"Nhiều người tìm đến vì nghĩ tôi khổ, cần tiền ủng hộ. Tôi chưa bao giờ muốn thế".
Có những người tìm đến nơi nhà văn Lê Lựu đang sống, hòng ghi lại "cái khổ" mà nhà văn lão làng đang trải qua trong cuộc đời. Người ta sẽ tưởng ông đang rất cô đơn, nghèo khổ và yếu ớt. Nhưng phải tự mình gặp gỡ và trò chuyện mới phần nào thấy sự kiên cường, khát vọng cống hiến trọn đời của một người lính từng vào sinh ra tử.
Nhà văn Lê Lựu có phần dè dặt khi gặp người lạ. Ông đòi... xem giấy tờ. Nếu đủ sự tin tưởng thì mới trò chuyện. Cũng chẳng phải khắt khe hay đa nghi, những ngày vừa qua, Lê Lựu gặp phải không ít tình huống dở khóc dở cười. Một số người tìm đến với ông để khai thác nỗi u uất và nghiêm trọng hóa vấn đề, như thể chính họ cố diễn tả nỗi sợ hãi của bản thân ở tương lai xa xôi khi tuổi già ập đến. "Nếu chúng ta chỉ nhìn cuộc sống ở những mảng tối, thì oan cho những người đứng giữa ranh giới để làm nhiệm vụ đem lại ánh sáng quá", Lê Lựu nói.
Nhà văn Lê Lựu trân trọng tình cảm nhưng không cần sự thương hại.
Tôi là người may mắn
Ở tuổi 71, trải qua 5 lần tai biến mạch máu não, nhà văn Lê Lựu vẫn nhớ mặt, thuộc lên từng người, kể cả những người mới gặp lần đầu. Ông vẫn đọc báo, xem tivi, dùng điện thoại di động để liên lạc. Thú nhận mang trong mình tới 15 căn bệnh, nhưng ông không tỏ vẻ bi quan, luôn tự mình đi lại trong căn phòng nhỏ và hào hứng tiếp chuyện tất cả mọi người.
Trong 3 năm qua, dù bệnh tật liên miên, ông vẫn cho ra đời 3 cuốn sách: Thời loạn, Ở quê ngày ấy và Gã dở hơi. Trong đó, cuốn Gã dở hơi được bạn đọc yêu thích hơn cả. Tôi tò mò vì sao một người mang trong mình lắm bệnh đến thế vẫn còn đủ tâm sức để cho ra đời những cuốn sách mới. Ông bảo phải nhờ người đánh máy lại những gì hiện hữu trong đầu. "Bất tiện thì cũng có, vì nhiều khi mình mất cả một đêm để tìm được một từ ngữ ưng ý. Nhưng nhờ người khác đánh máy thì không làm thế được".
Lê Lựu sống trong căn phòng nhỏ ở Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (nằm giữa khu chợ ngõ 319 Tam Trinh) đã được 10 năm, đối với ông, nơi này chính là nhà và những anh chị ở đây chẳng khác nào con cháu. "Họ chăm lo cho tôi từ bữa ăn đến giấc ngủ. Sáng dậy sớm đưa tôi đi bộ quanh đây, đêm vài lần dậy đưa tôi đi nhà vệ sinh".
Ông bảo phải là người may mắn thì mới có được những thứ tình cảm quý giá đó. Bên cạnh nhà văn lúc nào cũng có người, thậm chí một năm họ chỉ về nhà có 2 ngày Tết, còn lại ở bên ông.
Lê Lựu vẫn thấy mình may mắn vì có nhiều người giúp đỡ.
Những ngày gần đây, có nhiều độc giả tìm đến nơi ở của nhà văn Lê Lựu để thăm nom, cho tiền vì nghĩ ông giờ nghèo khổ lắm. Đúng là Lê Lựu có thiếu thốn so với nhiều người - thiếu tình cảm gia đình, nhưng lại có nhiều người coi ông như cha.
Trên thực tế, ông sống khá đầy đủ về vật chất. "Tôi có lương hưu, có tiền từ việc viết sách và cả những khoản tích góp từ trước đến giờ. Trong cuộc sống, bên cạnh tôi luôn có những người bạn đồng nghiệp, đồng chí, đồng đội sẵn sàng giúp đỡ. Về sinh hoạt, có các cán bộ của trung tâm bên cạnh. Ở vào tuổi của tôi, như vậy là một niềm hạnh phúc. Nếu có gì thiếu thốn, thì đó là niềm khao khát được trở về mái nhà của tổ tiên mà thôi".
"Lập lòe ý tưởng"
Một ngày của nhà văn Lê Lựu không đơn thuần là quanh ra quẩn vào chiếc giường bệnh để uống thuốc. Ông vẫn làm việc, tiếp khách bình thường. Nhiều tác phẩm của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân vẫn cần qua tay ông để xử lý, nhiều mối quan hệ tâm giao tìm đến với ông để có được sự chia sẻ quý báu.
