên Linh, khi bị Thanh Lam nhận xét là “Bình thường thôi!” khi được đông đảo khán giả phong làm diva thứ 5 của làng nhạc Việt, cô luôn khéo léo từ chối các câu hỏi với lý do duy nhất: "Không thích nói về người thứ 3”. Đến khi cả hai cùng tham gia đêm nhạc Cầm tay mùa hè do Quốc Trung tổ chức cách đây 2 năm, người ta mới thực sự thấy được cái “khéo” của cô gái vốn tưởng chừng như không có duyên giao tiếp này.
Ai bảo Uyên Linh không khéo?
Thử tưởng tượng, nếu đã khéo (nhưng không khôn), ắt hẳn lúc đó Uyên Linh đã phải gây chấn động bằng tâm thư, bởi đó là thời gian cô đang là thần tượng âm nhạc của hàng triệu khán giả và lời cô "phán" sẽ nhận được sự tiền hô, hậu ủng. Nhưng tâm thư có dài và hay cỡ nào cũng chẳng thể nào thuyết phục được “đàn chị” Thanh Lam bằng một lần “so tài” ngang sức trên sân khấu như thế này.
Cần lắm những Nguyễn Ánh 9!
Làng giải trí có cần những lời chê? Câu trả lời là có. Nhưng cách chê và chê như thế nào lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Nhiều khán giả sau khi đọc những lời bình luận của Nguyễn Ánh 9 không khỏi tiếc nuối. Phải chi ông chọn cách trao đổi nhẹ nhàng với lớp đàn em trong hậu trường, thay vì chọn cách nhận xét trước phương tiện truyền thông. Vì dù gì họ cũng là những ngôi sao hàng đầu Việt Nam của thời điểm hiện tại, bỗng dưng bị đánh giá như "ca sĩ hát lót", ca sĩ không có tài năng, không có tâm hồn cảm xúc, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín cũng như sự tự ái nghề nghiệp của họ.
Trấn Thành khi bị Công Lý đánh giá là "diễn hài cứ luyên thuyên", anh cũng nhẹ nhàng phản hồi rằng đồng nghiệp không nên lên báo chí nói nhau như thế".
Nhưng thử hỏi với những người không biết ứng xử, góp ý không được, có khi lại để trong lòng rồi lựa dịp "trả thù" cũng nên.
Rồi cứ thế, showbiz Việt lại tràn ngập những màu hồng của sự giữ kẻ và thậm chí là… thảo mai.
Liệu còn ai dám thẳng như ông?
Nói như vậy không có nghĩa cứ dám chê là giỏi, chê sao cho người khác phải tâm phục khẩu phục chứ không phải cố tình tạo tai tiếng cốt để được lên mặt báo. Nhưng khổ nỗi, một bộ phận đa số khán giả Việt vốn không thích bị chê, vốn quen với những lời tâng bốc ca ngợi, kiểu người trong nghề với cái tâm của một người nhạc sĩ già có góp ý thẳng thắn, cũng chẳng khác gì động vào ổ kiến lửa.
Ông nói chưa hoàn toàn đúng, thậm chí còn có phần phiến diện khi ứng với thời điểm thị trường âm nhạc hiện tại, nhưng phản ứng như Mr Đàm cũng chẳng làm anh được khen thêm một lời nào.
Chê đúng – khắc phục, chê sai – chứng tỏ, đó mới đúng là tinh thần mà showbiz cần có, chứ không phải cứ động đến là "đùng đùng nổi giận".
Lời xin lỗi của Nguyễn Ánh 9 được hiểu như sự bất lực của người nghệ sĩ trước cái tâm của mình muốn góp ý cho thế hệ sau. Có thể ông quá thẳng thắn, nhưng trong môi trường mà sự thẳng thắn bị vùi dập, thì sẽ chẳng đi về đâu.
Sau vụ này, thử hỏi còn ai được như ông, hay chỉ còn những Long Nhật, chỉ chực chờ cơ hội để lên tiếng, càng bị ném đá lại càng khoái. Lúc đó, showbiz Việt lại được dịp mua vui cho thiên hạ.