Một người bạn thân của nhà văn nói: "Lê Lựu khát vọng đến chết vẫn còn viết, lập lòe ánh sáng của sự sống là còn lập lòe ý tưởng". Hỏi về hành trình văn chương của cuộc đời, Lê Lựu nói: "Tôi viết văn vất vả lắm". Ngày xưa Lê Lựu không được đào tạo về báo chí, văn chương, chủ yếu là học từ người này qua người khác. Tác giả Thời xa vắng sống trong căn phòng chứa rất nhiều sách, ông tự nhận sự nghiệp văn chương của mình không có gì đồ sộ, chỉ tầm hơn 20 tác phẩm - "Thế là ít so với nhiều người".
Lê Lựu trải lòng về con đường văn chương của mình.
Thắc mắc vì sao bây giờ người ta quan tâm đến ông nhiều như vậy, nhưng phần lớn là bày tỏ sự thương hại, thậm chí người ngoài nhìn vào để trách móc dẫu chẳng hiểu gì? Vì khác với những người bình thường, ông là người có tài, có địa vị trong xã hội. Lê Lựu giờ sống một cuộc đời nhưng tồn tại bên trong 5 con người: người công dân bình thường; một nhà văn luôn đau đáu trăn trở, hoài niệm; một người bệnh; một kẻ bất hạnh và một người nổi tiếng.
Nhiều con người tồn tại trong một thân phận khiến ông lúc thật đáng thương vì mau nước mắt, lúc lại hài hước khiến ai cũng bật cười. Nghe ông kể chuyện cũng vậy, nhiều cảm xúc trôi qua trong một câu chuyện khiến ta có thể phì cười đấy, nhưng sẽ cố nén lòng mình đừng xúc động theo ông.
Lê Lựu vẫn ấp ủ dự định cho cuốn sách tiếp theo, cuốn sách viết về quê hương, làng mạc với người vợ đầu của mình. Đó là nỗi niềm trăn trở lớn nhất, ông có nhà ở quê cha đất tổ nhưng giờ đứng tên người phụ nữ ấy. Trước đây, Lê Lựu từng ví người đàn bà này với cô Tuyết - vợ đầu của anh cu Sài trong Thời xa vắng. Giang Minh Sài không yêu nhưng cứ phải nhắm mắt sống chung với người phụ nữ quê mùa, thô vụng vì sợ dư luận, sợ ảnh hưởng đến thi đua cán bộ gương mẫu, để rồi kết quả là không bao giờ có được hạnh phúc. Ông đã rời khỏi "Cô Tuyết" của đời mình đến nay đã 40 năm, nhưng giờ vẫn còn tồn tại sợi dây vô hình trói buộc, đau nhức khôn nguôi. Tết năm rồi, Lê Lựu nhờ người cháu đưa về thăm quê và sống cùng, chỉ đúng ngày mùng 1 rồi lại quay về Hà Nội.
Ông có một người con với người vợ đầu, và 2 con với người đàn bà thứ hai. Nhưng giờ chẳng biết họ ở đâu, làm gì. Chỉ biết ông luôn kể về các con với tâm thức của một người cha già hoài niệm những ký ức đẹp. Rằng ông đã nuôi dạy chúng ra sao, xin việc cho chúng ra nông nỗi nào. Để rồi đến ngày ông nằm viện vì tai biến lần 3, các con cũng dứt tình mà đi sau khi bán được căn nhà ở số 8 Lý Nam Đế. Ông không còn người thân kể từ đó.
Lê Lựu trong bữa cơm trưa.
Giờ đối với Lê Lựu, ông chỉ còn một nỗi niềm đau đáu trong tim là được trở về căn nhà tổ tiên ở Hưng Yên để được thắp một nén hương.
Bữa trưa, giữa căn phòng rộng lớn của trung tâm, ông ngồi bên mâm cơm với những món quê hương thân thuộc: canh mướp với mồng tơi, cá kho. Ăn nhiều rau theo đúng thực đơn của bác sỹ, Lê Lựu bình thản, mặc nhiên với thực tại, nhưng thi thoảng lại đau đáu một điều gì đó trong ánh mắt ngấn lệ.
Những hình ảnh về cuộc sống của nhà văn Lê Lựu:
Khoảng 8h sáng, ông sẽ ngồi máy massage.
Căn phòng tuy nhỏ nhưng bày rất nhiều tác phẩm, nhà văn Lê Lựu thường dành tặng sách ở đây cho bạn bè.
Trong nhà có một hệ thống khung tay vịn để ông tập đi lại sau lần bị tai biến thứ 3.
Những bức ảnh, tranh vẽ kỷ niệm của nhà văn.
Hình lưu niệm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhà văn Lê Lựu.
Ảnh chụp cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xung quanh nhà văn Lê Lựu luôn có bạn bè, người thân giúp đỡ.
Giờ ông chỉ còn một nỗi đau đáu trong tim là được về quê thắp hương cho Tổ tiên.
Bữa cơm quê giản dị của nhà văn Lê Lựu.